PSO - Sáng ngày 21/6/2024 (nhằm ngày 16/5 năm Giáp Thìn), toàn thể chư Tăng Ni trong tỉnh Phú Thọ đã vân tập về Trung tâm Phật giáo Hùng Vương tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ để tác pháp đối thú hậu An cư PL.2568.
Trong buổi tác pháp, đại chúng đã nhất tâm cung thỉnh Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm Đường chủ hạ trường.
Tham dự buổi tác pháp hôm nay còn có Thượng tọa Thích Minh Nghiêm - Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Từ thiện Xã hội TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC an cư; Thượng tọa Thích Minh Thuận - Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng Phân ban Hoằng pháp Đồng bào dân tộc thiểu số, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Phó ban Thường trực BTC an cư.
Chiều cùng ngày đại chúng có buổi họp đại trường phân công các chức sự. Theo đó, hạ trường có 17 tiểu ban, đứng đầu là Ban Duy na do Thượng toạ Thích Minh Thuận làm Chánh duy na, có trách nhiệm điều phối tất cả các công việc của hạ trường.
Được biết an cư của Tăng đoàn là một hình thức sinh hoạt đặc thù, được Đức Phật quy định trong giới luật. Việc duy trì an cư được áp dụng đến tận ngày nay, đó không chỉ là trách nhiệm của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni trong việc trì luật, mà còn thể hiện sự hòa hợp của cộng đồng Tăng-già.
Do có giá trị cao cả như vậy nên ngay từ thời Phật còn tại thế, Ngài đã chú trọng vấn đề này. Chính Đức Phật đã từng khiển trách nhóm Tỷ kheo sáu người và khuyến giáo rằng: “Này các thầy Tỷ kheo, phải an cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm an cư. Thời điểm trước là ngày kế của ngày trăng tròn tháng Àsàlha, thời điểm sau là vào ngày sau ngày trăng tròn của tháng sau. Này các Tỷ kheo, trong ba tháng mùa mưa an cư không nên du hành. Vị nào đi ra ngoài, nếu không có lý do chính đáng thì phạm Dukkata”.()
Trong đời sống văn minh hiện đại, đạo tràng An cư kiết hạ là môi trường lý tưởng để chư Tăng Ni tập trung thành một hội chúng hòa hợp, học pháp, hành trì pháp. Các hành giả Tăng Ni trẻ tuổi có cơ may học pháp từ các bậc trưởng thượng; và các bậc trưởng thượng có thuận duyên sách tấn giáo huấn đàn hậu học thăng tiến trưởng thành. Có như thế, sinh mệnh Tăng già không những trường tồn mà việc hoằng hóa độ sanh ngày một hưng thịnh, đem lại lợi ích cho quần sinh.
Đúng như tinh thần Phật dạy theo kinh Tăng Chi: “Hội chúng nào có các Tỷ kheo sống không biếng nhác, từ bỏ các đọa lạc, đi đầu hạnh viễn ly, sống theo tinh thần tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, hội chúng này sẽ làm lợi ích cho đa số, sẽ làm tăng trưởng lạc giải thoát”. Chính sự thành tựu của việc tu tập này, sẽ góp phần đem lại các chân giá trị hạnh phúc thiết thực cho tự thân mỗi hành giả tu tập giải thoát, kết nối sự hòa hợp thanh tịnh của cả một đoàn thể Tăng già, quyết định cho sự truyền đăng tục diệm, hưng thịnh của đạo pháp.