NGPSO – Sáng ngày 4/6/2024 (28/4/Giáp Thìn) Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm – Phó trưởng BTS, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang quang lâm chia sẻ về nội dung Đại cương Luật học đến với chư Ni hành giả An cư tại chùa Thiên Phước, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho.
Theo sự sắp xếp của Ban Tổ chức khóa An cư Kiết hạ Phật lịch 2568, năm nay Ni trưởng đảm trách bộ môn “Đại cương Luật học Tỳ kheo ni”. Trong buổi học thứ 2 này, Ni trưởng nhấn mạnh về lợi ích và các phương diện của Giới.
Về Lợi ích của Giới luật, có 10 điều căn bản mà Đức Phật chế định:
1. Chỉnh đốn Tăng già,
2. Làm cho Tăng già hoan hỷ,
3. Khiến cho Tăng già được an vui,
4. Giúp người chưa tin sanh lòng tin,
5. Giúp người đã tin, lòng tin càng thêm bền vững,
6. Điều phục được những người khó điều phục,
7. Làm cho người hỗ thẹn được an lạc,
8. Đoạn nghiệp hữu lậu trong hiện tại,
9. Đoạn nghiệp hữu lậu trong tương lai,
10. Khiến chánh pháp tồn tại lâu dài.
Về các phương diện của Giới có 4 điều cần lưu ý đó là: Giới pháp, Giới thể, Giới hạnh, Giới tướng.
Về phần Chỉ trì, Ni trưởng đã dành thời gian để giải thích về Ngũ Thiên và Thất Tụ, qua đó làm cho chư Ni nắm vững hơn nữa những giới điều mà mình đã thọ, nhẹ nhàng giữ gìn mà không thấy bị ràng buộc.
Giới luật Tỳ kheo ni gồm 348 giới điều, được gọi là "Ngũ thiên thất tụ". Trước hết, "thất tụ" là bảy nhóm như sau:
Nhóm 1: 8 pháp Ba la di
Nhóm 2: 17 pháp Tăng tàn
Nhóm 3: 30 pháp Xả đọa
Nhóm 4: 178 tám pháp Đọa
Nhóm 5: 8 pháp Hối quá
Nhóm 6: 100 pháp Chúng học
Nhóm 7: 7 pháp Diệt tránh.
Phân loại theo các việc cần phải cấm chỉ không được làm (chỉ trì) hoặc cần phải làm (tác trì) thì có bảy nhóm như trên, gọi là "Bảy tụ". Những việc Phật cấm chỉ không được làm, nếu làm thì phạm, gọi là "chỉ trì tác phạm" như giới sát đạo dâm vọng v.v. Những việc Phật dạy phải làm không được bỏ qua, thì gọi là "tác trì chỉ phạm", ví như những việc bố tát, tụng giới, yết ma, tự tứ, ….
Nhưng phân loại theo tội phạm và mức độ xử phạt thì chỉ có năm mục, gọi là "Năm thiên" đáng nói, đó là:
Thiên 1: Tội ba la di, là khi phạm vào một trong tám pháp ba la di nói trên (nặng nhất). Mức xử phạt là đuổi ra khỏi Tăng đoàn (Diệt tẩn).
Thiên 2: Tội Tăng tàn, là khi phạm một trong 17 pháp Tăng tàn nói trên. Mức xử phạt là sám hối trước hai bộ đại tăng và hành sám một thời gian, bằng cách làm các việc do tăng chỉ định.
Thiên 3: Tội Ba dật đề, là khi phạm vào hai nhóm 3 và 4 nói trên. Mức hành sám ngang nhau, nhưng một bên có vật trình ra trước Tăng để xả (nói theo luật pháp ở đời là "có tang vật cần tịch thu") rồi sám hối tội đáng đọa lạc, nên gọi là "Xả đọa". Còn một bên không có tang vật, nhưng có những hậu quả xấu như mang tai tiếng cho đoàn thể hoặc gây thiệt hại cho người khác, gọi là pháp "Đọa" vì khiến cho người phạm rơi vào những ô nhiễm do tham sân hoặc do đam mê sáu trần cảnh, không đem lại giải thoát.
Thiên 4: Tội Thâu lan giá, là loại tội "non Ba la di già Tăng tàn" ví như trong pháp ba la di thứ tám, mà mới phạm có bảy việc, hoặc hai ba bốn việc; hoặc khi cố ý giết mà đối tượng chưa chết, hoặc âm mưu bại lộ, bất thành. Do vậy nên có ba cấp bực Thâu lan giá
Thiên 5: tội Đột cát la, nhẹ nhất nhưng dễ phạm, là khi vi phạm các pháp trong những thiên còn lại (5, 6, 7) gồm hai thứ: "ác tác" (làm bậy) và "ác thuyết" (nói bậy); tựa như loại tội "vi cảnh" trong luật đời.
Như vậy, qua buổi học thứ 2 này, bằng những kinh nghiệm tu tập và hành đạo, Ni trưởng đã đem lại nhiều niềm tin và sự an lạc về Giới, đến cho chư Ni hành giả đang An cư tu học tại Hạ trường Thiên Phước năm 2024.
Hạnh Phương