PSO - Sáng ngày 24/08/2023 (nhằm ngày 09/07/Qúy Mão), đoàn Phật giáo Myanmar do Thiền sư Ottamathara (Viện chủ trên 100 trường Thiền Thabarwa tại đất nước quốc giáo Myanmar và trên 20 trường Thiền tại một số nước Châu Âu và Châu Á) cùng khoảng 70 chư Tăng và Tu nữ Hệ phái Theravada đã có buổi thăm kính lễ Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS Trung ương GHPGVN tại chùa Quán Sứ, Văn phòng 1 Trung ương GHPGVN.

Đón tiếp đoàn Phật giáo ThabarwaMyanmar trong không khí thân mật và cởi mở, Hòa thượng Phó Chủ tịch đã ân cần hỏi thăm trên nhiều phương diện: sức khỏe, thời tiết, điều kiện sinh hoạt, cảm nhận tâm lý… của đoàn khi đến chia sẻ Thiền Vipassana tại Thủ đô. Đáp lời, Thiền sư Ottamathara bày tỏ lòng xúc động và tri ân sâu sắc đến các chính sách tích cực của chính quyền Việt Nam, GHPGVN; biết ơn Hòa thượng và nhiều quý Ngài chức sắc đã hoan hỷ trợ duyên, cũng như TT.Thích Thanh Huân – trụ trì chùa Pháp Vân đã hộ trì trú xứ, vật thực đến Tăng đoàn và hội chúng suốt gần tháng qua (chương trình chia sẻ Thiền ba tháng từ 01/08/2023 - 01/11/2023).

Trong Pháp lạc thắm tình đạo vị, HT.Thích Thanh Nhiễu giới thiệu khái quát về bộ máy Phật sự của GHPGVN, về hệ thống đào tạo Phật học các cấp tại ba miền; tinh thần Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trên mọi phương diện, hướng đến tính nhân văn. Đồng thời, Hòa thượng ôn lại truyền thống Phật giáo Việt Nam: Tự hào về sự du nhập rất sớm ngay từ những thế kỉ đầu, được quần chúng nhân dân yêu mến; nhấn mạnh về niềm tự hào từng được coi như là quốc giáo thời Lý Trần; vai trò của những thiền sư như Vạn Hạnh; đặc biệt ảnh hưởng của vua Trần Nhân Tông – được nhân dân Việt Nam phong là “Phật Hoàng”. Hòa thượng cũng tán thán các trường Phật giáo Myanmar đào tạo Tăng tài rất bài bản, sâu sắc; yêu mến thiên nhiên, không khí trong sạch của Myanmar; ấn tượng với hệ thống các chùa xây đồ sộ của người dân cũng như chính quyền Myanmar.

Cả HT. Thích Thanh Nhiễu và Thiền sư Ottamathara đều bày tỏ mong muốn chánh pháp được hưng thịnh, đoàn kết tôn giáo trong và ngoài nước, Phật giáo vì hòa bình, vì an vui và tiến bộ của nhân loại, hướng đến chấm dứt khổ và sanh tử luân hồi đạt niết - bàn. Hai bên trao quà lưu niệm và hứa khả cùng hợp tác thiện pháp thông qua tu tập, góp phần đưa hình ảnh hai nước hòa hợp, tiến bộ, giao lưu, cùng phát triển.
Tiếp theo trong chương trình buổi sáng, Tăng đoàn ThabarwaMyanmar viếng thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với lối đi riêng cổng đặc biệt trong lãng hoa tươi thắm ghi dòng chữ “Tăng đoàn ThabarwaMyanmar – chùa Pháp Vân” dâng lên di hài Bác Hồ, đã thể hiện cho khát khao hòa bình, độc lập, tự do, thịnh vượng, hạnh phúc, cho dân Việt; đó cũng là niềm ao ước mà Thiền sư Ottamathara đang mong mỏi cho nhân dân Myanmar.


Tinh thần Phật giáo tứ ân: ân sư trưởng, ân cha mẹ, ân quốc gia, ân đàn na tín thí trùng duyên khởi luôn được TT. Thích Thanh Huân và Thiền sư Ottamathara thông suốt tri nhận trong tinh thần hoằng pháp “thượng cầu hạ hóa”. Trong không khí tháng 7 (âm) linh thiêng của Văn hóa Phật giáo Việt Nam, sự viếng thăm của đoàn đến Lăng Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam lại càng gần gũi, ấm áp, ý nghĩa, giữa khung cảnh trời mây non nước bình yên như mang cảm hứng thiền.


Gần trưa, đoàn di chuyển về chùa Bồ đề, Thiền sư Ottamathara đã phát tâm cúng dường 20 triệu đến chư Tăng Ni đang nhập chúng An cư tại điểm trường hạ chùa Bồ-đề (Phú Viên, Long Biên, TP.Hà Nội).

Tại đây, Ni trưởng Thích Đàm Lan giới thiệu sơ qua về hạ trường Tổ đình, về truyền thống đặc điểm Phật giáo Đại thừa tại miền Bắc, tổng quát quá trình hình thành và phát triển, những đóng góp cho công cuộc an sinh hộ quốc, tốt đời đẹp đạo của thế hệ chư Ni thủ đô ngàn năm văn hiến cho Phật giáo, cho dân tộc trước gần 50 quý Tu nữ Theravāda trong đoàn.

Trong ngày, với sự thỉnh cầu trợ duyên của Sư Tuệ Nhẫn, Thiền sư Ottamathara đã gửi tặng 50 triệu trao nhà tình thương cho gia đình đồng bào thiểu số - hộ anh K’Đam, bon Ting Wel Đăng, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Trước đó, ông Đoàn Công Hoàng, Chủ tịch xã nhận thấy hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của gia đình K’Đam (bố mẹ đều mất, hai anh em không có nhà ở, nhiều năm phải ở tạm nhà dột nát của chị gái, không có đất sản xuất chỉ đi làm thuê); Chủ tịch xã đã tận tâm nhờ Sư Tuệ Nhẫn kết nối quan tâm giúp hộ nghèo cùng các cấp chính quyền.
Nhận được tin, TT. Thích Minh Thuận, Ủy viên HĐTS, Phó BHP Trung ương, Trưởng Phân BHP Đồng bào Dân tộc Thiểu số; TT. Thích Nhuận Thân, Phó BTS tỉnh Đắk Nông; Đại tá Đinh Sỹ Tuệ - Trưởng phòng PA02 Công an Tôn giáo tỉnh đã hoan hỷ tri nhận.
SC.TS Thích Nữ Viên Giác, Ủy viên Phân BHP Đồng bào Dân tộc Thiểu số - Trực thuộc BHP Trung ương, kính trình Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Thabarwa phát tâm gieo duyên.




Buổi chiều, đoàn đã thăm chùa Tiêu Dao (ngoại thành Hà Nội) do ĐĐ. Thích Bảo Đức - trụ trì chùa. Ngôi chùa thời kì đầu trùng tu có sự gắn bó tâm huyết của TT. Thích Thanh Huân, Ni trưởng Thích Đàm Lan trong sơn môn pháp phái Bồ đề. Chùa ghi lại dấu ấn với đoàn bởi mang đậm tâm linh và văn hóa Phật giáo Việt Nam, thu hút bởi đặc sắc hàng trăm chi tiết tinh xảo từ mái chùa, hoành phi câu đối, ban thờ, các hoa văn, đường viền tòa Tam Bảo, ngay cả gần 80 pho tượng các loại… đều được làm bằng chất liệu gốm sứ, gợi cảm hứng cổ xưa của người Việt.






Tiếp theo đó, đoàn ghé thăm làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng; hiểu hơn về văn hóa Đồng bằng Sông Hồng, văn hóa Bắc Bộ, kiến trúc chùa Việt.




Trước đó, sáng ngày 22/08, Tăng đoàn Phật giáo Thabarwa Myanmar tại Thiền đường Sao Mai tầng 4 chùa Pháp Vân đã có buổi giao lưu thân tình với Tăng đoàn Phật giáo Bhutan, đại diện là: Ngài Khenpo Payla – Giám đốc Trung tâm Thiền Định Bhutan, nguyên Trưởng Tu viện Phorang Thimpu; Ngài Khenpo Sonam – Giáo thọ sư Trường Đại học Phật giáo Tango; ngài Khenpo Rin – Giáo thọ sư Trường Cao Cấp Phật học Tango; cùng khoảng 30 quý đạo hữu tu theo truyền thống Tây mật tháp tùng.

Tại Hà Nội - Việt Nam, mối quan hệ giữa chùa Pháp Vân - Tăng đoàn Phật giáo Thabarwa Myanmar - đại diện Tăng đoàn Bhutan, một lần nữa nói lên tinh thần lục hòa, tứ chúng đồng tu, bất hại; không phân biệt hệ phái, pháp tu; giáo lý đức Phật như “trăm sông đổ về một biển, biển chỉ có một vị giải thoát”, ai thấy Duyên khởi – thấy Pháp người đó thấy Như Lai. Pháp bảo đem những người con Phật khắp năm châu xích lại gần nhau trong tinh thần từ bi vô ngã.

Lịch trình khóa tu khoảng mười ngày sắp tới (25/08/2023 - 05/09/2023 dl), BTC có thỉnh mời: TT.TS Thích Thanh Huân (Trưởng BTC) giao lưu Pháp thoại với thiền sinh trong Khóa tu Trải nghiệm Thiền Vipassana ứng dụng dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Ottamathara về đề tàiPhật giáo với Văn hóa Việt Nam; TT.TS Thích Giác Duyên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việc Nam, Phó BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM với đề tài Vai trò của Phật giáo đối với xã hội hiện đại; TT. Thích Chánh Định - Ủy viên BHP Trung ương GHPGVN, Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, trụ trì chùa Tam Phước (Biên Hòa, Đồng Nai) Nhân quả và Vô ngã; ĐĐ. Thích Thiện Tuệ - Ủy viên BHP Trung ương, trụ trì chùa An Lạc (TP.HCM), giao lưu đề tài Kham nhẫn và Buông bỏ.




TN Viên Giác