PSO - Nhận lời thỉnh cầu của Ban Tổ chức khóa huân tu Kiết Đông lần 2, sáng ngày 5/12/2024, Thượng tọa Thích Giác Dũng – Ủy viên HĐTS, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM đã quang lâm về chùa Vĩnh Tràng để thuyết trình đề tài “Giới luật Phật giáo” đến với chư Tăng Ni hành giả tham dự khóa tu.
Khóa huân tu Kiết Đông lần thứ 2 (năm 2024) do BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức tại chùa Vĩnh Tràng (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho) từ ngày 01 đến ngày 10/11 năm Giáp Thìn, có 115 chư Tôn đức là Thành viên BTS GHPGVN tỉnh, BTS GHPGVN các huyện thị thành trong tỉnh và một số chư Tăng Ni tùng duyên tham dự. Với mục đích trang bị thêm cho chư hành giả kiến thức hành chánh Giáo hội và tăng trưởng nội lực tu tập.
Lời đầu tiên đến với buổi thuyết trình, Thượng tọa Thích Giác Dũng tán thán việc tập hợp cộng tu của chư hành giả tham dự khóa Kiết đông và sự điều hành Phật sự của Thượng tọa Thích Quảng Lộc – UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang.
Nói về việc hành trì Giới luật của Tăng Ni ngày nay, Thượng tọa cho rằng ngày nay phần nhiều chư Tăng Ni mới vào đạo không có thời gian thực hành theo khuôn phép “ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật”, phần nhiều mới thế phát đã được gửi đến các trường Phật học, vô hình chung đã qua đến giai đoạn “ngũ hạ dĩ hậu” cho nên phần đông không thấy sự lợi ích đích thực của việc thực hành những giới điều, oai nghi nhỏ nhít, vì vậy mà có nhiều việc không hay xảy ra làm phương hai đến uy tín trong Tăng đoàn.
Thượng tọa tóm lược về 2 đường truyền Giới luật Phật giáo (Bắc truyền và Nam truyền), trong đó có 5 bộ nổi tiếng nhất, gồm: Tát-bà-đa bộ (Thập tụng luật), Đàm-vô-đức bộ (Tứ phần luật), Bà-thô-phú-la bộ (Ma-ha Tăng-kì luật), Di-sa-tắc bộ (Ngũ phần luật) và Ca-diếp-di bộ. Cả 5 bộ này đều là luật của Thượng tọa bộ (trong đó Ma ha tăng kỳ cũng là luật của Đại chúng bộ).
Thượng tọa phân định giữa Giới và Luật để chư Tăng Ni nắm bắt và dễ thực hành. Trong đó Giới là “chỉ trì tác phạm”, đối tượng của Giới là cá nhân. Luật là “chỉ phạm tác trì”, đối tượng của Luật là ở trong chúng tăng. Thượng tọa cho ví dụ như phần 7 pháp diệt tránh trong Giới bổn là thuộc Luật mà không phải Giới.
Tại đây Thượng tọa cho rằng Giới trong Luật tạng nên gọi là "Phân tích Giới" chứ không nên gọi là "Giới bổn", vì trong đây là có 4 phần để phân tích các tướng trạng của Giới. Quyển Luật tứ phần mà đại chúng tụng thường kỳ nữa tháng mới được gọi là Giới bổn, và đây chỉ là rút một phần của Giới trong Luật tạng mà ra.
Thượng tọa khuyến khích đại chúng muốn hiểu rõ hơn về Giới điều được Phật dạy thì nên tìm vào đọc trong Luật tạng, nếu chỉ dừng lại ở Giới bổn tụng mỗi nửa tháng thì chưa đủ.
Về phần các pháp Yết ma, Thượng tọa rất đề cao bộ Luật Ma ha tăng kỳ. Trong đây có 4 loại yết ma: Đơn bạch, Cầu thính, Bạch nhị và Bạch tứ. Với bốn loại Yết ma này sẽ đảm bảo tính minh bạch khi thực hành các việc trong Tăng.
Thượng tọa cũng giải thích tại sao trong 5 bộ luật mà chỉ có Luật Tứ phần truyền thừa rộng rãi ở Việt Nam. Việc này có các nguyên do sau: Một Là nhờ uy tín của ngài Phật Đà Gia Xá trong quá trình dịch Luật Tứ phần; Hai là y cứ theo quan điểm của ngài Huệ Quang cho rằng Tứ Phần luật là luật của Đại thừa. (Sở dĩ ngài Huệ Quang nói như vậy vì thế kỷ thứ 5 Phật giáo phát triển rộng tại Trung Quốc, Tăng Ni, Phật tử đều quy ngưỡng với Phật giáo Đại thừa); Ba là do công đức truyền bá của ngài Đạo Tuyên; Bốn là vào thế kỷ thứ 7 vua triều Đường ban chiếu chỉ Tăng Ni trên lãnh thổ phải thực hành luật Tứ phần.
Nói về 10 nguyên nhân Đức Phật chế giới. Trong điều thứ nhất là “Nhiếp thủ ư Tăng”, có nghĩa là kiện toàn Tăng đoàn, làm đẹp Tăng đoàn (trang nghiêm Giáo hội). Và điều thứ mười là “Linh chánh pháp cửu trụ” vì chư Tăng tu phạm hạnh mà chánh pháp được tồn tại lâu dài.
1. Nhiếp thủ ư Tăng: Vì kiện toàn Tăng-già thành chúng thanh tịnh.
2. Linh Tăng hoan hỉ: Vì tu hành phạm hạnh nên thiện tâm Tăng trưởng khiến được hoan hỉ đối với nhau.
3. Linh Tăng an lạc: Vì hoan hỉ được an lạc nơi thiền định, trong tự tâm.
4. Linh vị tín giả tín: Khiến người chưa có lòng tin Tam Bảo, thấy chư Tăng tu hành phạm hạnh mà sinh lòng tin.
5. Dĩ tín giả linh tăng trưởng: Đối với người đã tin rồi khiến lòng tin của họ tăng trưởng.
6. Nan điều giả linh điều thuận: Người khó điều phục khiến họ được điều thuận.
7. Tàm quí giả đắc an lạc: Khiến người biết hỗ thẹn được an vui.
8. Đoạn hiện tại hữu lậu: Vì đoạn diệt phiền não ở hiện tại.
9. Đoạn vị lai hữu lậu: Vì đoạn diệt hết phiền não ở vị lai.
10. Linh chánh pháp cửu trụ: Vì tu phạm hạnh mà chánh pháp được tồn tại lâu dài.
Thượng tọa giải thích về pháp "Tự tứ" sau mùa An cư kiết hạ. “Tự tứ” cũng có nghĩa là tùy ý, thỏa thích. Thượng tọa rất đề cao pháp tự tứ, vì nếu sống đúng với tinh thần này Tăng đoàn hết sức vui vẻ, chư Tăng Ni sẽ vô cùng an ổn.
Thượng tọa cho rằng người Tu sĩ ở bất cứ thời đại nào cũng không được xem thường những oai nghi nhỏ nhít vì nó hết sức quan trọng. Đây là điều kiện đầu tiên để người khác tìm đến với Đạo Phật. Thí như sự phát khởi tín tâm của Tôn giả Xá Lợi Phất với Phật giáo là qua oai nghi của Tôn giả Mã Thắng. Nếu chư Tăng đều có được oai nghi như vậy thì sợ gì không được người đời tôn kính. Vì vậy chúng ta phải hết sức cẩn trọng.
Thượng tọa dành thời gian nói về những tướng tội của ngũ thiên giới luật cũng như sự khác biệt giữa Thinh Văn giới và Bồ tát giới.
Giới Bồ Tát khác giới Thinh Văn ở chỗ thực hành Tam tụ Tịnh giới (Nhiếp luật nghi, Nhiếp thiện pháp và Nhiêu ích hữu tình). Bố tát giới là tâm giới hay đạo đức con người.
Thượng tọa cho rằng người thực hành Bồ tát giới là hình mẫu lý tưởng tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Giới Bồ tát điều chỉnh lại những điều bất cập của giới Thinh văn cho phù hợp với thời đại và quốc độ.
Nhìn chung giới luật Phật chế là để làm đẹp cuộc đời, làm an vui cho số đông.
Cuối buổi thuyết trình, Thượng tọa Thích Quảng Lộc - Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang cũng thay mặt Ban Trị sự GHPGVN tỉnh dâng lời cảm niệm công đức đến Thượng tọa Thích Giác Dũng đã dành thời gian để chia sẻ những điều quan trọng trong Giới luật Đức Phật chế định, giúp cho chánh pháp cửu trụ mãi nhân gian, làm an lạc cuộc đời.
Như Tùng - Trung Thượng