PSO - Trải qua gần một tiếng, với nội dung chính Pháp đàm “Vu Lan Mọi Miền” trong buổi tối khóa tu Vu lan Online do Phân ban Phật tử Hải ngoại Trung ương GHPGVN tổ chức với chủ đề “Bóng cả đời con” vào tối 23/8/2022 (nhằm 26/8 năm Nhâm Dần) vừa được chư Tôn đức đang hoằng pháp, tu học ở khắp Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ khái quát giá trị thực tiễn, cách thức tổ chức và hệ thống những dấu ấn đặc sắc, ấn tượng nét chung và nét riêng từng khu vực, ở mỗi đất nước.
Ban TTTT khóa tu Online “Bóng cả đời con” đã ghi nhận lại những pháp thoại và tâm huyết quý Ngài như những giá trị tốt đẹp cần suy nghiệm, giao lưu và mở mang thêm sự hiểu về tinh thần một Đại lễ truyền thống Vu lan của Phật giáo đối với cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.
Đối với, Đại đức Thích Thiện Mỹ, Phó Thường trực Phân ban Phật tử Hải ngoại Trung ương GHPGVN là một vị Thầy có nhân duyên lâu năm với cộng đồng Phật tử Châu Âu từ rất sớm. Năm 2009 cho đến nay, đa số Phật tử Châu Âu tín tâm với Tam Bảo, giáo lý Đức Phật.Tuy chùa Việt ở khu vực Châu Âu rất ít nhưng lòng mong mỏi và cố gắng tổ chức một lễ Vu lan luôn được tổ chức trang nghiêm ở các đạo tràng. Vì Vu lan là đại lễ mà họ trân quý và gắn kết tâm linh, giữ gìn truyền thống, gắn chặt tình cảm, kết nối văn hóa, đoàn kết cộng đồng và chia sẻ tình cảm về đạo hiếu.
Lễ Vu lan tại Nhật Bản còn được gọi là Obon (お 盆) hay Bon là một ngày lễ truyền thống của Phật giáo Nhật Bản. Nét đẹp tâm linh này nhằm mục đích tưởng nhớ tổ tiên đã khuất và cũng là dịp sum họp của cả gia đình, mọi người sẽ cùng nhau trở về nơi ở của những người quá cố để lau dọn bàn thờ, thăm viếng phần mộ và dâng cúng thực phẩm cho những người thân đã khuất. Năm nay tại Nhật, Vu lan được tổ chức long trọng trong tháng 7 cho đến cuối tháng 8/2022 ở các chùa. Vu lan ở Nhật Bản xuất hiện từ năm 657, lấy tên Vu Lan Bồn với tinh thần hiếu đạo với Ông Bà, Tổ tiên luôn chú trọng. Vu lan người Nhật là gửi gắm tâm tình, tinh thần hiếu nghĩa, hiếu đạo về đấng sanh thành của người con xa xứ. Đó là nỗi lòng bâng khuâng, tha thiết hướng về cội nguồn. Vì vậy, có những người chưa là Phật tử vẫn vào chùa công phu, công quả hơn 10 ngày để thể hiện lòng tri ân sâu sắc này. Đạo Phật ở Nhật Bản có mặt vào thời kỷ thứ 6 nên gắn liền với đời sống tâm linh trong tâm thức người con xa xứ “Lễ Cha, Lễ Mẹ” luôn khắc ghi trong tâm thức, vì vậy hình ảnh bông hồng cài áo lan rộng khắp Nhật Bản không chỉ ở chùa Nhật Bản và rất nhiều sinh viên trẻ hưởng ứng. Đó là phút tâm tình của Đại đức Thích Đức Trí đang tu học tại Nhật.
Khác với Thái Lan, ở Thái do truyền thống An cư Kiết hạ bắt đầu tháng 6 và kết thúc tháng 9 nên không tổ chức lễ Vu lan. Sư Đức Phúc, ở Thái Lan cho biết, tuy vậy tinh thần tri ân và báo ân vẫn thực hiện thông qua Lễ Đặt Bát cúng dường Chư Tăng ngày Rằm tháng 7. Ý nghĩa lễ này là hồi hướng Cha Mẹ quá vãng và cầu an an cho Cha Mẹ hiện tiền. Đạo hiếu ở Thái Lan luôn xem trọng ví như câu nói “nếu như không sớt bát cho Cha Mẹ thì đừng cúng dường Chư Tăng” là khuyên nhủ người con giữ gìn đạo hiếu với Cha Mẹ, lo báo bổ ơn sâu, biển rộng và mở rộng hơn là con hướng dẫn Cha Mẹ vào chùa thọ giới, tu tập nếu cha mẹ chưa biết đến Đạo Phật, đó là thể hiện tinh thần hiếu thảo người con với Cha Mẹ. Đặc biệt tuy không tố chức chính thức lễ Vu lan nhưng ý nghĩa của hình thức lễ Vu lan lại trùng sinh nhật Hoàng Hậu, cho nên mọi hoạt động hướng về công ơn, báo hiếu Mẹ được đẩy mạnh như tặng hoa hồng, phóng sanh, hiến máu…
Tại Cộng Hòa Séc, theo Đại đức Thích Quảng Thức thì mùa Vu lan Báo hiếu luôn khắc họa tình cảm thân thương, sự hiếu hạnh hướng về Đại lễ, Ông bà, Cha mẹ…Vu lan được tổ chức ở ngôi chùa nhỏ hoặc thuê hội trường và hình ảnh truyền thống văn hóa bản sắc của Việt Nam luôn khắc họa qua chiếc áo dài truyền thống trong lễ hội Vu lan như hình ảnh của quê nhà. Những buổi tu tập, những hình ảnh thiết thực, câu thơ, những pháp thoại ý nghĩa Vu lan như rót vào mỗi người con xa xứ lòng hiếu đạo và tinh thần báo hiếu lại thể hiện bằng tình cảm, nhận thức chân thành về tình thương Cha Mẹ. Ánh sáng Phật pháp đã đưa tình người gần hơn và mùa Vu lan Báo hiếu là giá trị, là ý nghĩa, là điểm về bình yên, nơi để những trái tim hướng về.
Ở Việt Nam, nét đặc sắc mới ở Nghệ An, theo Đại đức Thích Tuệ Minh thì nên Vu lan sân khấu hóa lễ hội như một sự kiện, một mô hình văn hóa. Theo Thầy, sau 2 hai năm bị ảnh hường nặng nề do đại dịch, Vu lan năm nay tổ chức rất trang trọng các nơi miền Bắc có chùa Tam Chúc, miền Nam có Thiên Quang. Các nghi thức hướng về ông bà, cha mẹ, nghi thức cài hoa hồng được tổ chức ở Quảng trường Hồ Chí Minh. Quan điểm của Thầy, không nên đợi tháng 7 mới thể hiện tinh thần tri ân cha mẹ mà tinh thần đó thực hiện hàng ngày mà 3 yếu tố cần quan tâm: gia đình, học đường và xã hội mà gia đình là quan trọng nhất vì nếu cha mẹ không biết ơn thì trong cuộc sống này, chúng ta còn biết ơn ai? Thầy hy vọng Vu lan sẽ đẩy mạnh các tỉnh, thành và ra khỏi chùa để người dân tiếp cận gần gũi hơn.
Vu lan là một trong những ngày lễ ý nghĩa trong truyền thống tâm linh không những của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới. Với ý nghĩa hướng đến sự tri ân, tưởng nhớ các bậc cha mẹ trong nhiều kiếp và tổ tiên quá vãng, mỗi quốc gia có những cách thức tổ chức khác nhau, tùy theo quan niệm dân gian, phong tục tập quán và truyền thống tâm linh của từng dân tộc. Hôm nay đây, qua màn ảnh Zoom khóa tu trực tuyến Online do Phân ban Phật tử Hải ngoại Trung ương tổ chức, chúng con thêm thắm nhuần mưa pháp. Với những người con hiếu hạnh ở khắp các nước như: Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Việt Nam,…lại sẽ càng thương cha, quý mẹ nhiều hơn. Với thông điệp tri ân và báo ân, khóa tu với chủ đề “Bóng cả đời con” sẽ là dịp để những người con hoài niệm về công ơn sanh thành dưỡng dục như trời biển của cha mẹ, nhắc nhở hàng con cháu phải biết đáp đền.
Một số hình ảnh tại buổi Pháp đàm:
SC.Liên Hiền – Ban TTTT khoá tu