PSO – Chiều ngày 19/4/2025 (nhằm ngày 22/3/Ất Tỵ) Đại đức Thích Huệ Phát-Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, có buổi chia sẻ chủ đề: “Giới Luật và Chánh niệm - nền tảng của đời sống phạm hạnh” đến hơn 200 học viên tại Khoá Bồi dưỡng Luật học do PBNG tỉnh Tiền Giang tổ chức tại chùa Tịnh Nghiêm (TP.Mỹ Tho).
Mở đầu buổi thuyết giảng, Đại đức lấy hình ảnh trong Đại kinh “Ví dụ lõi cây” nhắc về các lộ trình đi đến giải thoát từ: lợi dưỡng và danh tiếng, giới đức, thiền định, tri kiến và giải thoát cuối cùng. Đạo Phật là con đường giải thoát, khi bước qua ba cánh cửa: không môn, vô tướng môn, vô tác môn sẽ nhìn thấy những chân tướng của sự thật. Khi bản chất của cuộc đời là vô thường, mong manh, nên cần các hành giả phải luôn quán chiếu chánh niệm để nhìn rõ các pháp.
Kinh Tăng chi, phẩm “Một Pháp”, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn”. Hành giả có thể chọn một trong 10 pháp niệm để tu tập: niệm Thân, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Chết, niệm Thân, niệm Hơi thở, niệm An tịnh. Đại đức xoay quanh lộ trình Bát Chánh đạo là quan trọng và quyết định trên bước đường tu tập.
Nội dung thứ hai, Đại đức nhấn mạnh về Giới luật – nền tảng của đời sống tu sĩ. Giới (Sila) là những quy tắc đạo đức giúp ngăn ngừa điều ác, làm lành, thanh tịnh thân tâm. Luật (Vinaya) là quy phạm sinh hoạt của Tăng đoàn, giúp duy trì hoà hợp thanh tịnh. Đại đức kể về những câu chuyện chánh niệm của quý Tôn giả đã chứng đắc như Culapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) và bài phú của Phật Hoàng Trần Nhân Tông về cái tĩnh và động.
Nhân đây, Đại đức đề cập đến 26 hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội hiện nay để chư Ni cẩn trọng, tỉnh thức khi sử dụng mạng xã hội. Chánh niệm giúp cho hành giả sống trọn vẹn trong Giới luật, từng oai nghi tế hạnh ăn uống đi đứng, quán chiếu giới tướng, giữ tâm an tịnh và thiền hành mỗi bước chân giác ngộ.
Đại đức kết luận: Giới luật là Thầy, Chánh niệm là bạn đồng hành. Không có Chánh niệm thì Giới dễ trở thành hình thức. Không có Giới luật thì Chánh niệm thiếu nền tảng.
Vạn Nguyên - Minh Thuận