Phú Yên: Lễ húy nhật lần thứ 282 của Đức Tổ sư Liễu Quán tại chùa Cổ Lâm Hội Tôn

Nghe đọc bài:

PSO -  Sáng ngày 21/12/2024 (nhằm ngày 21/11 năm Giáp Thìn), tại chùa Cổ Lâm Hội Tôn (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) hàng đệ tử thuộc Tông Môn Thiền phái Liễu Quán đã trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm Đức Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán, nhân dịp kỷ niệm 282 năm ngày viên tịch của Ngài. 

Quang lâm chứng minh và dâng hương tưởng niệm có HT. Thích Tâm Thủy – UV Thường trực HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh, Trụ trì chùa Cổ Lâm Hội Tôn; HT. Thích Quảng Phát – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh; HT. Thích Đồng Tiến – UV HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT. Thích Thông Hòa, HT. Thích Quảng Giải đồng Phó Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh; ĐĐ. Thích Nguyên Minh – UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; cùng chư Tôn đức Tăng Ni và quý cư sĩ Phật tử trong tỉnh cùng về tham dự lễ và lễ Tổ. 

Trước Tổ đường trang nghiêm thanh tịnh, HT. Thích Tâm Thủy đã đại diện Tông Môn Thiền Phái Liễu Quán đối trước Giác linh Tổ sư dâng lời tưởng niệm. Qua đây, Hòa thượng đã ôn lại hành trạng tu chứng phi thường của Tổ sư Liễu Quán – một bậc chân tu với đức hạnh cao cả và trí tuệ siêu việt, người đã góp phần không nhỏ vào việc xiển dương Phật pháp và truyền thừa Thiền tông tại Việt Nam. Hòa thượng nhấn mạnh, hành trạng của Tổ không chỉ là tấm gương sáng ngời về sự nỗ lực tu hành, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng hậu học noi theo.

Nhân đây, Hòa thượng khuyến tấn toàn thể đại chúng hãy đề cao tinh thần tu học, luôn tinh tấn trong chánh pháp để thiết lập Tịnh độ ngay trong hiện tại. Ngài nhắc nhở rằng, sống với tinh thần tu học của Tổ không chỉ là cách tri ân người xưa mà còn là con đường chân chính để mỗi người tự xây dựng đời sống giác ngộ và an lạc. Qua đó, Hòa thượng mong muốn đại chúng luôn giữ vững niềm tin, thực hành chánh pháp để xứng đáng là hàng hậu bối, người con đất Tổ, tiếp nối và lan tỏa ánh sáng trí tuệ và từ bi của Tổ sư Liễu Quán đến khắp nơi.

Đối trước hương án Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán, đại chúng đã cung kính lắng nghe Đại đức Thích Nguyên Minh cung tuyên tiểu sử Tổ sư - người đã khai sáng nên một dòng thiền mang đậm dấu ấn Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn mà sự truyền thừa và sức ảnh hưởng còn tiếp nối mãi cho đến tận ngày nay.

Trong không khí thiêng liêng, khói hương quyện tỏa, các đệ tử Tổ sư từ nhiều nơi hội về đã cung kính dâng hương đảnh lễ cúng dường, tưởng nhớ thâm ân của Người. 

Sau khi dâng hương đảnh lễ nơi Tổ đường, Bổn tự đã cung thỉnh chư Tôn đức Tăng Ni quang lâm về Đại hùng Bảo điện dâng hương, đảnh lễ Tam bảo – cầu nguyện cho phong đều vũ thuận, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc nhân dịp húy nhật Tổ sư lần thứ 282. 

Tiểu sử Đức Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán

Đức Tổ sư họ Lê, húy Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán, sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nay là xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất thân từ một gia đình nghèo khó, 6 tuổi mẹ mất, ở với phụ thân. Năm 12 tuổi (1678), ngài phát tâm xuất gia tu hành, được thân phụ đưa ngài đến chùa Hội Tôn, thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên (người Hoa) được 7 năm thì Hòa thượng viên tịch. Tuổi đời còn nhỏ, tuổi đạo chưa cao, với quyết tâm cầu đạo, ngài không quản ngại gian lao tầm đường ra đất Thuận Hóa đến núi Hàm Long chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) cầu học với Giác Phong lão tổ (người Hoa), đó là năm Canh Ngọ (1690).

Vừa tròn 01 năm, đến năm Tân Mùi (1691), ngài phải bái biệt Giác Phong lão tổ để trở về quê hương phụng dưỡng cha già đau yếu. Hàng ngày, ngài phải lên núi đốn củi đem về chợ đổi gạo nuôi cha, chạy thầy lo thuốc, chăm sóc phụ thân được 4 năm thì thân phụ qua đời.

Năm Ất Hợi (1695), ngài trở ra Thuận Hóa để tiếp tục việc tu học, cùng trong năm này ngài thọ Sa-di giới với Hòa thượng Thạch Liêm (người Hoa). Năm Đinh Sửu (1697), ngài thọ Đại giới với Hòa thượng Từ Lâm (người Hoa). Năm Kỷ Mão (1699), ngài bắt đầu cuộc hành trình tham vấn cầu đạo khắp các thiền lâm, chịu bao nhiêu điều khó khăn đạm bạc. Đến năm Nhâm Ngọ (1702), ngài đến núi Long Sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) bái yết Minh Hoằng Tử Dung Hòa thượng cầu dạy pháp tham thiền. Đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Ngài trở ra Long Sơn cầu Hòa thượng Tử Dung ấn chứng.

Sau đó, ngài vào núi Thiên Thai lập am tu thiền. Hằng ngày Tổ sống khắc khổ, đạm bạc bằng vật thực mọc ở ven hồ chẳng cần lương thực gì khác.

Trú xứ hóa duyên của ngài rất rộng, ngài thường xuyên ra vào Huế, Phú Yên để hóa đạo. Từ năm Canh Dần (1710) đến năm Tân Sửu (1721), Tổ đã chống tích trượng đi khắp nẻo làng quê của đất Phú Yên từ hòn Mõ, ra tận hòn Chuông để hoằng hóa chánh pháp, tiếp Tăng độ chúng, khai lập chùa chiền. Tổ đã khai sơn chùa Bảo Tịnh tại Tuy Hòa. Đến năm Nhâm Dần (1722), ngài trở ra Huế cùng với vị đệ tử út tên là Tế Vĩ trụ tại Thiên Thai Huyền Tôn tự, tiếp tục việc hoằng hóa ở đất Thần kinh.

Năm Quý Sửu (1733), năm Giáp Dần (1734) và năm Ất Mão (1735), ngài được sự thỉnh cầu của các tông môn ở Huế, chứng minh các Đại giới đàn tại đây. Năm Canh Thân (1740), ngài tấn đàn Long Hoa phóng giới cho đàn hậu tấn. Thời ấy chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) rất mến đạo hạnh của ngài nên thường đến chùa Viên Thông đàm đạo và thỉnh ngài vào cung để bàn luận Phật pháp nhưng ngài từ chối khéo không vào. Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (1740), ngài làm Hòa thượng Đàn đầu cho Đại giới đàn tại chùa Viên Thông.

Sáng ngày 22-11-Nhâm Tuất (1742), ngài vẫn dùng trà và đàm đạo cùng các đồ đệ. Đến quá trưa, Ngài hỏi mấy giờ, các đồ đệ thưa: Giờ Mùi, sau khi dạy đệ tử vài điều, ngài an nhiên thị tịch, thọ 76 tuổi.

Nhục thân Tổ tôn trí trong bảo tháp tại tổ đình Thiền Tôn, trên núi Thiên Thai, Huế. Ngôi bảo tháp được chúa Nguyễn Sắc làm bia và xây dựng kiên cố, trải qua thời gian hơn hai thế kỷ mà vẫn giữ vẻ uy nghiêm mỹ lệ.

Trước khi ngài viên tịch, ngài phú pháp cho hàng đệ tử và truyền kệ như sau:

 “Thiệt tế đại đạo,

Tánh hải thanh trừng,

Tâm nguyên quảng nhuận,

Đức bổn từ phong,

Giới định phước tuệ,

Thể dụng viên thông,

Vĩnh siêu trí quả,

Mật khế thành công,

Truyền trì diệu lý,

Diễn xướng chánh tông,

Hành giải tương ưng,

Đạt ngộ chơn không.”

Tổ sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng vững chắc ở đàng Trong (tức là từ Thanh hóa trở vào). Trước khi Tổ Liễu Quán xuất hiện, thiền phái Lâm Tế ảnh hưởng của Trung quốc (vì có ngài Nguyên Thiều, ngài Thạch Liêm, ngài Tử Dung, v.v..). Chính Tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ, v.v…

Ngài có bốn vị đệ tử lớn: Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu. (Từ Chiếu, húy Tế Căn. Khai sơn chùa Hồ Sơn, Tuy Hòa, Phú Yên). Bốn ngài này đã tạo lập bốn trung tâm Hoằng dương chánh pháp lớn lao khắp đó đây ở đàng Trong. Và từ thế kỷ thứ 18 trở về sau này nghiễm nhiên với danh xưng Thiền Phái Liễu Quán.

BAN TT-TT TỔ ĐÌNH BẢO LÂM 

Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

TP.HCM: Trước giờ Khai mạc Hội thi Giáo lý Phật tử năm 2024

Chỉ còn ít giờ nữa, Hội thi Giáo lý Phật tử năm 2024 sẽ chính thức khai mạc vào lúc 7 giờ sáng, Chủ Nhật ngày 22/12/2024 tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM. Không khí tại địa điểm tổ chức đang sôi động hơn bao giờ hết khi các khâu chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn tất.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online