PSO - Tứ trọng ân là bốn ân quan trọng trong sự phát triển và tạo dựng nên phẩm chất đạo đức của mỗi con người. Đó chính là, ân cha mẹ, ân Sư trưởng, ân chúng sinh, thí chủ, ân Tổ quốc, đất nước đây là điều trọng đại của đời người mà bất cứ ai cũng không thể quên.
Sáng ngày 11/8/2024, tại chánh điện chùa Cao Sơn (xã Gia Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) Ban Tổ chức lễ hội thắp sáng "Tri Ân Mùa Vu Lan" do Ban Văn hoá TƯ và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã cung thỉnh Hòa thượng Bửu Chánh - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa TƯ, Trụ trì thiền viện Phước Sơn đến chia sẻ pháp thoại với chủ đề “Tứ Trọng Ân” đến 500 Phật tử tham dự Pháp hội nhân dịp Vu lan Báo hiếu PL.2568 - DL.2024.
Hòa thượng Bửu Chánh chia sẻ: “Với truyền thống tốt đạo đẹp đời đất nước ta đã có chiều dài lịch sử bốn nghìn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam có tín ngưỡng lâu đời là thờ cúng ông bà tổ tiên. Thế cho nên đạo thờ ông bà tổ tiên nói lên tinh thần hiếu thảo là văn hóa đạo đức bất di bất dịch đối với đời sống đạo đức con người.”
“Ân nghĩa là truyền thống luân lý đạo đức được truyền từ ngàn xưa đến này. Dù bất kỳ dân tộc, đất nước nào cũng đều lấy ân nghĩa làm trọng. Nhớ ơn và đền ơn là một quy luật đạo đức và cũng là hạnh nguyện lớn nhất của những người con Phật. Do vậy, những lời Phật dạy luôn gần gũi với con người dễ dàng áp dụng vào đời sống thực tế. Đức Phật dạy chúng ta bốn ân quan trọng và cao quý thức tỉnh con người nên nhớ, đây cũng được coi là đạo lý quan trọng của mỗi người và là nền tảng đạo đức căn bản của con người.”
“Trong Phật giáo, thì sau khi chư Tăng mãn hạ thì lễ Tự tứ hay còn gọi là lễ Vu lan Báo hiếu sẽ diễn ra, thì giá trị cốt lõi của lễ Vu lan Báo hiếu là tôn vinh đức hiếu hạnh, là dạy cho con người biết tri ân công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đó cũng là đạo lý làm người căn bản của mỗi người dân Việt Nam. Bởi vậy, lễ Vu lan Báo hiếu đã được đón nhận, hưởng ứng và lan toả trong đời sống tinh thần Phật tử Việt Nam.”
“Tinh thần hiếu hạnh của Phật giáo thể hiện ở lễ Vu Lan thậm chí không chỉ gói gọn trong quan hệ gia đình thân thuộc, mà còn lan rộng tới thập loại chúng sinh, chính bởi vậy Rằm tháng Bảy còn là dịp người dân cầu siêu sinh tịnh độ cho mọi vong linh bị đọa vào đường quỷ đói, nội dung siêu độ bởi thế rộng ra thành “xá tôi vong nhân” như nhiều người nói và một điểm mà người con Phật phải luôn chú trọng đó là không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường. Phật tử chúng ta có thể chuyển sang thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ. Phật tử chúng ta nên sống đúng với tinh thần đạo đức Phật giáo, tìm về chính mình chuyên tâm tu học thiền vipassana, làm các việc thiện lành sống hòa hợp, đoàn kết và nghĩa tình ”
Ban TT-TT Phật giáo Nam tông Kinh TƯ