Thượng toạ Thích Đức Trường – Uỷ viên Thường trực BTS; Phó trưởng Ban Hoằng pháp Phật giáo TP. HCM giảng dạy " Nhân Minh Học " tại Học viện PGVN Hà Nội.
Nhân minh học hay còn gọi là Logic học Phật giáo là môn học khá đặc trưng cho những hành giả đang tu học nghiên cứu lập luận và nhận thức.
Logic học Phật giáo ra đời trên cơ sở kết hợp các yếu tố nhận thức luận, bản thể luận của nền tảng triết học Duy thức tông - Kinh lượng bộ Phật giáo và phương pháp tranh biện của Nyaya - Vaisesika. Sự kết hợp này đã khiến cho logic học Phật giáo có vị trí vượt trội so với các trường phái logic học của Ấn Độ đương thời.
Logic học Phật giáo (còn có tên gọi theo âm Hán - Việt là Nhân minh học Phật giáo, 因明學佛教): là một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo. Logic học Phật giáo vừa có sự phát triển nội tại do nhu cầu truyền giáo có phương pháp, vừa có sự kế thừa những phương pháp lập luận sẵn có của Ấn Độ cổ đại. Những phương pháp lập luận ấy vốn là tinh hoa của triết học Ấn Độ, đến Phật giáo nó lại được “chưng cất” một lần nữa để rồi có sức lan tỏa khắp lục địa châu Á. Logic học Phật giáo cũng là một trong những phương pháp tư duy logic của người phương Đông.
Logic học Phật giáo được hình thành trước logic học Aristote gần hai trăm năm và hệ thống của nó “thực tế” hơn, mang một chủ đích hay ứng dụng rõ rệt hơn.
Logic học Phật giáo không phải là một ngành học riêng biệt, mà có thể gọi đấy là những kỹ thuật hay những ứng dụng trực tiếp, góp phần vào sự tu tập với mục đích đầu tiên là chứng minh một số khái niệm trong Đạo Pháp, sau đó tìm hiểu bản thể đích thực của thế giới này. Trong lịch sử phát triển của Phật giáo có nhiều đại luận sư đã tích cực đóng góp vào diễn giải giáo lý của Đức Phật, nhờ đó mà Đạo Pháp ngày càng trở nên phong phú hơn. Đầu tiên, người nổi bật nhất là ngài Long Thụ (Thế kỷ II). Ông sáng lập ra học thuyết Trung Đạo (Madhyamika), một học thuyết liên quan đến sự hiểu biết logic của Phật giáo. Đệ tử là Thánh thiên (Aryadeva) sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ II, đầu thế kỷ thứ III. Ông là một đại luận sư rất uyên bác và đã tiếp tục triển khai thêm học phái Trung quán. Sau Long Thụ và Thánh Thiên thì vào thế kỷ thứ IV đã xuất hiện một vị đại luận sư khác về logic Phật giáo, đó là ngài Trần Na (Dignaga). Trần Na thụ giáo tại đại học Na-lan-đà và sau này giảng dạy tại đây. Sau Trần Na lại xuất hiện thêm một đại luận sư nữa là ngài Nguyệt Xứng (Candrakirti). Ông sinh vào cuối thế kỷ thứ IV. Logic của Nguyệt Xứng hoàn toàn là logic của Trung Quán tông. logic Phật giáo phân chia sự hiểu biết thành hai lĩnh vực khác biệt nhau: lĩnh vực thứ nhất là sự nhận thức (pratyaksa) và lĩnh vực thứ hai là sự suy diễn (anumana).
Người hoằng pháp cần phải lưu tâm đến logic học Phật giáo, bởi lẽ “tất cả mọi hành động thành công của con người đều bắt đầu bằng nhận thức đúng đắn”. Vậy nên người Phật tử dù là xuất gia hay tại gia đều không thể sống buông thả, phóng dật. Đời người là vốn quý, cuộc sống lại có hạn. Mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta phải là một bước tiến trên con đường hành đạo, con đường giác ngộ và giải thoát nên cần có nhận thức đúng đắn đối với mục tiêu tối hậu đó.
Hình ảnh Thượng toạ Đức Trường giảng dạy lớp Liên thông V và Cao đẳng VII tại Giảng đường Viên Quang.
TTHV-Báo Khuông Việt.