Từ buổi bình minh của xã hội loài người, con người sống trong tập thể, kiếm sống bằng săn bắt, hái lượm đã hình thành sơ khai về quản lý, phân chia lao động xuất. Xuyên suốt trong con đường lịch sử hàng nghìn, hàng vạn năm ấy, quản lý ngày càng trở nên phong phú, đi sâu, mở rộng trong đời sống xã hội cũng như cá nhân mỗi người.
Chúng ta thấy rằng để làm được công việc quản lý đã khó, nghiên cứu, đưa quản lý học thành nghệ thuật quản lý lại càng khó. Người nghiên cứu quản lý học không thực sự đông đảo, người nghiên cứu quản lý học Phật giáo rất hiếm. Nhưng cơ duyên ít có ấy đã được hội tụ trong bộ sách Quản lý học Phật giáo của Đại sư Tinh Vân.
Không phải một sớm một chiều mà Đại sư Tinh Vân viết nên được bộ sách này, đây là sự đúc kết 50 hành đạo của ngài. Từ sự tu học, nghiên cứu kinh điển cho đến việc xây dựng chùa cảnh, quản lý tự viện, thành lập các trường học từ mầm non cho đến đại học ở nhiều quốc gia, tổ chức các quỹ từ thiện công ích, công ty xã hội, cho đến hoằng pháp khắp nơi trên thế giới, Đại sư Tinh Vân đã trước tác bộ sách Quản lý học Phật giáo từ ba góc độ: Kinh điển, Tự viện và Hoằng pháp.
Cuốn sách đầu tiên là Quản lý học Phật giáo - Từ góc độ kinh điển, thông qua các bộ kinh quan trọng như kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng, kinh Thiện Sinh, kinh Duy Ma Cật, kinh Hoa nghiêm… Đại sư Tinh Vân đã bàn đến nhiều phương diện quản lý khác nhau, từ quản lý kinh tế, quản lý môi trường, quản lý các tổ chức khoa học… cho đến quản lý bản thân, quản lý các mối quan hệ xã hội… Khi trình bày kỹ năng quản lý, phương pháp quản lý, Hòa thượng đều dẫn chứng từ kinh điển, khiến cho người đọc vừa được lĩnh hội Phật pháp vừa được thưởng thức nghệ thuật quản lý. Đại sư Tinh Vân đã gửi gắm thông điệp cuộc sống qua tập sách này: “Giá trị cuộc sống nằm ở việc nhận thức được bản thân, ý nghĩa của cuộc sống nằm ở việc phụng sự công chúng”.
Cuốn sách thứ hai là Quản lý học Phật giáo - Từ góc độ tự viện, thông qua các kỹ năng, phương pháp quản lý trong tự viện, Hòa thượng Tinh Vân đã khéo léo mở rộng, diễn giảng những phương pháp quản lý này trở nên đại chúng hơn, hiện đại hơn. Người học Phật rất quen thuộc với những khái niệm: lục độ, lục hòa, tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp… và Đại sư Tinh Vân đã chỉ ra cho người học Phật thấy được chỗ ứng dụng của những giáo lý đó vào lĩnh vực quản lý. Ngài đề cao việc trọng dụng, thu hút nhân tài trong quản lý nhân sự, nhấn mạnh tinh thần dân chủ của tập thể: “Trong việc quản lý, chúng ta nhất định cần phải có sự hòa hợp của nhiều mối nhân duyên, cần có sự kết hợp của rất nhiều nhân tài. Quản lý không phải là chuyên quyền độc tài, cố chấp theo cái riêng mà để cho mọi người cùng tham gia, đó mới là sự tuyệt diệu trong quản lý học”.
Cuối cùng là cuốn Quản lý học Phật giáo - Từ góc độ hoằng pháp, thông qua các chuyên đề về nhân sự, xã hội, giáo dục… và những trải nghiệm cá nhân trong con đường hoằng pháp của mình, Đại sư Tinh Vân đã chia sẻ những kinh nghiệm quản lý các mối quan hệ và cách thức để đạt tới thành công. Ngài lấy con người làm trung tâm, cá nhân làm bản vị, quản lý cơ quan, đoàn thể, v.v. rộng lớn nhưng trước hết phải quản lý tâm mình trước. Quản lý tâm mình, tưởng như là quen thuộc, đơn giản, nhỏ bé nhưng lại khó khăn vô cùng. “Tâm an thì ở nhà tranh cũng an, tính định thì cọng rau cũng thơm ngon, không cần nghĩ cách quản lý người khác, quản lý thiên hạ, chỉ cần quản lý tốt năm tên giặc dục vọng của mình thì tất cả sẽ được bình an”.
Khi đọc được bộ sách Quản lý học Phật giáo của Đại sư Tinh Vân bằng tiếng Trung, các dịch giả vô cùng vui mừng, như thấy được những chân trời mới về Phật giáo nói chung và quản lý học Phật giáo nói riêng. Với mong muốn chia sẻ tri thức Phật học đến với độc giả muôn phương, ba dịch giả: Tiến sĩ Quản lý Kinh tế Giáo dục Thích Vạn Lợi, Tiến sĩ Văn học Bích Trầm và dịch giả Đồng Diệu đã tiến hành chuyển dịch bộ sách này ra tiếng Việt. Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế - Nhà sách Vĩnh Nghiêm đã cố gắng biên tập và thiết kế một cách cẩn thận, kỹ càng nhất, trân trọng giới thiệu, gửi tới độc giả ấn phẩm này.
Vũ Quốc Văn