Con người và cuộc đời là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi lĩnh vực tôn giáo, triết học, xã hội học, v.v. Đó cũng là vấn đề mà nhân loại luôn trầm tư bao đời nay. Với Phật giáo, con người và cuộc đời đề cập một cách tổng quát qua giáo lý Ngũ uẩn, một trong những giáo lý căn bản có tầm quan trọng được Đức Phật thuyết giảng sau khi Ngài chứng ngộ Vô thượng Chính đẳng Chính giác dưới cội Bồ đề. Đức Phật đã trình bày giáo lý Ngũ uẩn bằng chính cuộc đời mình, cho chúng ta một nhân sinh quan toàn diện, khẳng định Phật giáo rất thực tiễn trong quan niệm về nhân sinh và vũ trụ.
Ngũ uẩn là vấn đề then chốt của Đạo Phật, được đề cập phổ biến trong Kinh tạng và Luật tạng cả Nam truyền lẫn Bắc truyền. Điểm nổi bật của phân tích ngũ uẩn là chú trọng về con người và nhấn mạnh phần tâm lý hơn vật lý. Ngũ uẩn là pháp thực tính (Sabhāvadhamma) hay Pháp chân đế (Paramatthadhamma), là sự thật, là những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. “Pháp hành Thiền tuệ” là cách thức giúp con người tiếp cận thực tại đó một cách trực tiếp và chân thực nhất. Phật giáo chủ trương con người và thế giới là một hợp thể của năm yếu tố: Sắc (Rùpa), Thọ (Vedana), Tưởng (Samjnà), Hành (Samkàra), Thức (Vijnàna). Đây chính là phần kết cấu căn bản đặc thù, là cơ sở hình thành nhân sinh quan, vũ trụ quan và giải thoát quan của Phật giáo, đặc biệt cho những ai liễu ngộ và thực thi trọn vẹn để thấu triệt về tính Không, Vô ngã tính của Ngũ uẩn.
Trong cuốn Ngũ uẩn và Pháp hành Thiền tuệ trong A-tỳ-đàm - luận án tiến sĩ của thầy Thích Đạo Tấn (thế danh Nguyễn Hữu Thắng) đã trình bày: Tiến trình nhận thức bắt đầu bằng sự nhận biết đơn thuần. Khoảnh khắc đơn thuần của ý thức đó là chính niệm và chính niệm này đã sáng soi thực tại.
Như vậy, quá trình nhận biết thực tại của mỗi chúng ta không thể thiếu ý thức chính niệm. Trong thiền tuệ, chính niệm là trái tim, là chìa khóa, là mục đích và là phương tiện. Chính niệm nhắc nhở chúng ta chú tâm vừa đủ (đúng mức) và đúng thời điểm trên đối tượng thực hành, Khi chính niệm có mặt đầy đủ, chúng ta sẽ luôn đón nhận nguồn năng lượng trong lành với những phẩm chất tốt đẹp, như an vui, tĩnh tại, giải thoát, v.v.
Thiền tuệ đặt nền cho một đời sống tỉnh thức, luôn luôn thận trọng trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Do đó, tu tập ngũ uẩn trong đời sống thường nhật đối với con người nói chung có rất nhiều sự lợi ích. Hiểu biết về ngũ uẩn và pháp hành thiền tuệ, chúng ta có cơ hội đột phá những mức độ tâm linh cao thượng, để thưởng thức vị ngọt giải thoát của bậc Thánh nhân trong sự thực hành. Đối diện nước khổ đau hay những điều bất như ý, con người luôn vọng cầu đến một thế giới tốt đẹp khác.
Cuốn sách Ngũ uẩn và Pháp hành Thiền tuệ trong A-tỳ-đàm chính là kim chỉ nam cho những người đã và đang mong muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về Đạo Phật cũng như những triết lý của Phật giáo. Chúng ta nên sở hữu cuốn sách này để thấy được công phu nghiên cứu, tìm tòi của tác giả, cũng như cũng cố thêm kiến thức cho chính bản thân mình. Đồng thời cuốn sách cũng là một tài liệu chi tiết đầy đủ cho việc thực hành giáo lý Phật giáo trong cuộc sống mỗi người.
Bước Thời Gian - DH