PSO - Sự sống của vạn vật trong tự nhiên là chuỗi tiến hóa phát triển liên tục và không ngừng, đây là quy luật tất yếu mà mỗi sinh vật trên hành tinh này dù muốn hay không đều phải thuận theo. Trong quá trình phát triển và tiến hóa, tự thân của mọi sự vật đều có quy luật đào thải và thích nghi với điều kiện mới do chính bản thân nó tạo ra. Dưới quan điểm và góc nhìn của Phật giáo thì hiện tượng đó cũng không ngoại lệ, đạo Phật luôn tôn trọng quy luật tự nhiên.
Nhưng ý muốn nói ở đây là bản tính “thiện căn” đặc trưng của Phật tính, là cách nhìn và hành động của Phật giáo trong xã hội và sự tiến hóa không ngừng. Lòng từ bi, nhân ái của đạo Phật từ khi truyền vào Việt Nam là tinh thần cứu khổ ban vui của đức Phật được phát huy rộng rãi trong xã hội, trong những cuộc chiến tranh tàn phá hay thiên tai bão lũ, dịch bệnh gây hại. Hình ảnh các đoàn thiện nguyện Phật giáo do chư Tôn đức Tăng Ni khởi xướng cùng với Phật tử, các nhóm từ thiện vượt qua khó khăn trong bão lũ đi đến các vùng đồng bào nghèo, vùng bị thiên tai dịch bệnh để động viên, trao quà đã làm lay động, tỉnh thức những tâm hồn của người dân trong toàn xã hội. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho Phật giáo gắn bó keo sơn và luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam qua những dặm dài của lịch sử.
Ngày nay trong xã hội của mỗi quốc gia trên toàn thế giới đang từng giây, từng phút tranh thủ về tư duy sáng tạo, công nghệ và sức lao động để phát triển và vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ đó. Dưới chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác tôn giáo, Phật sự thời hiện đại có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là tinh thần đoàn kết, bất hại, phúc lợi xã hội. Hầu hết các vị chức sắc Phật giáo đều chân tu, đạo hạnh, được tín đồ Phật tử và nhân dân yêu mến, kính trọng. Trong những năm qua toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn thể hơn 90 triệu người Việt Nam đã và đang nỗ lực thay đổi, thích nghi, sáng tạo, đồng lòng phấn đấu đưa đất nước dân tộc ta phát triển tiến lên một cách ngoạn mục, từ một quốc gia nghèo đói có thu nhập đầu người thuộc hàng thấp nhất thế giới đã vươn lên trở thành một nền kinh tế đang phát triển, là điểm sáng về kinh tế xã hội trên bản đồ thế giới.
Nhìn từ cái nhìn bao quát tổng thể thì đây là một bức tranh rất đẹp của thành quả và nỗ lực ấy, nhưng phía bên trong của sự phát triển mạnh mẽ thì đâu đó vẫn còn những hoàn cảnh và những cá nhân chưa theo kịp được với thời đại và bị tụt lại phía sau, đây là những hoàn cảnh rất cần sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội.
Đạo Phật từ khi du nhập vào Việt Nam với phương châm luôn đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã và đang đứng vững trước mọi thịnh suy của đất nước. Bản chất của nhà Phật là từ bi, trí tuệ. Trải qua 40 năm thành lập với truyền thống “hộ quốc an dân”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng hành với những thăng trầm của đất nước. Tôn chỉ của Phật giáo là “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Từ đó mà cái nhìn và hành động của Phật giáo luôn hài hòa với phát triển chung cũng như nâng đỡ những hoàn cảnh riêng còn chưa theo kịp sự phát triển ấy, đây là tính nhân văn đặc trưng của nhà Phật mà trong suốt những năm tháng qua bằng hành động của chư Tăng Ni và đồng bào Phật tử thông qua các chương trình thiện nguyện và công tác từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hoạt động từ thiện xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ ban vui của Phật giáo, mà còn là một hành động quan trọng có chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Ở góc nhìn này chức năng hỗ trợ xã hội được hiểu: "Trong một hoàn cảnh nhất định, con người thường phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, thất bại, thiên tai, bệnh tật,… Ở đây, chức năng này của Phật giáo không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần như cúng bái, cầu nguyện, mà còn biểu hiện thông qua những hành động mang tính thực tiễn, là sự hỗ trợ vật về chất trong một hoàn cảnh cụ thể ở trong hoạt động từ thiện xã hội".
Phật giáo Việt Nam thống nhất, kể từ ngày thành lập đã lãnh đạo và tổ chức xuyên suốt tất cả các hoạt động Phật sự của khoảng gần 60.000 Tăng Ni và khoảng 18.000 tự viện từ Trung ương đến các địa phương và hơn 14 triệu đồng bào Phật tử trong cả nước, trong đó có hoạt động từ thiện xã hội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động các nhà hảo tâm xây dựng các bệnh viện, phòng phát thuốc miễn phí, các lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, xây nhà từ thiện nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa… Tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo và đạo lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc Việt Nam, các Tăng Ni, Phật tử cả nước đã nỗ lực hết mình trong công tác cứu trợ đồng bào các tỉnh bị lũ lụt tàn phá, thăm và tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới, hải đảo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, ủng hộ tặng quà chiến sĩ các đồn biên phòng, thăm bệnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão, chữa trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, khoan giếng nước sạch cho đồng bào biên giới và các đồn biên phòng nơi có khó khăn về nguồn nước sạch, mổ mắt, tặng xe lăn và xe đạp, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo, xây cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, hiến máu nhân đạo, đóng góp quỹ vì người nghèo, học sinh hiếu học, trẻ em vùng cao, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, trao quà Tết, quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi vùng biên giới, cung cấp bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện.vv…
Trong nhiều năm qua hoạt động từ thiện của Phật giáo thu được kết quả to lớn, với kinh phí huy động lên hàng ngàn tỷ đồng. Trong hoạt động đối ngoại quốc tế, Phật giáo Việt Nam đã tổ chức cứu trợ những nạn nhân sóng thần ở Đông Nam Á, động đất tại Nhật Bản hay tặng quà cho các nước trong phòng chống dịch bệnh như Ấn Độ, Lào, Campuchia. Hình ảnh các đoàn từ thiện Phật giáo Việt Nam trao quà cho tổ chức các nhân các nước như Hàn quốc hay Lào v.v… đã là những hình ảnh đẹp đẽ mang lại ấn tượng sâu sắc và giá trị về công tác ngoại giao nhân dân trong thời đại mới. Phật giáo đã có đóng góp phần nào công sức nhất định, làm cho đời sống kinh tế - xã hội có những đổi thay mạnh mẽ về lượng và chất. Thông qua các hình thức từ thiện xã hội, Phật giáo kết nối với nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ủng hộ giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn trong cuộc sống, tạo nên tính liên kết xã hội rộng rãi trên toàn thế giới, khơi dậy lòng nhân ái, phát huy giá trị nhân văn, hình thành nhân cách và lối sống cao đẹp trong đời sống xã hội nói chung.
Như vậy, những hoạt động từ thiện thực tế của Phật giáo mang đến cho con người sự hỗ trợ vật chất trong lúc cần thiết, đồng thời đây cũng là một niềm động viên tinh thần rất lớn cho những ai được tiếp cận và thụ hưởng. Cùng với nhà nước và các tổ chức xã hội khác trong các hoạt động từ thiện Phật giáo Việt Nam đã góp một phần không nhỏ cho việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội của đất nước, hoạt động của Giáo hội đã mang một ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cùng toàn dân thực hiện tốt công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường trong thế kỷ 21 này.
Trong thực tế những năm qua do biến đổi khí hậu dẫn tới có nhiều đợt thiên tai bão lũ đặc biệt xảy ra ở miền Trung, sự tàn phá nặng nề trong mùa lũ năm 2020 và nhiều vấn đề xã hội khác nữa đang là những trở ngại cho quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. Giải quyết những vấn đề này không phải chỉ là công việc của nhà nước mà còn cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam với tư cách là một tổ chức TÔN GIÁO gắn liền với xã hội, luôn xác định là một lực lượng quan trọng cùng chung tay góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội đang đặt ra.
Với tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn Phật giáo đã và đang nỗ lực không ngừng góp phần khắc phục những vấn đề xã hội nóng bỏng hiện nay. Hoạt động từ thiện chỉ là một trong các công việc mà Phật giáo luôn tự nguyện đóng góp tích cực cho cộng đồng, để chung sức nâng cao mức sống người dân, phát triển xã hội văn minh giàu mạnh.
Theo TT. Tiến sĩ Thích Giác Hoàng - Ủy viên HĐTS, Phó ban Văn hóa TƯ GHPGVN, Tổng Thư ký Viện nghiên cứu Phật học, Chánh văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: Hoạt động từ thiện xã hội là một hạnh lành cao quý mà mỗi Tăng Ni, Phật tử dù tu theo truyền thống, tông phái nào trong Giáo hội PGVN cũng đều thực hành. Đó là sự hiến tặng, ban cho bất vụ lợi, từ vật chất đến tinh thần trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Đức Phật thường nêu cao tinh thần hiến tặng tuyệt đối này bao gồm: (1) Không nghĩ đến tự ngã (bản thân) mình được lợi ích gì; (2) Không phân biệt đối tượng người nhận (dù người đó là lương thiện hay không lương thiện, người đó là thân hay sơ, là cùng dân tộc hay khác, cùng giới tính hay khác), v.v…; (3) Người hiến tặng với tâm thế không dính mắc với những vật chất mà mình đang (đã và sẽ) ban tặng. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất là làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau và chia sẻ những niềm vui trong điều kiện cho phép của người con Phật. Thuật ngữ nhà Phật gọi hành động cao quý đó là Bố thí Ba-la-mật. Đây là một hành động hy hiến hết sức cao cả. Tuy nhiên, để đảm bảo việc hy hiến hiệu quả cao nhất, lâu bền hơn, chúng ta nên hướng đến “Cho cần câu, chứ không cho con cá”. Điều này xã hội học gọi là “làm công tác xã hội”, chứ không làm “từ thiện xã hội”. Đây là một hướng đi cần có sự đồng hành của lãnh đạo xã hội và kết hợp với chủ trương của Giáo hội, hướng đến việc hiến tặng hữu hiệu và lợi ích lâu bền nhất.
TT. Tiến sĩ Thích Giác Hoàng - Ủy viên HĐTS, Phó ban Văn hóa TƯ GHPGVN, Tổng Thư ký Viện nghiên cứu Phật học, Chánh văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ
Cũng theo TT. Thích Giác Hoàng và khi tháp tùng cùng các đoàn từ thiện đi thực tế do Thượng tọa tổ chức tại các vùng sâu biên giới thì ngoài việc giúp những hoàn cảnh khó khăn về vật chất, thì việc bố thí pháp hay hướng dẫn họ tu tập theo giáo lý nhà Phật để họ tự giải thoát khỏi khổ đau phiền não, cũng là một công việc rất quan trọng trong công tác từ thiện thực tế tại mỗi địa phương.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Từ thiện Xã hội TƯ GHPGVN có lời sách tấn với Tăng Ni và Phật tử trong hoạt động Phật sự nói chung và công tác từ thiện nói riêng: “Để làm được điều này, thứ nhất, rất cần phải nâng cao nhận thức về công tác từ thiện trong Phật giáo. Hoạt động từ thiện thường được nhiều người hiểu một cách đơn giản là đem quà cứu trợ đến cho người nghèo, hoặc người dân gặp thiên tai mà chưa đem lại sự thay đổi tận gốc rễ cho họ. Vì vậy, cần phải xây dựng đa dạng các hình thức từ thiện để có thể giúp người dân khắc phục tư tưởng thụ động, chờ đợi được nhận quà, như khuyến khích mọi người tích cực tham gia sản xuất, giúp đỡ nhau sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, tổ chức xây dựng các chương trình, kế hoạch chủ động cụ thể trong hoạt động từ thiện tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” hoặc thụ động chờ đợi. Thứ ba, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ làm công tác từ thiện xã hội. Các Tăng Ni, Phật tử và cơ sở làm công tác từ thiện xã hội phải được đào tạo nghiệp vụ. Đặc biệt, Giáo hội cũng cần quy hoạch đào tạo nhân sự cho ngành từ thiện để người làm công việc này có kiến thức chuyên môn về công tác xã hội, công tác quản lý, để họ có đủ kiến thức nhằm phục vụ lợi ích của Phật giáo và người dân nghèo.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Từ thiện Xã hội TƯ GHPGVN chia sẻ, động viên
Hòa thượng khẳng định: Qua những việc làm nghĩa tình, chúng ta nhất định sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, xóa nhòa ranh giới giàu nghèo, thực hiện những lời Phật dạy luôn làm lành tránh ác, từ đó làm cho Phật pháp trường tồn xã hội ngày càng phát triển giàu mạnh, công bằng dân chủ, văn minh.
Có thể nói từ buổi đầu hình thành, Phật giáo đã thể hiện tinh thần cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh vạn loài. Trong giáo lý của đức Phật, Lục độ là con đường dẫn đến sự giác ngộ, mà điều đầu tiên phải thực hiện được là thực hành pháp bố thí. Tinh thần vì chúng sanh của Phật giáo hòa quyện với triết lý sống của dân tộc Việt là “Lá lành đùm lá rách - Thương người như thể thương thân - Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Hoạt động từ thiện xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo mà còn biểu hiện cội rễ của niềm tin tôn giáo. Không chỉ dừng lại trong sự giúp cho con người bằng tinh thần, vật chất và cúng bái, cầu nguyện… mà còn biểu hiện thông qua những hành động mang tính thực tiễn, nổi bật là sự hỗ trợ vật chất của Phật giáo trong hoạt động từ thiện trong nhiều năm qua. Như vậy những hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo mang đến cho con người sự hỗ trợ vật chất trong lúc cần thiết, đồng thời cũng là niềm an ủi tinh thần lớn lao cho những ai được tiếp cận, thụ hưởng.
Phật giáo với bản chất nhân ái, sẵn lòng từ tâm cho công tác từ thiện xã hội. Đặc biệt là các vị chức sắc tôn giáo đều là những bậc chân tu, có đạo hạnh cao, được tín đồ tin tưởng, đồng thời các vị còn là những công dân tốt, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, được xã hội công nhận có thể nói đây là điều kiện thuận lợi cơ bản nhất để phát huy vai trò các vị trí của các vị chức sắc trong công tác vận động tín đồ Phật tử, nhà hảo tâm chung sức cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện cuộc vận động từ thiện và công tác an sinh trong xã hội.
Chư Tôn đức Tăng Ni tại các cơ sở tự viện còn là thành viên các hội như: Hội chữ Thập đỏ, Hội Khuyến học, hay thành viên Hội đồng Nhân dân các cấp … Mỗi cơ sở tôn giáo hay mỗi cá nhân đều có thể là một địa chỉ nhân đạo, là một thông điệp yêu thương, là đầu cầu tiếp nối và kêu gọi các tổ chức cá nhân trợ duyên cho hoạt động từ thiện.
Những hành động hành thiện, giúp người, cứu đời của Phật giáo Việt Nam mang một ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện phúc lợi xã hội vì sự nghiệp phát triển cộng đồng, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa đạo và đời. Với Tăng Ni của Phật giáo luôn nhớ một điều “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật” mà Đức Bổn Sư của chúng ta đã dạy. Thật vậy, trên con đường giải thoát giác ngộ, nếu không có ban vui cứu khổ thì việc thành tựu công hạnh này không thể nói là trọn vẹn, có thể nói là giúp đỡ ban vui là một phương tiện hỗ trợ cho công hạnh giải thoát.
Mỗi người là một tế bào của xã hội, với công tác từ thiện trong Phật giáo, mọi người phải cùng nhau chung tay xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng bớt đi những cuộc đời bất hạnh, khốn khó chính là thực hiện tinh thần Bồ tát đạo của đức Phật vào cuộc sống.
Công tác từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam đã và đang mang lại những giá trị nhân văn cơ bản của nhà Phật trong giá trị cốt lõi của đời sống nhân sinh.
PV: Tronghaitb