PSO - Ngày 8/4/2024 (nhằm 30/2/Giáp Thìn), đông đảo quý thiện nam, tín nữ Phật tử đã vân tập về chùa Suối Pháp (Suối Ngô, Tân châu Tây Ninh) thuộc tông phong Tổ đình Hoằng Pháp tham dự lễ sám hối thường kỳ.
Trước khi vào khóa lễ, Đại đức Thích Tâm Hướng - Trụ trì chùa Suối Pháp đã quang lâm hướng chia sẻ pháp thoại có tựa đề “ba phương pháp tăng trưởng trí tuệ trong đạo Phật”. Thầy chia sẻ: nói đến đạo Phật mọi người trong chúng ta liền liên tưởng đến tinh thần từ bi và trí tuệ hay tinh cứu khổ ban vui. Có câu rằng “từ năng giữ nhất thiết chúng sinh chi lạc, bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ” thật vậy lòng từ có thể tạo ra sự an vui và hạnh phúc cho người và vật , “bi” sự yêu thương có khả năng làm vơi bớt sầu khổ và giúp người vượt qua khổ não đến bờ an vui. Ngoài tinh thần từ bi cứu khổ ban vui, đạo Phật còn đề cao tuệ giác giải thoát, hay nói cách khác lấy trí tuệ làm căn bản cho sự giải thoát, vì sao như thế? Trong kinh Di Giáo Đức Phật dạy rằng” có trí tuệ thì hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và dò xét.. trong Chánh pháp của Như Lai người ấy có thể thực hiện giải thoát” chính vì có trí tuệ nên chúng ta không khởi tâm, tham, sân, si, ganh tỵ và đố kỵ cùng tham đắm pháp thế gian, pháp hữu lậu dẫn đến sinh tử khổ đau. Đức Phật, bậc đạo sư đã chỉ ra ba phương pháp để chúng ta thực hành và tăng trưởng trí tuệ và Chánh tri kiến trong sự tu hành. Ba phương pháp đó là:
1. Văn tuệ học: trí tuệ tăng trưởng do nghe pháp, hoặc xem kinh điển mà có được.
2. Tư huệ học: trí tuệ có được nhờ sự tư duy, quán chiếu, khi đã nghe được pháp rồi tư duy nghĩa lý của pháp và ý nghĩa lời kinh mà sinh ra trí tuệ.
3. Tu huệ học: trí tuệ có được nhờ sự thực hành Chánh pháp: ví như niệm Phật, tọa thiền, niệm chú, hoặc hành trì giới luật, từ giới sinh định, từ định sinh ra trí tuệ.
Cuối cùng Đại đức khuyến tấn hàng Phật tử nên gìn giữ giới luật, siêng năng học tập kinh điển, nghiền ngẫm nghĩa lý và nghe pháp từ các vị giảng sư có giới đức và trí tuệ một khi đã thấy đúng và hiểu đúng rồi mới áp dụng vào đời sống tu trì thì nhất định sẽ có được nhiều lợi ích cho bản thân và gia đình.
Sau thời pháp đại chúng bước vào thời khóa sám hối Hồng Danh.
Nguyễn Văn Nguyên