Ấn Độ: Thabarwa VN cúng dường các chùa tại Bodhgaya và bố thí 300 học sinh tại chùa Wat Thái nhân ngày Độc lập nước Cộng hoà Ấn Độ 15/8

Nghe đọc bài:

PSO - Lịch sử dân tộc Ấn Độ trải qua khoảng 5000 năm xây dựng và phát triển. Ấn Độ được biết đến là một bán đảo rộng lớn trên năm triệu km vuông, bằng một phần năm dân số thế giới; Văn minh Ấn vô cùng phong phú độc đáo, Tôn giáo tín ngưỡng cũng đa dạng bậc nhất thế giới. Hơn 2600 năm trước, nơi đây đã xuất hiện rất nhiều những con người nỗi lạc vĩ nhân xuất thế như đức Phật, là niềm tự hào của văn minh phương Đông.

Sáng ngày 15/8/2024 dl (nhằm ngày 12/7/Giáp Thìn), nhân kỷ niệm lần thứ 78 năm Độc lập nước Cộng hoà Ấn Độ (15/8/1947 - 15/8/2024), tại chùa Wat Thái – Bodhgaya, Ấn Độ, cộng đồng Quốc Tế Phật tử/đạo hữu Thabarwa VN đã chia sẻ 300 phần quà đến các em học sinh người Ấn (nhóm Dhamma), đang sinh hoạt dưới sự hướng dẫn bảo hộ của Hòa Thượng Trưởng Lão Tiến sĩ Suththp Phra Vithes Bodhikhun trụ trì chùa Thái, cùng các Thầy Cô giáo người Ấn quản lý lớp học.

Chứng minh buổi lễ tri ân của Ban Quản Lý lớp học Dhamma có HT trụ trì chùa Wat Thái, Thiền sư Ottamathara, chư Tăng Ni thuộc hai Tăng đoàn lớn (Wat Thái – Thabarwa Myanmar), nhiều Tăng Ni các trú xứ khác, chính quyền địa phương, các thầy cô giáo và khoảng 300 học sinh Ấn, đông đảo Phật tử Quốc Tế đang ở Bodhgaya hữu duyên cũng về tham dự. 

Buổi lễ có sự hiện diện khoảng 500 Tăng Ni Cư sĩ đạo hữu học sinh, tất cả cùng hướng tâm về cầu nguyện hòa bình thế giới. 

Thabarwa VN hiện đang hộ trì chính Tăng đoàn Thabarwa (Thiền sư Ottamathara viện chủ gần 130 Trung tâm Thiền, với khoảng 5000 Tăng Ni, cưu mang hơn 40.000 người nương tựa, giữa khi Myanmar đang nội chiến kéo dài và ngày càng nghiêm trọng). 

Cộng đồng thí chủ Thabarwa VN lần đầu tiên hộ trì rộng lớn Tăng đoàn Quốc Tế trong mùa An Cư năm 2024 (khoảng 700 hành giả tại Bodhgaya) đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Việt Nam, Thái lan, Myanmar, Ấn, Lào, Campuchia) với 7 điểm: chùa Wat Lào, Wat Thái, chùa Campuchia, chùa Myanmar Pháp Học, chùa Myanmar Pháp Hành, Bồ đề đạo tràng, Thabawra Ấn. Trong ngày này, đại diện cộng đồng zalo Thabarwa VN và Page “Thiền sư Ottamathara” cũng cúng dường 1000 usd đến chùa Wat Lào, 1000 usd đến chùa Cambodia, 500 usd đến chùa Wat Thái. Tổng giá trị khoảng hơn 60 triệu VNĐ. Trong dịp này, khi Ngài Thiền sư Ottamathara đang ở Thabarwa Ấn, chú Nhân cùng đạo hữu người Việt bên Úc cũng gửi cúng dường thực phẩm các trường Thiền Thabarwa Myanmar hơn 80 triệu VNĐ, hộ độ Tăng đoàn và dân chúng giữa cao trào nội chiến tại đất nước quốc giáo này; Phật Tử Hoàng Thu Trang (PD: Tịnh Nhi) thay mặt thí chủ Thabarwa VN dâng trực tiếp Ngài Thiền sư.

Nhờ hồng ân Tam Bảo, nhờ phước báu Đức Phật thành đạo tại Bodhgaya, đã trên 2600 năm từ khi Phật Ngài nhập niết-bàn, nhưng hiện nay chư Tăng Ni thế giới và Phật tử cả phương Đông phương Tây vẫn hướng về đất Phật linh thiêng để tu tập, tri ân, hỗ trợ dân nghèo nơi đây bằng nhiều hình thức khác nhau: khoan giếng nước sạch, tặng gạo, tặng chăn mền, phát đồ ăn… Ý nghĩa bố thí từ thiện được người con Phật chân chánh thực hiện cả trong lời nói, ý nghĩ, việc làm. Đối với chư Tăng Ni việc mở các lớp giáo lý cho trẻ em nơi đây là vô cùng ý nghĩa như Hòa Thượng chùa Thái hay nhiều chùa Việt đã/ đang làm tại Ấn. Bố thí trong Phật giáo luôn gắn liền với các hoạt động gieo duyên hoằng pháp.

Đức Phật trong nhiều kiếp quá khứ, Ngài đã bố thí cả gia sản, thân mạng cho chúng sinh để hoàn thành quả vị Phật. Theo tinh thần Phật giáo, hành giả thực hành lý tưởng bồ-tát đạo (tự độ độ tha) bằng các ba-la-mật, đây là con đường để mau chứng đắc quả vị. Bố thí là phương tiện dễ hoằng pháp. Mỗi người có duyên lành với Tam bảo, được chuyển hóa thân tâm, sẽ là một hạt giống tốt cho tự thân, gia đình, xã hội.  Nhờbố thí tiền vật mà người thí giàu có, diệt ích kỷ, mở lòng vị tha, được nhiều người yêu mến; khi lâm chung không dính mắc vào tài sản hữu vi giả tạm; bố thí bằng tâm bình yên cho người năng lượng nhẹ nhàng khinh an. 

Bố thí là phương tiện thiết thực nhất để gần gũi chúng sanh. Nên những việc làm “nhập thế” của Hòa Thượng Trưởng Lão Trụ trì chùa Wat Thái, Thiền sư  Ottamathara hay tất cả những người con Phật đang vận dụng Tứ nhiếp Pháp, Tứ vô lượng tâm, đều là chung một mục đích cao cả giải thoát sanh tử luân hồi, “tùy duyên hóa độ bất động tâm”. Đức Phật khuyến khích đệ tử bằng mọi phương tiện đi vào đời: “Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Kinh Tương Ưng).

Từ bi vô ngã là một đặc điểm nổi bật của Phật giáo. Cho nên, bố thí của người con Phật luôn gắn với Từ, Bi, Hỷ, Xả và Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự, để “giúp cho con người giải quyết được những vấn nạn hiện tại và thiết lập được cho cộng đồng nhân loại một tương lai hòa bình, hòa hợp, phát triển, an lạc lâu dài. Và thành quả của việc thực hiện sẽ tạo nên sự đoàn kết, tương trợ, cũng như mở ra một giá trị đạo đức vĩnh hằng trong cuộc sống con người, đó là tình thương yêu cho muôn loài, mọi giới” (Ngài Hòa Thượng Trưởng Lão Pháp Chủ Việt Nam – HT Thích Trí Quảng, Phật giáo nhập thế và phát triển). HT cũng khích lệ Tăng Ni Việt Nam “phải đảm nhiệm trọng trách hiện đại hóa Phật giáo, thổi phồng những luồng sinh khí mới vào cho đạo Phật để đạo Phật còn mãi là đạo Phật”. Trong Phật giáo, yếu tố pháp thí, hoằng pháp cũng là quan trọng nhất. Đức Phật cũng thường căn dặn hàng đệ tử hãy là người thừa tự pháp đừng thừa tự tài vật (Kinh Thừa tự Pháp thuộc Nikaya).

Những giáo lý căn bản/ cốt tủy kinh điển, tất cả người con Phật dù khác màu da ngôn ngữ nhưng đều chung nhận thức không sai biệt. Vì vậy, việc cộng tu và cùng nhau hoằng pháp của Tăng đoàn Quốc Tế tại Bodhgaya năm 2024 là rất đặc biệt, thể hiện tinh thần lục hòa, từ bi vô ngã, nương tựa vào nhau để Tăng đoàn phát triển, phục hưng đạo Pháp, chung tay vì tiến bộ nhân loại.

Trong rất nhiều bài kinh của cả hai truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa, Đức Phật có nhắc đến rất nhiều gián tiếp hoặc trực tiếp vấn đề từ thiện/ bố thí/ cúng dường. Kinh Cariyà Pitaka đề cập khi bố thí vật thực, hành giả nên mong cho người được sống lâu, sắc đẹp, yên vui, trí tuệ và đắc niết-bàn; bố thí nước mong người hết cơn khát, diệt tham muốn dục vọng; bố thí áo quần mong người biết hổ thẹn, sợ tội lỗi, ấm áp che thân; bố thí phương tiện mong người bảo hộ sức khỏe; bố thí chỗ ngồi mong người tỉnh thức, thí chỗ mong là nơi nương tựa cho thế gian; bố thí ánh sáng mong người được 6 nhãn quan (mắt thịt, mắt trí tuệ, Thiên nhãn, mắt Phật và chính kiến thông suốt); bố thí âm thanh mong người được lời nói trong trẻo, dịu dàng; bố thí thuốc men mong sống thọ... Vì “mọi chúng sanh sẽ chết, mạng sống, chết kết thúc, tùy nghiệp, họ sẽ đi, nhận lãnh quả thiện ác, ác nghiệp đọa địa ngục, thiện nghiệp lên Thiên giới” (Kinh Tương Ương Bộ Kinh). Ở bài kinh khác Đức Phật dạy đệ tử: “Khi ta bố thí, tâm được tịnh tín, do hân hoan, hỷ được sinh nên bố thí; để trang nghiêm tâm, trang bị tâm, nên bố thí” (Kinh Tăng Chi Tập 2, Chương Tám:Tám Pháp- Phẩm Bố Thí, Phần III: Căn bản để bố thí)

Bản chất của bố thí, từ thiện là tốt nhưng động cơ hoàn toàn trong sáng hay không là do đối tượng cho và nhận. Bố thí cao nhất là không thấy người cho và người nhận. Trong Phật giáo, việc bố thí từ thiện chỉ là duyên trợ tạo, là phương tiện để khai thị giác ngộ cho người. Vì ai cũng có Phật tính, ai cũng có khả năng để giác ngộ, chỉ cần thắp sáng được huệ nhãn. Nhận thức sâu sắc tinh thần nhân quả, nghiệp báo: “Tự mình làm điều ác, Tự mình làm nhiễm ô, Tự mình không làm ác, Tự mình làm thanh tịnh; Tịnh, không tịnh tự mình, Không ai thanh tịnh ai” (Kinh Pháp Cú), con người sẽ tự chuyển hóa thân tâm. Đề mục quán tưởng về cái chết, luân hồi, nhân quả, nghiệp báo giúp hành giả dễ xả ly các tham chấp, của cải, tài sản, dẹp đi lòng tự ái ngã mạn, bỏ đi sự ích kỉ để cảm thông và sống vì tha nhân. Đạo Phật bởi thế rất trí tuệ, sâu sắc, khoa học, tích cực và không yếm thế. 

Con người thời hiện đại dù có văn minh, phát triển kinh tế; nhưng sự thiếu đạo đức, thiếu đời sống tâm tích cực, bất an, bất mãn, nghi ngờ… vẫn luôn hiện tiền, bởi vô minh có mặt. Việc giáo dục Phật giáo trong nhà chùa, các khóa tu để khuyến thiện, ngăn chặn các vấn nạn của xã hội là cần thiết, như các chùa trong và ngoài nước đang triển khai. Trong các tổ chức tôn giáo bao giờ cũng có các hoạt động từ thiện bố thí, bước đầu giúp các con tham gia khóa tu mở tâm, biết yêu thương đồng loại, từ đó ý thức trách nhiệm cá nhân với cuộc đời chung, là hành trang tư lương tốt đẹp cho các con bước vào cuộc sống mới. Tuổi trẻ là tương lai của gia đình, xã hội, đất nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của mỗi quốc gia nhân loại. Hầu hết các quốc gia tiến bộ đều nhấn mạnh đến Giáo dục chân chánh. Những việc làm của Tăng Ni Quốc Tế tại Bodhgaya đã và đang truyền cảm hứng tích cực đến nhận thức của thế hệ trẻ cả ở Ấn và trên thế giới. Giáo dục Phật giáo là hoạt động đặc biệt, không chỉ trọn vẹn ý nghĩa sống chân – thiện – mỹ mà nhân loại hướng đến mà con giúp người chuyển mê khai ngộ chuyển Phàm thành Thánh.

TN Viên Giác

Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online