Tp.HCM: Sáng 9-11, Tổ đình Vạn Thọ, Q.1, TP.HCM đã trang nghiêm tổ chức lễ vía Tổ sư Đạt Ma. Chứng minh và tham dự có HT.Thích Thanh Sơn, Viện chủ tổ đình Vạn Thọ, trưởng môn phái Thiếu Lâm chùa Vạn Thọ; HT.Thích Thanh Hùng, Trưởng Ban HDTP T.Ư-GHPGVN. TT.Thích Minh Quang, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Q1, cùng chư tôn đức, các võ sư đại diện các môn phái, lãnh đạo chính quyền, các võ sinh Thiếu Lâm chùa Vạn Thọ và Phật tử trên địa bàn Q.1 về tham dư.
Buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm, sau thời khóa cúng Phật tại chính điện, chư Tôn đức cùng toàn thể đại chúng đã vân tập về Tổ đường, cùng ôn lại công hạnh Tổ sư, đảnh lễ Tổ sư.
Về lịch sử Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma là người tu Thiền định, chín năm quay mặt vào vách không nói; là người truyền bá và sáng lập ra Thiền học và Võ thuật tới Trung Hoa. Tổ Đạt Ma đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa, giàu sang để đi tu, nhờ khả năng giác ngộ cao, ngài đã trở thành vị tổ thứ 28, đi khắp nơi trên thế giới để truyền giáo Đạo Phật, giúp những người đau khổ có thể hóa giải nỗi buồn đau, tin vào chính bản thân mình.
Tại lễ giỗ, HT. Thích Thanh Sơn cung tuyên hành trạng Tổ sư: “Tổ Bồ Ðề Đạt Ma tên thật là Bồ Ðề Ða La (Bodhi Tara), con thứ ba của vua Chí Vương, thuộc dòng Sát Ðế Ly, nước Quốc Hương, Nam Thiên Trúc (vùng cao nguyên Dekkan), thuộc phía nam Ấn Ðộ.
Bồ Ðề Đạt Ma là pháp hiệu, được đặt khi bái sư với ngài Bát Nhã Ða La (Prajanatra), một tổ sư Thiền tông đời thứ 27 của Ấn Ðộ. Bồ Ðề Đạt Ma được sư phụ truyền thụ y bát, để kế thừa nhiệm vụ Tổ Thiền tông Ấn Ðộ đời thứ 28. Ðể thực hiện lời di huấn của thầy mình, vào năm 517, Tổ sư Bồ Ðề Đạt Ma từ giã Ấn Ðộ, dùng thuyền vượt biển, trong ba năm, đến Quảng Châu (Trung Hoa) vào ngày 21-9-520 (Canh Tý), triều Lương Võ Ðế, niên hiệu Phổ Thông thứ bảy. Sau đó Ngài từ giã cung Kim Lăng, vượt sông Dương Tử, qua vùng Bắc Giang, nhập cảnh nước Ngụy, đến Lạc Dương, dừng chân tại chùa Thiếu Lâm, thuộc núi Tung Sơn, vào ngày 23-11-520 (Canh Tý) đời Hậu Ngụy, vua Hiếu Minh Ðế, niên hiệu Chánh Quang Nguyên. Tại Thiếu Lâm tự, Ngài ngồi im lặng, mặt hướng về vách đá để tham thiền nhập định. Người đời lúc bấy giờ gọi Ngài là Bích Quán Bà-la-môn, nghĩa là thầy Bà-la-môn ngồi nhìn vách (theo Cao Tăng truyện). Trong chín năm (9) “Diện bích tham thiền”, Ngài đã tiếp độ và truyền y bát cho Nhị Tổ Huệ Khả (tức Thần Quang). Sau đó lần lượt được kế thừa đến vị Lục Tổ thứ sáu (6). Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma viên tịch trong lúc ngồi tham thiền nhập định năm 529. Nhục thân được an táng tại chùa Ðinh Lâm, núi Hùng Nhĩ, sau đó bài vị được thờ tại chùa Thiếu Lâm (theo sách Bích Nham Lục). Sau đây là bia văn của Lương Võ Ðế tưởng niệm ngài: “Thấy như chẳng thấy. Gặp như chẳng gặp. Ðối mặt như chẳng đối mặt. Xưa đâu? Nay đâu? Oán bấy! Hận bấy!””
Trong suốt 30 năm qua, năm nào ngày giỗ của Ngài, tổ đình Vạn Thọ đều tổ chức lễ giỗ Tổ nhằm mục đích cho chư Tăng bổn tự và các phật tử hiểu tổng quát về cuộc đời của Tổ, sau là phải hiểu rõ pháp môn Thiền tông để tu học và cầu nguyện cho khắp pháp giới chúng sinh đều được nương theo từ lực Tam Bảo mà luôn sống an vui, hạnh phúc.
Buổi lễ kết thúc viên mãn lúc 12g00 cùng ngày, trong tinh thần kính ngưỡng tổ sư trong quá trình xiển dương Đạo Phật đến vùng Châu Á.
Bài & ảnh : Sư Chon Minh Phóng viên PSO Thành viên BBT . Phatsuonline