PSO - Sáng ngày 24/11/2024 (nhằm ngày 24/10 năm Giáp Thìn), Ban Hoằng pháp Phật giáo Thành phố tổ chức khoá tu Một ngày an lạc lần thứ 59 tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP.HCM) với chủ đề “Vai trò người nữ trong Phật giáo”.
Khóa tu diễn ra dưới sự chứng minh của Ni trưởng Tiến sĩ Thích Nữ Huệ Liên - Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ, Phó khoa Hoằng pháp Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Thành viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, trụ trì tịnh xá Ngọc Hòa tại TP.HCM; Ni sư Tiến sĩ Thích Nữ Như Nguyệt - Ủy viên Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế TƯ, Ủy viên BTS GHPGVN TP. HCM, Phó Thư ký PBNG GHPGVN TP. HCM, Phó ban Quản viện Ni Học viện PGVN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo.
Phật giáo với tinh thần từ bi và bình đẳng, đã ghi nhận vai trò quan trọng của người nữ từ thời Đức Phật còn tại thế. Trong lịch sử, Đức Phật đã khẳng định rằng mọi người, không phân biệt giới tính, đều có khả năng đạt được giác ngộ nếu người nữ thực hành đúng chánh pháp.
Một trong những cột mốc đáng chú ý là sự thành lập Ni đoàn (Bhikkhunī Sangha), nơi người nữ được phép xuất gia, trở thành Tỳ kheo Ni, và có cơ hội thực hành giáo pháp của Đức Thế Tôn. Những Tỳ kheo Ni như Thánh Tổ Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahāpajāpatī Gotamī) đã chứng minh khả năng lãnh đạo, sự uyên thâm và lòng từ bi của người nữ trong việc truyền bá Phật pháp.
Ngày nay, vai trò của người nữ trong Phật giáo càng được khẳng định mạnh mẽ. Người nữ không chỉ tham gia tích cực trong việc nghiên cứu và giảng dạy giáo pháp, mà còn dẫn đầu nhiều phong trào từ thiện, mang ánh sáng Phật pháp đến những nơi cần sự trợ giúp. Sự hiện diện và cống hiến của người nữ trong cộng đồng Phật giáo là minh chứng sống động cho tinh thần bình đẳng và giá trị nhân bản mà Đức Phật đã truyền dạy.
Tiếp đến, Ni sư Tiến sĩ Thích Nữ Như Nguyệt thuyết giảng vai trò người cư sĩ trong Phật giáo, Ni sư chia sẻ thêm, người Phật tử phải luôn có niềm tin vững chắc với Tăng chúng, hộ trì Tam bảo, bảo vệ uy tín Tăng chúng, quan tâm đến sự thịnh suy Phật pháp và có chánh kiến học và hành trì cũng như tạo lập đạo tràng tu tập như Cấp cô Độc và Nữ Thí chủ Visakha, Sugiata, Phật tử Thuần Đà, vua Bình Sa Vương, thực tập đúng giáo pháp Phật tử dự vào dòng Thánh Sơ quả.
Mở đầu buổi giảng, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Liên đã nói lên vai trò của người nữ trong Phật giáo, đề cập đến Thí chủ ViSakha. Đức Phật dạy bản chất cuộc đời là khổ. Tam khổ và Bát khổ, biết rõ nguyên nhân khổ, tìm Phương pháp chấm dứt khổ là 37 phẩm trợ đạo.
Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ đề phần, Bát chánh đạo. Chánh kiến thực tập sẽ chấm dứt lậu tận thành tựu Niết bàn.
Chiều cùng ngày tại Khoá tu Một ngày An lạc lần thứ 59 Ban tổ chức có buổi Pháp đàm do chư Tôn đức Ni đoàn giảng sư tham dự: Ni sư Thích Nữ Thánh Tâm, Ni sư Thích Nữ Như Định, Sư cô Thích Nữ Liên Thảo, Sư cô Thích Nữ Hòa Nhã, Sư cô Thích Nữ Huệ Liên, Sư cô Thích Nữ Tuệ Nhã.
Tại khóa tu, giảng sư đã lắng nghe và chia sẻ thêm kinh nghiệm về những câu hỏi được Phật tử tham dự đặt ra, sao đó tuần tự chư Tôn đức Ni giảng sư đã chia sẻ xoay quanh với chủ đề “Vai trò người nữ trong Phật giáo”. Cũng như kể lại những những câu chuyện từ khi Đức Phật còn tại thế, thông qua đó chư Tôn đức Ni cũng nhắc lại những ý nghĩa và đã trích dẫn nhiều câu chuyện, những bài học gần gũi xung quanh đời sống, qua đó phân tích, diễn giải giúp cho hàng Phật tử biết nương tựa vào giáo lý của chư Phật để tu tập cho đúng chánh Pháp.
Lâm Huy