PSO - Sáng ngày 20/06/2024 (nhằm 15/05/2024 Giáp Thìn) tại tịnh nghiệp đạo tràng Chùa Bình An, 4305/1 Nguyễn Cửu Phú, phường Tân Tạo A, Q. Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Trang nghiêm tổ chức lễ Bố Tát thính giới kỳ 2 trong mùa An cư Kiết hạ PL. 2568, với sự tham dự của chư Tôn Đức Ban Chức sự trường hạ cùng 90 chư hành giả An cư.
Y cứ truyền thống giới luật, trong ba tháng an cư, mỗi nữa tháng tất cả chư hành giả cùng tập trung một trú xứ để Bố Tát tụng giới, nhằm thúc liễm thân tâm, tấn tu tam vô lậu học.
Nghi thức Bố tát thính giới còn là dịp để chư vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni cùng nhau đọc tụng lại giới bổn, nhớ lại những giới điều mà Đức Phật đã chỉ dạy. Qua đó, mỗi vị sẽ tự quán xét, kiểm điểm lại bản thân mình. Nếu có gì sai phạm thì sám hối và cố gắng sửa đổi; nếu đã giữ gìn giới luật nghiêm minh thì cứ vậy mà phát huy.
.
Lễ Bố-tát tụng giới rất quan trọng đối với tăng đoàn, thường được tổ chức vào những ngày định kỳ của mỗi nửa tháng, gọi là ngày Sóc và Vọng (mười bốn, mười lăm và ba mươi, mồng một âm lịch trong mỗi tháng, tùy thuộc vào thời điểm chính xác của mặt trăng mới và đầy đủ của hai tuần trăng).
Nhân duyên Phật quy định như vậy là vì, khi Đức Phật cho phép đọc tụng giới bổn, nhiều vị Tỷ-kheo khởi lên ý nghĩ rằng, hay ta nên đọc tụng giới bổn vào mỗi ngày… và ba lần trong nửa tháng. Đức Phật quy định, không nên tụng đọc giới bổn trong mỗi ngày… và ba lần trong nửa tháng, vị nào tụng thì phạm tội Dukkata (Đột-cát-la). “Này các Tỷ-kheo, Ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một lần vào ngày mười bốn hoặc ngày mười lăm của nửa tháng”.
Tầm quan trọng của việc tuân thủ Bố-tát thuyết giới được thể hiện rõ trong Luật tạng Đại phẩm (Mahavagga). Đại đức Mahā Kappina, ở vùng ngoại ô của Vương Xá, sau khi đạt được quả vị A-la-hán, liền cho rằng dù tôi có đi tham dự lễ Bố-tát hay không thì tôi vẫn hoàn toàn thanh tịnh, nên cảm thấy không hứng thú để đi. Lúc đó Đức Phật trú tại tinh xá Trúc Lâm, biết được tâm niệm của Đại đức Mahā Kappina, Ngài liền biến mất khỏi tinh xá và đến trước mặt vị ấy, hỏi: “Nếu các ngươi là những người có phạm hạnh không trọng vọng, không cung kính, không sùng bái, không cúng dường lễ Uposatha thì còn ai sẽ trọng vọng, sẽ cung kính, sẽ sùng bái, sẽ cúng dường lễ Bố-tát nữa. Này người có phạm hạnh, ngươi hãy đi tham dự lễ Bố-tát, chớ có không đi. Ngươi hãy đi tham dự hành sự của hội chúng, chớ có không đi”. “Bạch Ngài, xin vâng”, Đại đức Mahā Kappina đáp lời Đức Thế Tôn. Câu chuyện trên cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện nghi lễ Bố-tát như thế nào. Ngay cả vị A-la-hán cũng không được miễn nghĩa vụ cộng đồng nói chung, và lễ Bố-tát nói riêng.
Hình ảnh ghi nhận:
Nguồn: tin,ảnh: Thích Nữ Tuệ Nguyên ( Đàm Phước )