PSO - Sáng ngày 01/10/2023(nhằm 17/8/ năm Quý Mão), Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm đã trang nghiêm tổ chức lễ an vị Phật tại thiền viện Trúc Lâm Phú Yên, với sự chứng dự của hàng nghìn chư vị Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử trong và ngoài tỉnh.
Đúng 8 giờ sáng, lễ hành chánh được cử hành trọng thể với sự hiện diện của HT. Thích Tâm Thuỷ – Uỷ viên Thường trực HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên; HT. Thích Nhật Quang – Ủy viên Thường trực HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Quản trị thiền phái Trúc Lâm; HT. Thích Thiện Đạo – Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai; HT. Thích Quảng Phát – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh; HT. Thích Đồng Tiến – Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT. Thích Quảng Giải, HT.Thích Thông Hòa – đồng Phó trưởng BTS Phật giáo tỉnh; TT. Thích Huệ Khai - Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai; ĐĐ. Thích Chúc Phát – Phó BTS kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng BTS GHPGVN huyện Tuy An; chư Tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, huyện Tuy An, cùng chư Tăng, Ni trụ trì các tự viện trong, ngoài tỉnh và đông đảo bà con nhân dân, Phật tử gần xa đồng về tham dự.
Về phía lãnh đạo chính quyền có Đại tướng Phạm Văn Trà – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; bà Hồ Thị Nguyên Thảo - Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; ông Trần Trọng Hiền – Phó giám đốc Công an tỉnh; ông Lê Đình Chương – Trưởng ban Tôn giáo tỉnh; ông Phạm Văn Bảy – Bí Thư huyện Tuy An; ông Hồ Ngọc Thanh – Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện; ông Huỳnh Gia Hoàng - Chủ tịch UBND huyện; bà Phạm Thị Lệ Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành sở tại.
Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, ĐĐ. Thích Đạt Ma Quang Hải - Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Phú Yên đọc diễn văn khai mạc và báo cáo về quá trình xây dựng cơ sở thiền viện.
Theo đó, Thiền viện được hình thành, và chính thức nhận công bố quyết định thành lập và tiến hành lễ đặt đá xây dựng vào ngày 11/9/2022(16/8/ năm Nhâm Dần), với mục đích đáp ứng nguyện vọng và nhu cần tu học của Tăng Ni Phật tử tại tỉnh nhà. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên thanh bình toát nên vẻ thiền vị giữa núi rừng bao la, thuận lợi cho việc hành hương chiêm bái và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong tỉnh.
Trải qua một năm thi công, thiền viện Trúc Lâm Phú Yên đã hoàn thành cơ bản các hạng mục như: Tổ đường, Cổng Tam quan, lầu Chuông, lầu Trống, Tôn sư đường, phương trượng… Với những cơ sở vừa hoàn thành, Thiền viện Trúc Lâm Phú Yên từng bước đi vào giai đoạn sinh hoạt tu tập, theo thanh quy và đường lối Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, cũng như Hiến chương của Giáo hội và Pháp luật của Nhà nước.
Tiếp đến, Phật tử Thiện Nghiệp - Trịnh Văn Mười phát biểu. Ông đã chân thành bộc bạch: “Không biết có nhân duyên gì, mà chúng con lại nặng lòng với vùng đất nơi đây. Luôn mong muốn nơi mãnh đất thân thương này có một ngôi thiền viện của thiền phái Trúc Lâm. Khi đặt chân đến đây, tự nhiên kí ức về câu thơ “Tu Phật về Phú Yên, tu Tiên về bảy núi” văng vẳng trong lòng chúng con. Gương hạnh về những vị tổ sư từng xương minh Phật pháp huy chấn thiền tông nơi quên hương Phú Yên, gợi lên niềm xúc cảm trào dâng khó tả. Có lẽ nhờ sự hòa nhập giữa văn hóa dân tộc với giáo lý Phật đà với công lao, đạo hạnh của các bậc tổ sư, các ngài đã làm rạng ngời Phật giáo trong một thời kỳ”.
Dịp này, nguyên Đại tướng Phạm Văn Trà đã tự hào ôn lại những thắng lợi vẻ vang của cha ông và sơ lược về sự đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam và điển hình là tinh thần hộ quốc an dân của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thời nhà Trần.
Trong lời huấn từ với Tông môn Thiền phái tại buổi lễ, HT. Thích Nhật Quang có nói bốn chữ “Trúc Lâm Phú Yên” đã thật đủ để nói lên phúc duyên và tầm vóc của ngôi thiền viện này. Chữ Trúc Lâm là hàm ý nhắc đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ở trong trần mà chẳng nhiễm bụi trần. Chư tổ đời Trần đi vào chốn nhân gian mà thần thái vẫn cao khiết thanh nhàn, ung dung không buộc ràng. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vì thế vừa mang tính siêu thoát của đạo xuất thế, vừa thấm đượm chất liệu từ bi của con đường nhập thế. "Phú Yên" như nói lên sự sung mãn và an yên trong đời sống tâm linh của Tăng Ni Phật tử nơi đây. Thiền viện Trúc Lâm Phú Yên là nơi non nước trùng điệp, bát ngát thinh không, dễ làm cho lòng người hướng thượng tịnh thanh”. Qua đây, Hoà thượng nhắc lại lời dạy của Hoà thượng Tông chủ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: “Đạo Phật xem trọng trí tuệ, vì nó là ngọn đèn soi sáng khiến người tu thấy được chân lý của cuộc đời, cũng nhờ ngọn đuốc trí tuệ soi đường, người tu thoát khỏi cái khổ đêm dài u tối vô minh. Trí tuệ và Từ bi phải đi song đôi, phải cân bằng không được chênh lệch. Có trí tuệ mà thiếu từ bi là trí tuệ khô, có từ bi mà không có trí tuệ là từ bi mù. Từ bi và trí tuệ như chim hai cánh, chích một cánh là không thể bay được. Sự mất thăng bằng này là một tai hoạ không thể lường vậy”.
Đạo từ tại buổi lễ, HT. Thích Tâm Thủy đã hoan hỷ trước quá trình xây dựng thiền viện Trúc Lâm Phú Yên. Hòa thượng nhắc lại hình ảnh Đức Phật “Niêm hoa vi tiếu” tại Pháp hội Linh Sơn, Đức Thế Tôn giơ cành hoa ra hiệu cho đại chúng. Mọi người đều im lặng không hiểu ý gì, chỉ có một mình tôn giả Ma Ha Ca Diếp điềm nhiên mỉm cười. Chánh pháp của Phật, nó ẩn tàng sâu kín vi diệu bên trong, tuy có tướng mà không có tướng. Cái bông là biểu hiệu của Tâm, sự im lặng là biểu hiệu của Pháp tịch tĩnh. Tâm với Pháp tuy có mà không, tuy không mà có. Đây là một câu chuyện rất quan trọng của Phật giáo, được xem là đầu mối của Phật giáo Thiền Tông”.
Tại đây, Hòa thượng đọc lại bài kệ của vua Trần Nhân Tông và cũng là Tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối Cảnh Vô Tâm chớ hỏi thiền”.
Sau buổi lễ hành chánh, Ban Tổ chức đã cung thỉnh chư tôn đức giáo phẩm, Tăng, Ni và khách quý đối trước Bảo toạ kim cang toà, cử hành nghi thức an vị Phật theo nghi thức truyền thống Phật giáo.
Những hình ảnh ghi nhận được tại buổi lễ:
Tin và ảnh: Minh Thảo