Tiểu sử Ni trưởng Thích Đàm Tuất

Nghe đọc bài:

TIỂU SỬ

CỐ NI TRƯỞNG THÍCH ĐÀM TUẤT, ĐẠO HIỆU CẦN TRỰC 

(1958 – 2024)

- Nguyên Uỷ viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình, 

- Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh, 

- Nguyên Chánh Ban Đại diện Phật giáo huyện Đông Hưng, 

- Nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Đông Hưng, 

- Trụ trì chùa Phúc Lâm, thôn Đông Đô, xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

 

1. Thân thế:

Ni trưởng Thích Đàm Tuất thế danh là Hoàng Thị Tuất sinh năm Mậu Tuất (1958).Ni trưởng là người con gái thứ 6 trong một gia đình có truyền thống Phật giáo ở tại thôn Khả Cảnh, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Thân phụ là cụ ông Hoàng Văn Roãn, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Ngắn. Gia đình có 12 anh chị em, năm trai, bảy gái.

Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Dục và Thượng toạ Thích Thanh Hoà trao Giáo chỉ tấn phong Giáo phẩm cho Ni trưởng

2. Thời kỳ xuất gia học đạo:

Do cả gia đình đều thờ Phật, nên Ni trưởng sớm bén duyên lành với ngôi Tam Bảo. Ngay từ khi còn nhỏ Ni trưởng đã biết theo mẹ ra chùa lễ Phật và quy y Tam Bảo với cố Ni trưởng Thích Đàm Thành, trụ trì chùa Khả Cảnh, thôn Khả Cảnh, xã Hồng Tiến. Dưới sự hướng dẫn của cố Ni trưởng trụ trì chùa Khả Cảnh, năm 1965 khi vừa tròn 7 tuổi, duyên lành đã chín, Ni trưởng đã xin bố mẹ đi xuất gia cầu đạo. Được bố mẹ đồng ý, Ni trưởng đã đến học đạo xuất gia với cố Ni trưởng Thích Đàm Tỵ trụ trì chốn Tổ chùa Cổ Am thôn Cổ Am, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. 

 

Năm 1968, sau ba năm chấp tác, ngày đêm miệt mài chấp lao phục dịch, hầu cận bên Thầy, sớm khuya nỗ lực kiên trì, tinh chuyên đạo hạnh, làm tròn bổn phận người đệ tử, cố Ni trưởng chùa Cổ Am nhận thấy Ni trưởng là người có tâm nguyện dũng mãnh xuất gia, tâm tính đã thuần thục, nên Ni trưởng đã được Thầy Nghiệp sư trụ trì chùa Cổ Am cho hạ đao thế phát xuất gia khi vừa tròn 10 tuổi. 

 

Được thế phát xuống tóc rồi, Ni trưởng lại tinh tấn học các pháp uy nghi, thanh quy thiền gia, thường tỉnh giác chính niệm trong tứ uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Ngày ngày tu học, chấp lao, chăm nom chùa chiền, “Thượng Tam Bảo, hạ trù táo”.

 

Đầu năm 1974 khi vừa tròn 16 tuổi, Ni trưởng được đăng đàn thụ giới Sa di ni. Trải qua 16 năm thử thách, tu học không mệt mỏi, một thắng duyên đến, Ni trưởng được chư Tăng cho đăng đàn thụ cụ túc giới vào năm 1981 tại chùa Thánh Long phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình do cố Ni trưởng Thích Đàm Hợp trụ trì chốn Tổ chùa Tống Vũ làm Hòa thượng đàn đầu. 

 

3. Thời kỳ hành đạo:

Năm 1987, nhân dân Phật tử xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng khát ngưỡng công đức của Ni trưởng, đã cảm thỉnh Ni trưởng về tu tập, trông nom tín ngưỡng tại chùa Phúc Lâm (chùa Rèm). Đáp lại nguyện vọng của nhân dân tín đồ Phật tử xã Hồng Giang và được sự cho phép của thầy Nghiệp sư, tháng 11 năm đó, Ni trưởng đã chính thức về trụ trì tại chùa Phúc Lâm, thôn Đông Đô, xã Hồng Giang cho tới ngày nay. Ngôi chùa Phúc Lâm xã Hồng Giang, từ một phế tích hoang tàn chỉ có cỏ hoang mọc cùng với ngôi già lam dột nát, trải qua thời gian với sự cần mẫn siêng năng trong tu tập, hành đạo cũng như chấp tác lao động hết mình, Ni trưởng đã chắt chiu cùng với nhân dân tín đồ Phật tử địa phương người hằng sản, người hằng tâm, đóng góp xây dựng chốn già lam trang nghiêm tố hảo, phục vụ nhu cầu lễ bái học đạo của nhân dân Phật tử địa phương cũng như khách thập phương. Cũng trong thời gian này, do nhu cầu của nhân dân Phật tử, Ni trưởng đã về trợ duyên và kiêm nhiệm trụ trì hướng dẫn tu học và phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân Phật tử các chùa trên địa bàn huyện Đông Hưng như: chùa An Lễ, chùa Khánh Long (xã Liên Hoa), chùa Đồng Phú (xã Minh Phú), xã Liên Hoa chùa Phù Linh (xã Hồng Bạch) mời về trụ trì để hướng dẫn các sinh hoạt tín ngưỡng, tu học và quy hoạch xây dựng, trùng tu chùa cảnh.   

 

Năm 2013, cố Ni trưởng chùa Cổ Am viên tịch. Ni trưởng lại được sơn môn pháp phái giao trọng trách về trông nom đèn hương phụng Phật tại chốn Tổ. Ni trưởng đã cùng với nhân dân Phật tử thôn Cổ Am tôn tạo, tu sửa lại chùa cảnh ngày càng to đẹp hơn xưa. 

 

Với vai trò của một người trụ trì - sứ giả của Như Lai, Ni trưởng vẫn luôn giữ mình trong phạm hạnh thanh tịnh của người đệ tử Phật. Đối với tự thân thì khắc kỷ, đối với người thì rộng lượng bao dung. Luôn từ bi, khoan hòa, nhã nhặn, đãi nhân, tiếp vật, mẫn niệm độ sinh, cần cù siêng năng hành trì, lễ niệm, tăng trưởng các hạnh lành, lánh xa các điều ác. 

 

Bên cạnh đó, Ni trưởng còn giúp tín đồ, nhân dân, Phật tử quy y Tam Bảo, thỉnh các quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức giảng sư về hướng dẫn giảng giải cho nhân dân phật tử địa phương hiểu được Chính pháp, hiểu được giáo lý nhân quả, biết  làm lành lánh ác, xa rời con đường mê tín dị đoan, góp phần làm cho Phật pháp tại địa phương ngày một hưng long. Thông qua đó giúp đời sống văn hóa, đạo đức của dân thôn ngày một phát triển. 

Ni trưởng chụp ảnh lưu niệm cùng chư tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Tăng Ni hành giả an cư trường hạ cơ sở 3 - chùa Báo Ân

4. Tham gia công tác Phật sự của Giáo hội và xã hội:

Để tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, trước sự ân cần cầu thỉnh của các giới tử và sự phân công của Ban Trị sự, Ni trưởng đã tham gia làm Thầy giới sư của các Giới đàn truyền trao giới Sa di Ni, Thức Xoa và Tỷ Khiêu Ni năm 2014, 2016, 2018, 2021 do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình tổ chức tại chùa Thánh Long (trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh).

 

Trong thời gian về trụ trì tại chùa Phúc Lâm, Ni trưởng đã tiếp độ, hạ đao thế phát xuất gia cho 10 đệ tử. Các đệ tử được Ni trưởng tiếp dẫn cho thụ giới cụ túc và cho theo học ở các trường Trung cấp và Học viện Phật giáo. Đến nay, quý Thầy đều đã trưởng thành đi trụ trì và hành đạo ở các chốn trụ xứ trong và ngoài huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. 

 

Ni trưởng cũng đã hướng đạo cho ba thiện nam tử có duyên cầu đạo, sau này nương vào các chốn Tổ Tăng xuất gia thụ giới Tỷ - khiêu trở thành những vị Thầy đạo hạnh, có những cống hiến đóng góp cho xã hội và Giáo hội. 

Ni trưởng thường được cung thỉnh vào hàng Tôn chứng Tăng già, Giáo thụ A-xà-lê tại các Đại Giới đàn do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình tổ chức tại chùa Thánh Long

Suốt chặng đường mấy chục năm hành đạo, Ni trưởng luôn sống theo phương châm “tốt đạo đẹp đời”, làm lợi cho đạo, làm đẹp cho đời. Khi được Tăng sai, Ni trưởng đã tham gia Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Thái Bình (nay là Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình); Chánh Ban Đại diện Phật giáo huyện Đông Hưng (nay là Ban Trị sự GHPGVN huyện Đông Hưng) ba nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1992 đến năm 2007 để triển khai các công tác Phật sự, hoằng pháp; tham gia Ban Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Thái Bình 2 khóa (từ năm 2016 đến nay). Được sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân, Ni trưởng cũng tham gia 2 khóa làm đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Đông Hưng từ năm 1997- 2007, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đông Hưng, xã Hồng Giang nhiều năm liền. Ở trên mỗi vị trí, dù là đạo hay đời, nhưng Ni trưởng luôn đặt sự cống hiến lên hàng đầu, luôn lấy đức lục hòa để đối nhân xử thế. Nhờ vậy mà các công việc Phật sự cũng như các công việc thế sự, Ni trưởng tham gia đã có những đóng góp tích cực đối với đạo pháp và dân tộc. 

 

Để ghi nhận những đóng góp của Ni trưởng đối với Đạo pháp và dân tộc, năm 2017, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Ni trưởng đã được Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni sư. Trong khoá an cư kết hạ năm 2023, Ni trưởng đã được đón nhận Giáo chỉ của Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN tấn phong Người lên hàng Giáo phẩm Ni trưởng. Ngoài ra, Ni trưởng còn được đón nhận Bằng Tuyên dương Công đức của các cấp Giáo hội, nhiều Bằng khen, Giấy khen khác nhau của chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các ban ngành đoàn thể. Chùa Phúc Lâm nơi Ni trưởng gắn bó gần 40 năm tu tập và hành đạo luôn đạt danh hiệu “chùa cảnh bốn gương mẫu”. 

Ni trưởng đối thú an cư trong khoá an cư kết hạ năm 2023

5. Thời kỳ lâm bệnh và viên tịch:

Năm 2023, sau khóa an cư kết hạ, khi biết mình mang bệnh trọng nhưng Ni trưởng vẫn không thoái chí nản lòng, nỗ lực công phu tu tập, tụng kinh niệm Phật và làm các Phật sự tại chốn trụ xứ, phục vụ tín ngưỡng, cũng như hướng dẫn bà con nhân dân Phật tử tu tập theo con đường Chính pháp. Nhưng “sinh có hẹn, tử bất kỳ”, “sinh lão bệnh tử, xưa nay lẽ thường”, thuận theo quy luật vô thường của vạn vật, sau khi hoá duyên đã mãn, Ni trưởng đã nhẹ nhàng xả báo an tường, trả lại tấm thân tứ đại, trở về nơi an dưỡng địa vào hồi 13h40, ngày 21 tháng 08 năm 2024 (tức ngày 18 tháng 07 năm Giáp Thìn). Trụ thế 67 năm, hạ lạp 43 năm. Thế là:

Trút hơi thở cuối nhẹ tợ lông,
 Trần thế còn chi để bận lòng.
      Làm đóa sen vàng nơi cõi Phật,
         Sa Bà hạnh nguyện đã tròn xong”.

 

Cuộc đời phạm hạnh của Ni trưởng thực sự là một tấm gương sáng Thiền gia cho môn đồ đệ tử, Phật tử xa gần và tín chúng noi theo. Cả cuộc đời phạm hạnh ấy, Ni trưởng đã hết mình cống hiến cho Đạo pháp và dân tộc. Sự ra đi của Ni trưởng là một sự tổn thất lớn cho Giáo hội, sơn môn, đệ tử, môn đồ, pháp quyến, nhân dân Phật tử địa phương cũng như Phật tử thiện nam tín nữ xa gần. Xin thành kính tiễn biệt Ni trưởng. 

 

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Tác Đại Chứng Minh. 

Nam mô Phúc Tiến Tháp, Ma Ha Tỷ Khiêu Ni giới Hoàng Tộc tính pháp huý Thích Đàm Tuất Đạo hiệu Cần Trực Giác Linh thuỳ từ chứng giám.

 

Download Android Download iOS
Ninh Bình: Chùa Bái Đính tưởng niệm 13 năm ngày viên tịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927-2011) – bậc cao tăng thạc đức,thành viên Hội đồng Chứng minh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Viên trưởng sáng lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, nguyên Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam, nguyên Trụ trì chùa Bái Đính và nhiều trọng trách quan trọng khác trong GHPGVN. Ngài đã dành tr

Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Thiểu dục tri túc - Một góc nhìn về chủ nghĩa tiêu thụ và bảo vệ môi trường của Phật giáo

PSO - Thiểu dục tri túc là phương pháp giáo dục tinh thần cũng như là một nếp sống mà Phật giáo đã xây dựng và thực hành trong hàng ngàn năm qua. Thông qua việc giáo dục về lòng tham cùng lòng biết ơn mà ở đó người con Phật thực hành trừ bỏ lòng tham, nuôi dưỡng biết ơn với những gì mình có, tận dụng và sử dụng chúng hợp lý.

Cà Mau: Hai đôi bạn trẻ về chùa Kim Sơn làm lễ Hằng thuận

Sáng nay, ngày 01/12/2024, tại chùa Kim Sơn (TP. Cà Mau) đã diễn ra lễ Hằng thuận cho 2 đôi bạn trẻ: Nguyễn Dũng Liêm sánh duyên cùng Trần Hồng Phỉ và Vũ Nhật Quyết sánh duyên cùng Nguyễn Thị Nga.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online