PSO - Tổ đình Nam Trung – Tịnh xá Ngọc Tòng là một trong những ngôi già lam cổ kính của Phật giáo Khất sĩ Nam Trung bộ và là trụ sở Văn phòng trung tâm của giáo đoàn III Hệ phái Khất sĩ, khu vực Trung phần Cao nguyên - Duyên hải.
Tịnh xá tọa lạc tại thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây nổi tiếng với những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, biển xanh cát trắng và hàng dừa nghiêng bóng bên bờ biển trải đầy nắng của vùng Duyên Hải.
Tất cả các Tự viện của Hệ phái Khất sĩ đều mang tên là “Tịnh xá”. Danh từ này dịch từ tiếng Phạn “vihāra” có nghĩa là một trú xứ thanh tịnh, u tịch là nơi ở của các vị Sa-môn, Bà-la-môn.Tổ đình Nam Trung - Tịnh xá Ngọc Tòng và Tịnh Độ Ni Giới là 3 công trình kiến trúc tâm linh của Phật giáo Khất sĩ nằm trên Quốc lộ 1A cách TP. Nha Trang gần 10km về phía Bắc. Công trình được thiết kế và xây dựng liền nhau trên khu đất khá đẹp hơn 1ha tại chân núi Hoàng Vũ, TP. Nha Trang.
Tịnh xá Ngọc Tòng có vị trí đắc địa tọa Tây hướng Đông. Phía sau Tịnh xá dựa vào dãy núi Hoàng Vũ và phía trước là Quốc lộ 1A, tuyến giao thông huyết mạch của đất nước. Hướng ra xa là biển Nha Trang, một trong những bãi biển đẹp trên bản đồ du lịch thế giới.Hòa thượng trụ trì Thích Giác Phùng cho biết, năm Bính Ngọ (1966), khi Đức Thầy Giác An cùng chư Tăng hệ phái hành đạo đến vùng dân cư dưới chân núi Hoàng Vũ đã thấy nơi đây là vùng đất linh thiêng với thế tọa sơn hướng thủy nên Đức Thầy và chư Tăng cho xây dựng ngôi Tịnh xá, kiến lập đạo tràng để dạy Phật pháp cho cư gia bá tánh tu học.
Một trong những hoạt động từ thời Đức Phật tại thế còn được tăng đoàn Hệ phái Khất sĩ duy trì cho đến ngày nay là đi khất thực.
Từng đoàn Chư Tăng đi khất thực đã gợi lại những hình ảnh về pháp tu tha phương cầu đạo hay tha phương hóa đạo của Đức Bổn sư nhằm giáo hóa nhận thức và phép bố thí cúng dường cho hàng Phật tử tại gia cũng như tạo duyên lành cho nhân dân bá tánh có một đời sống thiện lành.
Đã có nhiều thiện nam tín nữ quy y tam bảo, khởi phát thiện tâm cúng dường đất đai để kiến tạo tu sửa ọacho ngôi Tịnh xá được mở rộng.
Đến nay, Tịnh xá đã trải qua các thời kỳ trụ trì của Thượng tọa Giác Phất - Trụ trì đời thứ 2; Thượng tọa Giác Liên - Trụ trì đời thứ 3; Thượng tọa Giác Sự - Trụ trì đời thứ 4; Trưởng lão Giác Phải - Trụ trì đời thứ 5 và hiện nay Hòa thượng Giác Phùng - Trụ trì đời thứ 6 của Tịnh xá.
Từ khi mới thành lập, Tịnh xá Ngọc Tòng được xây dựng bằng vật liệu tranh tre đơn sơ. Qua các giai đoạn được trùng tu, mở rộng và kiến thiết, đến nay Tịnh xá đã là một quần thể kiến trúc tâm linh với các công trình hiện đại uy nghiêm mà vẫn giữ được những đường nét của truyền thống Phật giáo Khất sĩ.
Từ đường Quốc lộ 1A nhìn vào ngôi Tịnh xá sẽ thấy 3 cổng lớn riêng biệt. Ở giữa là cổng vào Tổ đình Nam Trung, nơi được đặt làm văn phòng của Giáo đoàn III Hệ phái. Bên tả là cổng vào Tịnh xá Ngọc Tòng nơi chư Tăng tu học và hành đạo. Bên hữu là lối vào Tịnh Độ Ni Giới, dành riêng cho chư Ni sinh hoạt tu học.
Bên ngoài tường bao của Tịnh xá có các biểu tượng trang trí đặc biệt như: Con thuyền tri thức, cánh chim hòa bình, bản đồ Việt Nam khắc trên đá với hình ảnh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các họa tiết tranh điêu khắc trên đá mang ý nghĩa về nhân sinh quan, truyền thống của Phật giáo nói chung và Hệ phái Khất Sĩ nói riêng. Đây là những điểm nhấn của một quần thể kiến trúc tâm linh đặc trưng của Hệ phái.
Các bức tường bên trong tịnh xá đều có tranh khắc họa những chủ đề Phật pháp nhập thế và lịch sử của Hệ phái trong suốt quá trình thành lập và phát triển qua từng giai đoạn. Khi chiêm ngưỡng những bức phù điêu, họa tiết trang trí trong Tịnh xá, chúng ta cảm thấy như được sống trong thời Đức Phật còn tại thế bởi sự linh thiêng mà ấm áp, tôn kính mà gần gũi nơi đây.
Tổ đình Nam Trung được thiết kế xây dựng kiểu tiền đường hậu tẩm. Cổ lầu có chiều dài 20m và chiều rộng 15m. Bảo điện Quán Thế Âm Bồ tát với tôn tượng cao 3m và Đại Hồng Chung nặng hơn một tấn với chiều cao 1,50m, đường kính 1.20m. Trên bề mặt đại hồng chung có trạm trổ những họa tiết truyền thống văn hóa dân tộc với các thông điệp gửi tới thế hệ mai sau.
Ngôi Chánh điện Tịnh xá được xây dựng theo kiểu truyền thống Hệ phái với khối hình bát giác là nơi thờ Đức Phật Thích Ca. Nhà Tổ thờ Tổ sư Minh Đăng Quang cùng các công trình như: nhà khách, khu nhà Tăng, Trai đường và công trình phụ.
Khuôn viên Tịnh xá được thiết kế hài hòa với các ngôi Bảo tháp, công trình Đức Phật Chuyển pháp luân, vườn Lâm-tỳ-ni xen kẽ trong không gian cây xanh gần gũi với thiên nhiên toát lên vẻ thanh tịnh mà trang nghiêm.
Tịnh xá Ngọc Tòng là ngôi đạo tràng cuối cùng do Trưởng lão Giác An thành lập. Trên bước đường vân du hành đạo, Đức Thầy Giác An đã kiến tạo nên Giáo đoàn III Hệ phái Khất sĩ.
Tất cả các công trình xây dựng đều có nét hoa văn chạm khắc tinh xảo, màu sắc hài hòa giữ được nét truyền thống của Hệ phái. Nội dung trên đó mang nhiều ý nghĩa nhân văn nhằm gìn giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc và nhắn gửi thông điệp tới thế hệ mai sau.Do địa thế ở vị trí đắc địa là trung tâm của các tỉnh duyên hải miền Trung nên Tịnh xá Ngọc Tòng được Đức Thầy chọn làm Tổ đình Nam Trung của Giáo đoàn III để chư Tăng Ni trong Giáo đoàn tu tập và là nơi diễn ra các hoạt động Phật sự chung. Hàng năm Chư Tăng Ni tập trung an cư kiết hạ tại đây để trau dồi giới pháp và từ đó Hoằng pháp lợi sanh, ban vui cứu khổ.
Kể từ năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chư Tôn đức trong Giáo đoàn bổ nhiệm Hòa thượng Giác Phùng về trụ trì Tịnh xá Ngọc Tòng để ổn định và phát triển Phật pháp cho cả Giáo đoàn III nói chung và Tịnh xá nói riêng. Hiện nay tại Tịnh xá Ngọc Tòng có hơn 10 chư Tăng và Tịnh Độ Ni Giới có khoảng 20 chư Ni đang tu tập tại đây.
Tịnh xá Ngọc Tòng – Tổ đình Nam Trung – Tịnh Độ Ni Giới, trụ sở văn phòng Giáo đoàn 3 là một trong những công trình tâm linh tôn giáo đặc trưng và điển hình của Hệ phái Khất sĩChốn thiền môn thanh tịnh này sẽ là điểm đến tâm linh và nơi tu tập lý tưởng cho chư Tăng Ni và hàng Phật tử cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ mai sau.
PV: Tronghaitb