PSO - Khoá tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 35 được Giáo đoàn IV đăng cai tổ chức trong 10 ngày, từ ngày 05 - 15/10/2024 (nhằm ngày 03 - 13/9/Giáp Thìn). Đây là lần đầu tiên khóa tu Truyền thống Khất sĩ được diễn ra tại Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang (Núi Đèn, Pháo Đài, Hà Tiên, Kiên Giang), một di tích tâm linh thiêng liêng đối với Hệ phái Khất sĩ, nơi mang nhiều năng lượng tích cực và bình an.
Khóa tu quy tụ chư Tăng từ 6 Giáo đoàn trực thuộc Hệ phái Khất sĩ. Được biết, trong khuôn khổ diện tích của Di tích, Ban Tổ chức đã giới hạn số lượng hành giả của mỗi Giáo đoàn về tham gia là 10 vị, cùng chư hành giả Khất sĩ tại Hà Tiên (Kiên Giang). Tổng số lượng dự kiến ban đầu là 80 vị. Tuy nhiên, vì sự thiêng liêng của Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang, mà có nhiều hành giả đăng ký tham dự hơn thực tế quy định. Như vậy, đã có đến 95 hành giả trở về chứng dự khoá tu.
Như các khoá tu truyền thống trước, kẻng báo thức vang lên giữa lưng đồi Núi Đèn vào lúc 03h30 sáng. Chư hành giả chính thức mở đầu một ngày tu học bằng thời thiền hành chánh niệm trong 30 phút và tiếp tục thiền tọa trong vòng một giờ. Việc hành thiền trên cả thân và tâm giúp cho hành giả thực tập chánh niệm trong các oai nghi: Đi, đứng, tọa, ngọa.
Như chư Tôn đức giảng, khi thực tập chánh niệm, hành giả chính là người huấn luyện tâm, điều phục tâm, khiến tâm của vị ấy trở nên điềm tĩnh, vững chãi, nhu nhuyến, dễ sử dụng. Từ đó, an lạc hạnh phúc dần dần hiện hữu, như kệ ngôn Pháp cú 96, Đức Như Lai dạy:
“Người tâm trí an tịnh,
Lời an nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy”.
Từ 05h30 - 07h30 sáng là thời gian sinh hoạt cá nhân của chư vị hành giả, sau đó là thời học pháp. Chư hành giả được các vị Giáo thọ giảng dạy liên tục từ 08h30 đến 10h00. Đây là khoảng thời gian vô cùng quan trọng và cần thiết cho việc thực hành chánh niệm, bởi thông qua sự hướng dẫn, chỉ dạy của chư Tôn đức Giáo thọ, chư hành giả thọ học, hành trì pháp từ các vị giáo thọ khả kính truyền trao, dần dần tri kiến thấy biết đúng đắn được thiết lập, chánh kiến xuất hiện. Lúc này, khi các lậu hoặc nhiễm ô khởi lễ, sẽ được đoạn trừ bằng phương pháp dùng tri kiến.
Khi ngọ thời đến, chư hành giả với thân tướng trang nghiêm thanh tịnh giải thoát, trong chiếc y vàng phước điền, hai tay ôm bình bát đất, một tín vật linh thiêng của đức Như Lai.
Y bá nạp bức họa đồ thế giới.
Vẻ muôn vàn đường lối bước vân du.
Bát khất sĩ bầu càn khôn vũ trụ.
Chứa muôn loài vạn vật một tình thương.
Từng vị, từng vị, nối tiếp nhau như một dòng sông đang dịch chuyển giữa nắng vàng, trang nghiêm, thảnh thơi, thong dong tiếp nhận thực phẩm từ sự dâng cúng chí thành của những cư sĩ Phật tử gần xa, câu hội đặt bát cúng dường.
Chánh niệm trong thọ thực hoà chúng một lượt, là nét đặc thù của Tăng đoàn Khất sĩ, được thực hiện một cách đồng bộ thuần thục và nhịp nhàng, yên tịnh. Những hình ảnh trang nghiêm thanh tịnh đẹp tuyệt vời ấy khiến các Phật tử phát khởi tâm cung kính, tin tưởng hàng Tăng bảo - đệ tử Đức Thế Tôn: Diệu hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Như lý hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Chánh hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
Sau khi thọ thực và chỉ tịnh buổi trưa, chư hành giả tiếp tục thời khóa buổi chiều, với thời Pháp đàm trên tinh thần lục hòa ái kính “kiến thức riêng chỉ giải cho nhau”. Như lời dạy của Đức Tổ sư: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”.
Sau thời pháp đàm, các thời khoá thiền hành, thiền toạ liền nhau diễn ra cho đến 20h00 mỗi ngày, giúp cho mỗi hành giả tự duy trì chánh niệm, thành tựu được giới học, định học và tuệ học qua sự thu thúc lục căn và các oai nghi. Đức Tổ sư dạy rằng: “Có giữ giới vạn vật mới tốt đẹp, có thiền định chúng sanh mới sống đời, có trí huệ các pháp mới trọn lành trong sạch”, hay: “Người có định thì thân khẩu ý mới trong sạch. Tuy ít nói mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải”.
Một giờ cuối ngày, trước khi kết thúc ngày tu học, là thời khoá chư vị hành giả ngồi lại cùng nhau, quán sát, ghi nhận, kiểm lại những thành quả tốt đẹp để duy trì phát huy vào ngày hôm sau. Qua đó, chư hành giả cố gắng khắc phục những sơ thất thiếu sót, với tâm niệm ngày mới sắp đến tốt đẹp, hoàn thiện hơn ngày đã qua.
Một ngày thực tập chánh niệm, huân tu tam nghiệp khép lại vào lúc 22h00, là giờ chỉ tịnh của đại chúng. Từ giờ phút này đến 03h30 sáng hôm sau, di tích thánh địa càng trở nên lung linh huyền bí, chứa nhiều năng lượng bình an tịnh lạc.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
* Thiền hành, thiện tọa đầu ngày:
* Nghe pháp học kinh:
* Lãnh cơm cúng ngọ:
* Pháp đàm:
* Thiền hành thiền tọa:
* Gặp mặt cuối ngày:
Tin, ảnh: Huệ Giác, Minh Thái