Tác phẩm dự thi “Nguyện Làm Con Thảo” – Tựa đề: “Ba Ơi! Con Tìm Ba" – Tác giả: Thích Nữ Nhuận Nguyện

Ba Ơi! Con Tìm Ba…

Thích Nữ Nhuận Nguyện
Nếu biết rằng đó là lần cuối cùng, tôi nhất định sẽ ngồi thật lâu, ngắm thật
kỹ khuôn mặt xương xẩu rám nắng của ba, sẽ nắm đôi tay chai sần vì năm tháng ấy
thật nhiều, dang đôi tay nhỏ bé của mình ôm ba thật chặt và nói thật lớn với ba
điều mà bấy lâu tôi không đủ can đảm để nói, rằng “Con yêu ba rất nhiều”, để
những mảnh ghép ký ức cuối cùng về ba là hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời tôi.
Nhưng, đã không còn một lần nào nữa.
Có lẽ, mãi về sau tôi cũng không bao giờ quên được ngày đó - ngày ba vĩnh
viễn rời xa cõi đời này - đó là một sáng chủ nhật những ngày cuối năm. Khi nghe
tiếng khóc của anh trai báo tin ba mất vang lên trong điện thoại, trái tim như bị ai
đó đấm mạnh vào, tôi không còn tin vào tai mình nữa, mặt mày tối sầm, nước mắt
nước mũi cứ như vậy giàn giụa trên khuôn mặt. Tôi mất ba? Chẳng thể nào. Vội
vàng chạy ra bến xe nhưng chuyến xe sáng cuối cùng để tôi có thể trở về nhà trong
hôm đó đã xuất phát, tôi chạy lòng vòng khắp nơi để tìm cơ may cho một chuyến
xe nào sót lại. Nhưng chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng.
Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy đoạn đường về nhà như dài thêm với mớ
ký ức chạy dài theo năm tháng về ba. Tôi đã âm thầm cầu nguyện, hy vọng đó là
lời nói dối của mẹ để tôi có thể trở về ăn Tết, để được quây quần bên gia đình vì từ
khi xa nhà, chưa năm nào tôi được trở về đón Tết ở quê. Không, tất cả đều là lời
dối gạt của mẹ tôi mà thôi. Vài ngày trước mẹ gọi điện thoại cho tôi nói ba vẫn còn
khỏe kia mà, mùa hè vừa rồi tôi cũng còn gặp ông, sao có thể như thế được? Tôi
không chấp nhận, không muốn chấp nhận. Nhưng đó là sự thật, một sự thật phũ
phàng. Tôi mất ba.
Trong ngôi nhà cũ kỹ, hình ảnh đập vào mắt tôi là mẹ cùng chị ngồi một góc
khóc nức nở, anh mặc chiếc áo tang đứng hầu bên linh cửu ba, khuôn mặt thẫn thờ
như kìm lại những giọt nước mắt cuối cùng. Trước di ảnh nghi ngút nhang khói,
trái tim tôi dường như bị ai đó bóp nghẹt, cuống họng muốn phát lên điều gì đó
nhưng đắng chát chẳng nên lời, đôi chân bủn rủn, chẳng còn chút sức lực nào nữa
cứ thế ngã quỵ xuống nền, hai hàng nước mắt nóng hổi lăn dài trên má. Tôi không
thể hy vọng thêm bất cứ điều gì nữa, đó là sự thật, tôi vĩnh viễn mất ba. Những hối
hận muộn màng khiến tôi nghẹt thở, tôi muốn nói lời xin lỗi thật nhiều đến ba
nhưng ba đã không thể nghe và nhìn tôi thêm một lần nào nữa.
Đôi mắt ba nhắm nghiền, khuôn mặt ấy lúc này trông thật bình yên, nhưng
trong lòng tôi là từng đợt sóng dâng trào niềm ân hận muộn màng. Ba không thể
nhìn tôi thêm một lần nào nữa, chỉ còn lại cái xác lạnh căm. Giây phút đó tôi nhận
ra rằng, sự lớn lên của chúng tôi đồng nghĩa với sự già đi âm thầm của ba mẹ, ngày
chúng tôi bước dần lên đỉnh vinh quang của ngọn đồi bên này cũng là ngày ba mẹ
bước dần về ngọn núi bên kia của sự sống. Và sự vô thường của “cái tử” sẽ đến với
bất cứ ai kể cả với người ta hằng yêu thương, chẳng một lời báo trước. Để lại cho
ta sự tiếc nuối ân hận vì một đời không cố gắng, vì những thái độ - hành động vô
tâm hững hờ, vì sự phung phí tuổi trẻ vào những điều không đáng, vì những giây
phút không trân trọng người mình yêu thương,... Đó là nỗi đau khi tôi nhận ra rằng
mình đã vĩnh viễn mất đi người thầy đầu đời, người đã dành cả cuộc đời vì niềm
vui - hạnh phúc - thành công của tôi, người luôn cỗ vũ - động viên và nâng đỡ
bước chân mỗi khi tôi vấp ngã, người luôn dang rộng đôi tay che chở - ôm ấp tôi
trước những sai lầm nơi bồng bột của tuổi trẻ, người sẵn sàng lau khô những giọt
nước mắt tủi hờn mà “sóng gió” ngoài kia ập đến với tôi,... Đó là nỗi đau của sự
mất mát, của sự cô đơn, bơ vơ lạc loài đến cùng cực mà dù chúng ta ở độ tuổi nào
đi chăng nữa, khi mất đi ba mẹ, chúng ta đều trở nên lạc loài cô đơn như thế.
Những mảnh ký ức lần cuối gặp ba ùa về trong tôi, hè năm ấy tôi về thăm
nhà. Mẹ bảo tôi lên thẳng bệnh viện vì mẹ đang chăm ba ở trên đây. Giây phút thấy
ba nằm trên giường bệnh với nào những kim tiêm, chai truyền dịch, truyền nước và
mùi thuốc men nồng nặc trong căn phòng cùng bàn tay sưng phồng lên của ba, trái
tim tôi thắt lại đau đớn, nước mắt cứ thế lã chã rơi. Thấy vậy, ba nhìn tôi hiền từ
bảo “Ba không sao đâu, đừng cứ như con nít vậy”, rồi ba hỏi tôi về việc học hành,
sinh hoạt của tôi, ba hỏi tôi về thăm nhà được bao lâu, khi nào phải vô lại... Dường
như ba muốn tôi quên đi sự chật vật mà cơn bạo bệnh mang lại cho ông, để tôi có
thể yên tâm học tập. Lúc đó tôi thật vô tâm, chỉ lo kể lể mãi về cuộc sống sinh
hoạt, học tập của mình mà chẳng quan tâm đến những cảm xúc của ba, chẳng thấy
được sự đau đớn đang hành hạ thân xác con người đang nở nụ cười hiền từ ấy.
Vài ngày sau, ba được xuất viện nhưng đôi mắt của ba mờ hẳn đi, khả năng
đi lại cũng không còn tốt nữa. Vì vậy phần lớn thời gian ba nằm trên giường, mọi
sinh hoạt có mẹ và chúng tôi chăm sóc, nhưng cũng có lẽ vì thế mà tâm tính ba trở
nên dễ bực dọc, hay cáu gắt với chúng tôi hơn. Rồi có những hôm ba nhờ tôi lấy
vài chiếc lá trầu không để ba đắp lên mắt cho đỡ mỏi, vậy mà tôi hờ hững làm cho
xong việc, chẳng hỏi han xem ba có cần giúp gì thêm không, tôi cũng bắt đầu lười
và tỏ thái độ mệt nhọc mỗi lần bóp chân tay cho ba. Có lẽ lúc đó ba cảm thấy dằn
vặt, đau lòng lắm khi lại trở thành gánh nặng của chúng tôi. Tôi lại quá vô tâm
chẳng để ý gì đến những cảm xúc ấy.
Vì không hiểu được sự vô thường, qua đi mau lẹ của thời gian, luôn nghĩ
rằng tháng ngày phía trước vẫn còn dài, ba mẹ sẽ còn mạnh khoẻ mãi với tôi. Tôi
nghĩ, mình sẽ cố gắng học tập để có tấm bằng này bằng nọ, trở thành ông này bà
nọ... nhất định khi giàu có, tôi sẽ báo hiếu ba mẹ tốt hơn, xây cho mẹ một ngôi nhà,
đưa ba đi thật nhiều nơi, mua thật nhiều đồ ăn ngon cho mẹ và yêu thương ba
nhiều hơn... Vô số điều tôi muốn làm cho ba mẹ, nhưng ba không thể đợi được,
mãi mãi không đợi được. Có lẽ dẫu có đợi được đi chăng nữa, thứ ba cần mãi
không bao giờ là những tiền tài, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp mà tôi mang đến...
mà ba cần đó là tình yêu thương, sự quan tâm chân thành từ những đứa con của
mình - điều tôi luôn hứa hẹn làm cho ba vào một ngày nào đó, nhưng chẳng thể
được nữa.
Suốt năm sau đó, tôi mới nhận ra mình ỷ lại vào ba biết chừng nào, tôi ân
hận vô cùng vì thái độ vô tâm của mình những ngày trước đó, tôi dằn vặt bản thân
nhiều hơn vì đã không để lại cho ba những kỷ niệm đẹp nhất cuối đời, không nói
được lời từ biệt trước khi ba trở về với cõi vĩnh hằng. Để rồi nỗi dằn vặt ấy vẫn ám
ảnh và trở về hằng đêm trong cơn mơ của tôi, hình bóng ba vẫn hiện lên với nụ
cười hiền từ nhưng như đang bóp nghẹt trái tim tôi. Nước mắt từ bao giờ từng hạt
từng hạt cứ tuôn rơi, rồi tôi bắt đầu nấc lên thành tiếng trong đêm.
Vài năm sau đó, tôi vẫn thường cố gắng lục lọi những mảnh ký ức về ba, đó
là ánh nghiêm nghị mỗi khi tôi đi chơi về trễ, là dáng vẻ cặm cụi cuốc đất trồng
từng luống khoai ngoài vườn, là bóng dáng tỉ mẩn lau dọn từng khoảnh nhà ngày
Tết... là đôi tay gân guốc xanh xao vì năm tháng, là nét mặt hiền từ rạng rỡ trong
lần đầu tôi đi học xa nhà trở về, là chất giọng khàn đục đặc ri của người Hà Tĩnh,
là đôi mắt mờ đi khi cơn bạo bệnh ập đến... Tôi cố hình dung đầy đủ hơn những
chi tiết trên khuôn mặt ấy, cố nhớ cái chất giọng khàn khàn của ba để chắc rằng ba
vẫn bên tôi. Và đến một ngày, tôi đâm ra sợ hãi khi phát hiện những chi tiết trên
khuôn mặt ấy dần trở nên mờ nhạt trong trí nhớ. Tôi khóc nức nở, sợ rằng, đến một
ngày nào đó, khuôn mặt hay cả giọng nói của ba sẽ hoàn toàn biến mất, nó sẽ
chẳng còn đọng lại chút gì trong ký ức của tôi nữa. Tôi sẽ quên lãng!
Mãi sau này tôi mới biết ba chưa bao giờ mất đi, ông vẫn bên tôi trong từng
tế bào cơ thể, trong từng đường chỉ trên đôi bàn tay nhỏ bé của tôi, trong từng hơi
thở, từng nhịp đập con tim, chỉ vì tôi không nhận ra nên chẳng bao giờ nhìn thấy.
Tôi chính là sự tiếp nối mầu nhiệm nhất từ tình thương cao quý mà ông trao truyền,
từ những yêu thương ngọt ngào mà người thân thương tôi gửi gắm. Mỗi bước
chân, mỗi nụ cười, mỗi hơi thở của tôi chính là sự tiếp nối của ba mẹ, của những
người thương, của tổ tiên dòng họ, của vạn vật đất trời. Và ba mẹ luôn trong tôi
như chưa bao giờ mất đi. Và hôm nay đây, ba lại trở về bên tôi với nụ cười hiền từ
nhân hậu tôi vẫn thường gặp, nhưng trong tôi không còn là nỗi ân hận - day dứt về
những điều cuối cùng không thể thực hiện cho ba. Tôi sẽ bước tiếp về tương lai,
thực hiện những ước mơ dang dở của người, sẽ sống tốt những ngày còn lại, luôn
cả cho phần người tôi thương. Đó cũng là điều ba mong muốn con thực hiện đúng
không ba?
Sự ra đi của một ai đó, bằng cách này hay cách khác dạy cho chúng ta về bài
học vô thường. Ba ra đi để lại cho tôi bài học vô cùng sâu sắc mà chẳng một
trường học hay một cuốn sách nào dạy - bài học chân thực về sự hữu hạn của đời
người, sự vô thường biến đổi hoại diệt trong từng sát na của nhân sinh, vạn vật, để
từ đó tôi tự nhìn lại mình, sống chậm hơn, cảm nhận sâu hơn những mối quan hệ
xung quanh và trân trọng những điều mình đang có. Tôi biết quan tâm hơn đến
cảm xúc của mẹ, biết trân trọng hơn những phút giây được quây quần bên gia đình,
thưởng thức món ăn mẹ nấu cùng người thân, ngắm nhìn những sợi đen sợi bạc
trên mái đầu ấy, nắm chặt hơn đôi tay gầy guộc ấy bằng đôi tay nhỏ bé của tôi,...
để mỗi lần gọi điện cho bà chỉ hỏi “Hôm nay mẹ ăn gì, hôm nay mẹ lên chùa vui
không, mẹ đang tụng kinh gì vậy...” để mẹ ríu rít như một đứa trẻ kể tôi nghe vài
câu chuyện vụn vặt nơi đời thường, vài ba câu chuyện mẹ nghe từ sư phụ dạy khi
lên chùa làm công quả,...
Và tôi nhận ra, ai đó đi ngang cuộc đời chúng ta ở thời điểm này hay thời
điểm khác đều có nhân duyên của nó. Nhân duyên tụ tán ấy giống như bọt nước
phù dù trôi trên mặt biển, có thể trôi xa đến trùng dương vạn dặm, lại có thể chỉ
mong manh rồi vỡ tan trong cái chớp mắt. Mà dẫu có đến trùng dương vạn dặm thì
cuối cùng bọt nước cũng phải tan rã. Ta có yêu thương người đến cách mấy, bằng
cách này hay cách khác họ cũng sẽ rời xa. Ngày đó sẽ đến và hẳn nhiên không bao
giờ báo trước, ta chẳng bao giờ biết được đâu là ngày cuối cùng ta sống bên nhau
và đâu là lần gặp gỡ sau cùng ta còn có mặt cho nhau. Điều chúng ta có thể làm
được đó chính là trân trọng từng khoảnh khắc, từng sát na trong hiện thực, sống đủ
chân thành với những người xung quanh để sau này ở nơi nào đó, với ai đó dù ta
không thể nói lời từ biệt nhưng đã ghi lại trong ký ức họ những hình ảnh đẹp nhất
rồi.
Guồng quay cuộc sống vội vã quá, người ta không đủ thời gian để ngồi bên
nhau ăn một bữa cơm đạm bạc, để thưởng cùng nhau một chén trà, để nắm đôi bàn
tay ấy thật chặt trong tình thương vô bờ và để sống chân thành hơn với nhau trong
cuộc sống ấy... Vì người ta đâu biết rằng, có những cái xoay lưng là một đời cách
biệt, có bước chân rời đi nghĩa là vĩnh viễn không còn gặp lại, có cái khẽ chạm tay
- nụ cười an dịu là lần sau cuối ta có mặt cho nhau trong cuộc đời ai đó. Và đời sẽ
hiền biết mấy nếu biết rằng đó là lần sau cuối ta có mặt trong nhau.
 
Download Android Download iOS
TP.HCM: Ban Trị sự PG cùng các Ban, Ngành Quận 3 và Công an Quận 10 chúc Tết Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội

PSO - Sáng ngày 20/1 năm 2025 (nhằm ngày 21/12 năm Giáp Thìn), tại Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra một buổi gặp gỡ chúc Tết giữa chư Tôn đức lãnh đạo Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng các phái đoàn của Ban Trị sự Phật giáo Quận 3, Quận ủy, UBND, MTTQ Quận 3

TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online