Nhiều dấu ấn đặc biệt về Phật học viện Huệ Nghiêm được nhắc lại trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập

Nghe đọc bài:

Sáng 27/11, Phật học viện Huệ Nghiêm đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1964- 2024) trong không khí trang nghiêm và ý nghĩa. Sự kiện còn kết hợp với lễ tưởng niệm húy kỵ lần thứ 30 của Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ và tri ân chư Tôn thiền đức tiền bối hữu công.

Đức Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm chứng minh và ban lời đạo từ. Sự chứng minh của Ngài đã mang đến ý nghĩa sâu sắc cho buổi lễ kỷ niệm.

Buổi lễ có sự hiện diện đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, trong đó có các vị Trưởng lão và học Tăng từng gắn bó với Phật học viện từng thời kỳ đầu, tiêu biểu như: Trưởng lão Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS; Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông – Ủy viên Thư ký HĐCM, Trụ trì chùa Huệ Nghiêm; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Pháp – Ủy viên Thường trực HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang – Ủy viên Thường trực HĐCM, Trưởng Ban Quản trị Tông phái Thiền Trúc Lâm Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công đức to lớn của chư vị tiền bối hữu công – những người đã đặt nền móng cho sự thành lập và phát triển của Phật học viện Huệ Nghiêm, như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Thiền Tâm, và Hòa thượng Thanh Từ. Ngài nhấn mạnh: “Những viên gạch gạch đầu tiên ấy đã làm nền tảng vững chắc, đưa Huệ Nghiêm trở thành chiếc nôi đào tạo Tăng tài, phụng sự Giáo hội và dân tộc.”.

Theo thời gian, Phật học viện không ngừng đổi mới về diện mạo nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần duy trì mạng mạch Chánh pháp, với sứ mệnh đào tạo những bậc Đại thừa pháp khí. “Với tâm nguyện bảo vệ ngôi nhà Phật pháp bền vững, trong hơn hai thập kỷ qua, chúng tôi đã tập trung hoằng dương Luật học, chấn chỉnh Tỳ-ni, và trùng hưng Giới bổn. Đây là những phương pháp căn bản giúp Tăng Ni trẻ thấu hiểu kỷ cương, sống đời Phạm hạnh, thiểu dục tri túc, buông bỏ tham lam, xa rời si ái, và tấn tu thanh giới. Những nỗ lực này nhằm đào tạo thế hệ Tăng Ni trở thành mô phạm cho đời, tiếp nối ngọn đèn Chánh pháp.”, Trưởng lão Hòa thượng bày tỏ.

Theo Trưởng lão Hòa thượng, Lễ kỷ niệm là dịp để ôn lại nghĩa tình Linh sơn pháp lữ của chư huynh đệ cựu học Tăng từng ngồi dưới mái trường Phật học viện Huệ Nghiêm thân thương này; đồng thời qua đó, nhắc nhỡ thế hệ hậu lai biết biết tri ân nguồn cội, kế tục hạnh nguyện chư tổ, và phát huy tinh thần phụng sự Giáo hội, độ sinh vô ngại. 

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, đại diện cho tất cả các cựu học Tăng, đã xúc động nhắc lại yếu tố lịch sử và cơ duyên thành lập Phật học viện Huệ Nghiêm. Ngài đã trình bày về hành trình 60 năm xây dựng và phát triển của Phật học viện, một chặng đường đầy gian nan và thử thách, nhưng cũng tràn đầy ý chí kiên cường và tâm nguyện dấn thân của chư vị tiền bối hữu công.

Qua lời kể chân thành và đầy cảm xúc, toàn thể hội chúng đã có cái nhìn sống động về lịch sử hình thành và phát triển của Phật học viện. Từ khi thành lập năm 1964, Phật học viện Huệ Nghiêm đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, các thế hệ học Tăng học tập tại đây đối diện giai đoạn đất nước và xã hội còn nhiều biến động, điều kiện kinh tế thiếu thốn, cơ sở vật chất hạn hẹp, điều kiện giảng dạy chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, chính trong những thử thách ấy, tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực của các thế hệ học Tăng, cùng với sự dẫn dắt của chư vị tôn đức Ban Giám đốc Phật học viện và Ban quản trị chùa Huệ Nghiêm theo dòng lịch sử, đã giúp Phật học viện vững bước và ngày càng phát triển cho đến ngày hôm nay

Nhưng dưới sự dẫn dắt của Ban Giám đốc qua các thời kỳ, cùng với công đức và hạnh nguyện cao cả của các vị tổ sư tiền bối, nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật học viện Huệ Nghiêm ngày nay đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của giáo dục Phật giáo, nơi tiếp tục đào tạo những Tăng tài có trí tuệ và đạo hạnh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp hoằng pháp, xây dựng GHPGVN ngày càng vững mạnh, trang nghiêm và rạng rỡ. 

Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang tiếp tục chia sẻ cảm niệm, nhắc lại những kỷ niệm về giai đoạn đầu khi chính bản thân Ngài là một trong những cựu học Tăng, được trực tiếp thọ giáo dưới sự chỉ dạy của cố Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ và chư tôn đức. Những bài học không chỉ về kinh điển mà còn về đạo hạnh và ý chí kiên định đã giúp các thế hệ học Tăng vững bước trên con đường tu nhân, học đạo và theo đuổi sứ mệnh duy trì mạng mạch Phật pháp.

Đạo từ tại buổi lễ, Đức Pháp chủ bày tỏ tri ân sâu sắc chư vị tiền bối hữu công tại Phật học viện Huệ Nghiêm, đặc biệt là cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ. Ngài chia sẻ, dù không học tại đây nhưng đã có duyên thân cận, được các vị tiền bối, trong đó có Trưởng lão Hòa thượng Giám đốc, giáo huấn và định hướng cho bước đường hành đạo của mình. 

Đức Pháp chủ khẳng định Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ là bậc chân tu thạch đức, với trí tuệ sáng suốt và tầm nhìn sâu xa trong quản lý giáo dục và đào tạo Tăng tài. Ngài đã khéo léo bồi dưỡng những học trò xuất sắc, điểm hình như Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đương nhiệm và nhiều bậc tôn túc khác, trở thành trụ cột của GHPGVN.

Ngài nhấn mạnh vai trò to lớn của Phật học viện Huệ Nghiêm trong 60 năm qua đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của chư vị tiền bối hữu công khi thành lập. Ngài bày tỏ niềm tin tưởng rằng, với truyền thống quý báu và những nền tảng vững chắc, Phật học viện Huệ Nghiêm sẽ tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình, đào tạo thêm nhiều thế hệ Tăng tài, góp phần làm rạng danh Phật giáo Việt Nam.

Trong phần nghi lễ tâm linh tưởng niệm, không khí trang nghiêm đã được duy trì khi đại chúng hướng về linh đường, nơi tôn trí di ảnh của chư vị tiền bối hữu công. Đức Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng và Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đã đại diện thành kính dâng hương cúng dường giác linh của các vị tiền bối, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những công lao to lớn mà các ngài đã cống hiến cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.

Cùng với nghi thức dâng hương, đại chúng cũng đồng cầu nguyện cho Phật nhựt tăng quy, Pháp luân thường chuyển và Phật giáo Việt Nam mãi mãi hưng thịnh, trường tồn với thời gian. Đây là một khoảnh khắc đầy xúc động, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn đối với những bậc tiền bối đã xây dựng và phát triển nền tảng vững chắc cho Phật giáo Việt Nam. 

Buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Phật học viện Huệ Nghiêm đã khép lại một cách viên mãn sau lời phát biểu cảm tạ đầy trân trọng của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Pháp, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới chư tôn đức chứng minh và tham dự. 

Những năm đầu thập kỷ 60, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa và Thích Thiện Hòa đặt nền móng cho Phật học viện Huệ Nghiêm trên vùng đất An Dưỡng địa. Từ năm 1958-1961, trước nhu cầu học tập ngày càng tăng của Tăng sinh, Phật học viện Ấn Quang được dời về đây. 

Năm 1964, Trường Trung đẳng Phật học Chuyên khoa thành lập dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Bửu Huệ với vai trò Giám đốc, cùng sự tham gia của các giáo thọ danh tiếng. Đến năm 1965, trường đổi tên thành Phật học viện Huệ Nghiêm, tiếp nhận 300 Tăng sinh. 

Năm 1970, Giáo hội thành lập Viện Cao đẳng Phật học tại Huệ Nghiêm, Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Bửu Huệ giữ vai trò Phó Viện trưởng kiêm quản lý. Sau năm 1975, Viện thích ứng với hoàn cảnh mới, tập trung tu trì và duy trì mạng mạch Phật pháp. 

Năm 1976, Hòa thượng Thích Bửu Huệ mở ra chương trình kết thất tịnh tu cho chư Tăng và hướng dẫn hành trì theo pháp môn Tịnh độ. Năm 1980, Ngài lâm bệnh, giao lại việc điều hành cho các Thượng tọa và giữ vai trò cố vấn. Năm 1991, Hòa thượng viên tịch, trụ thế 78 năm, 42 hạ lạp. 

Từ năm 2000, Phật học viện trải qua nhiều đợt trùng tu. Năm 2006, Giới đài viện được khởi công và hoàn thành vào năm 2010, tiếp tục tổ chức các lớp Luật học nội trú và ngoại trú, đào tạo hàng trăm Tăng Ni, góp phần phát triển Phật pháp.

Đăng Huy

Nguồn: chutichghpgvn.vn

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online