Bố thí là một pháp tu gần như phổ quát của tất cả hành giả tu Phật chân chánh, gồm có bố thí tài vật, bố thí giáo pháp và bố thí sự không sợ hãi (vô úy thí). Trong ba loại bố thí này, Đức Phật đề cao Pháp thí – Bố thí Pháp. Việc bố thí bao gồm nhiều phương diện rộng lớn của cả thân và tâm, bao hàm cả ý nghĩa tu phước đức phước trí phước vật, làm duyên trợ tạo cho nhau, cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha; là một trong 10 parami (6 ba la mật). Phật Ngài dạy: “Pháp thí thắng mọi thí” (Kinh Pháp Cú), vi diệu đem lại an lạc cho người nghe, thiết thực hiện tại, giành cho người trí, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, vượt thời gian, đem đến kết quả niết-bàn.
Thể theo tinh thần người con Phật, Dự án Phật Học Tinh Hoa Thế Giới dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại đức Thích Pháp Cẩn (Thầy Phước Hạnh) làm Giám đốc, Thầy tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học ở Graduate Theological Union (Berkeley, California, Hoa Kỳ), Thầy là người dịch và hiệu đính chính các sách trong dự án. Dự án Phật Học Tinh Hoa Thế Giới có sự chung tay đồng hành của Thầy Trần Việt Quân - nhà sáng lập Viện Đào Tạo Bách Khoa, kinh nghiệm hơn 20 năm về Đông phương học, Nhân tướng, Quản trị Nhân sự & Điều hành, Đạo đức học Nhật Bản, Giáo dục Nhân cách cốt lõi; bà xã Thầy là cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn – người sáng lập Hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức và Làng Hạnh Phúc.
Dự án Phật Học Tinh Hoa Thế Giới tuyển chọn dịch các tác phẩm hàn lâm và chọn lọc các công trình nghiên cứu về Phật học của các chuyên gia được đánh gia là hàng đầu nhân loại, nghiên cứu và làm việc tại các Đại học nổi tiếng nhất thế giới, như: Oxford, Cambridge, Harvard, Columbia, Yale, Princeton, Chicago, Berkeley, Stanford.... Thời hiện đại, giữa sự hội nhập toàn cầu, khi các khoa học liên ngành đang được quan tâm, dự án mong muốn Phật giáo không ngừng được lan tỏa rộng rãi. Vì vậy, các cuốn sách tiếng Anh được dịch sang Việt của dự án được công phu chuyển tải một cách tự nguyện, xuất bản chính thống, hi vọng là tài liệu nghiên cứu Phật giáo, tôn giáo chuyên sâu cung cấp cho Tăng Ni sinh các cấp học cũng như tri thức thế học tìm hiểu về Phật giáo, từ đó lan tỏa tích cực vào thực tiễn qua các nhận thức sâu sắc.
Cuốn sách thứ nhất: How Buddhism Began: The Conditioned Genesis Of The Early Teachings (Nguồn Gốc Phật Giáo: Bối Cảnh Hình Thành Những Giáo Lý Ban Đầu), sách gồm 180 trang được viết bởi Giáo sư Richard Gombrich, Nhà xuất bản Routledge đã tái bản lần thứ 2 năm 2006. Tác giả tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Oxford, đảm nhiệm giảng dạy tiếng Sankrit tại trường này từ 1976-2004. Giáo sư đam mê và tâm huyết với các triết lý cao thâm của Phật giáo qua nghiên cứu nghiêm túc nên đã sáng lập và làm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phật học tại Đại học Oxford “Oxford centre of Buddhist studies”, ông cũng là cựu Chủ tịch Hội Văn bản Kinh điển Pali (1994-2002), tổng biên tập “Clay Sankrit Libary”. Nội dung cuốn sách thảo luận về các học thuyết và chủ đề quan trọng khác nhau trong Phật giáo sơ khai; nhấn mạnh Phật giáo nguyên thủy trong các kinh điển Pali xuất phát từ chính những lời dạy lịch sử của chính Đức Phật. Tác giả đưa ra quan điểm phàm phu khó có thể hiểu được hết các ý nghĩa lời dạy của Đức Phật, việc Ngài tranh luận với các vị thầy tôn giáo khác (như Bà La Môn giáo) cũng chỉ là phương tiện tùy duyên hóa độ. Trong các lời dạy, ẩn dụ, ngụ ngôn được làm phương tiện, phương thức chuyển tải chân lý và nhiều nghĩa đen được đối đáp trực tiếp. Sách gồm 5 chương: (1) Tranh luận, Phương tiện thiện xảo, Phúng dụ và Chủ nghĩa văn học; (2) Nghiệp (Kamma) như một phản ứng đối với thuyết Bà-la-môn; (3) Ẩn dụ, ngụ ngôn, châm biếm; (4) Kể lại một cuộc tranh luận cổ đại: tuệ quán hơn định trong Kinh điển Pali như thế nào; (5) Angulimala là ai?
Cuốn sách thứ hai: The Origin Of Buddhist Meditation (Nguồn Gốc Của Thiền Phật Giáo), gồm 171 trang; vốn là Luận án Tiến sĩ Phật học tại Đại học Oxford của Alexander Wynne, in năm 2007, Nhà Xuất Bản Routledge Taylor & Francis Group. Alexander Wynne là dịch giả của thư viện tiếng Phạn Clay. Ông cũng đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ của Trường Đại học Oxford về nghiên cứu Phương Đông năm 2003. Nội dung cuốn sách cho rằng Đức Phật và những vị Thầy của Ngài ban đầu đều là những nhân vật lịch sử. Qua nghiên cứu Upanishad và Moksadharma, tác giả khẳng định nguồn gốc phương pháp thiền định mà Đức Phật học được từ những vị thầy này: Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta, tức họ đã dạy Đức Phật hình thức thiền định Bà La Môn sơ khai. Cuốn sách thu hút sự quan tâm của các học giả nghiên cứu Phật học, tôn giáo châu Á, nghiên cứu Nam Á. Sách gồm sáu chương: (1) Giới thiệu tổng quát các vấn đề về hình thức nguyên thủy của Phật giáo, nghiên cứu về nguồn gốc Phật giáo các bản Kinh, các quy ước và lưu ý về các thuật ngữ. (2) Bàn về Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta. (3) Đề cập Thiền Vô sắc giới và đạo Bà-la-môn nguyên thủy. (4) Nghiên cứu triết lý Yoga Bà-la-môn thời kỳ đầu. (5) Phản ánh Thiền định trong kinh Pārāyanavagga. (6) Kết luận về nguồn gốc của Thiền Phật giáo và về Phật giáo nguyên thủy.
Tác giả cuốn thứ nhất, Richard Gombrich chính là Giáo sư hướng dẫn Luận Án của tác giả cuốn thứ hai, Alexander Wynne. Hai Thầy trò đều có mối lương duyên sâu trong nghiên cứu Phật học. Các dịch giả và hiệu đính của hai công trình trên cũng rất xuất sắc và được đào tạo bài bản tại Việt Nam và các trường Phật học nổi tiếng Quốc tế. Việc nghiên cứu, giảng dạy, lan tỏa chánh pháp liên quan đến giáo dục nhân quả, giáo dục từ phàm phu thành Thánh nhân, chuyển tải Giáo lý Phật Đà bằng nhiều phương cách, giúp thay đổi định nghiệp của chúng sanh. Bố thí pháp chính là bố thí các nhận thức đúng đắn, chân thật, là chánh pháp của đức Phật; lan tỏa nội dung ba Tạng pháp; nuôi dưỡng hạt giống Thánh Thanh Văn (Sravaka), Bích chi Phật (Pratyekabuddha) hay Bồ Tát (Bodhisattva), dẫn người khác đến con đường giác ngộ (Bodhimàrga).
Cuốn thứ nhất How Buddhism Began: The Conditioned Genesis Of The Early Teachings (Nguồn Gốc Phật Giáo: Bối Cảnh Hình Thành Những Giáo Lý Ban Đầu), dịch giả Thọ Hân và Bảo Tâm. Sư cô Thọ Hân, tốt nghiệp Cử nhân Khoa Triết học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM năm 2018, Thạc sĩ Phật học tại Gautam Buddha University, Ấn Độ năm 2022, hoàn thành chương trình MPhil (Phó Tiến sĩ) Phật học tại Gautam Buddha University năm 2023. Đại đức Bảo Tâm, tốt nghiệp Cử nhân Khoa Công tác xã hội tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh năm 2017, Thạc sĩ Phật học tại Gautam Buddha University năm 2019. Sách Hiệu đính lần in 1 và 2 bởi Thượng Toạ Thiện Chánh, Tiến sĩ Phật học Đại học Mahachulalongkorn - Thái Lan, Tiến sĩ ở Ấn Độ, dịch giả hàng chục cuốn sách Phật học. Sách in lần 3 có sự cộng duyên của Tỳ kheo Pháp Cẩn hiệu đính. Sách in lần 1,2,3 đều năm 2024 mới đây bởi Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông; rất có giá trị đóng góp trong ý nghĩa học thuật, nhất là trước thềm Vesak chỉ còn vài tháng sắp tới tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh.
Cuốn thứ hai: Nguồn Gốc Thiền Phật Giáo, dịch giả Đại đức Quảng Thuận (Thạc sĩ Phật học Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM); hiệu đính gia Thượng Toạ Tâm Chánh), cũng vừa cho ra mắt năm 2024 bởi Nhà xuất bản Thái Hà Books.
Trong Lục độ của hàng Bồ-tát và trong pháp Tứ nhiếp, bố thí đứng hàng đầu. Bố thí Pháp được thông minh trí huệ, là bố thí thù thắng hơn cả, do chỉ ra con đường để hướng chung sinh giải thoát, ngộ đạo. Kinh liệt kê 10 phúc báu cho người thường hay chia sẻ Phật Pháp: 1. Khả năng về Phật Pháp của hành giả ngày càng xuất sắc uyên thâm, trí tuệ ngày càng khai mở. 2. Đạo đức, tâm từ bi ngày càng lớn. 3. Nếu tu chưa đắc giải thoát thì sinh ra kiếp nào cũng đều có duyên sớm gặp được Phật Pháp. 4. Luôn có các Vị Thiện Thần, Chư Thiên theo bảo vệ, giúp đỡ. 5. Luôn gặp người tốt, Thiện Tri Thức hướng dẫn trợ duyên. 6. Chánh pháp chia sẻ khó gặp tà đạo, tà Sư. 7. Vị lai, dễ trở thành giảng Sư giỏi thuyết pháp, nhiều người kính quý. 8. Tài sản, vật chất, ăn mặc luôn đầy đủ. 9. Tâm luôn được an yên, mặt từ ái, phúc hậu, tự tại vô úy. 10. Vị lai dễ đắc đạo, an trụ niết bàn.
TN Viên Giác