PSO - Sáng ngày 30/03 (nhằm ngày 28/02 năm Nhâm Dần), tại chùa Vạn Đức (TP.Thủ Đức) Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tưởng niệm Húy kỵ lần thứ 8 cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, nguyên Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, nguyên Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
Quang lâm tham dự lễ tưởng niệm có Trưởng lão HT. Thích Giác Tường - UVTT HĐCM; HT. Thích Tịnh Hạnh, HT. Thích Như Tín - Đồng thành viên HĐCM; HT. Thích Thiện Pháp - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự TƯ; HT. Thích Thiện Tánh, HT. Thích Thiện Tâm - Đồng Phó Chủ tịch HĐTS; HT. Thích Thanh Hùng - UVTT HĐTS, Trưởng ban HDPT TƯ cùng chư Tôn Giáo phẩm HĐTS, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, TP.Thủ Đức; Tăng Ni các tự viện, môn đồ pháp quyến, Phật tử các giới cùng về tham dự.
Tại buổi lễ, HT. Thích Thiện Pháp thành kính cung tuyên tiểu sử, ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng.
Đại lão HT.Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc. Năm 1937, Đại lão Hòa thượng lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu thế độ xuất gia với Hoà thượng Hồng Xứng. Năm 1941, Ngài thọ Sa-di giới tại chùa Quốc Ân và được Hoà thượng Trí Độ đặt cho pháp hiệu là Trí Tịnh. Năm 1945, Ngài thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới tại chùa Long An, Sa Đéc.
Đại lão Hòa thượng được biết đến là một người dành hết cuộc đời cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh; Ngài cũng là bậc tôn túc đi đầu trong sự nghiệp chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo Việt Nam; đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài và Phật tử hữu danh làm tốt đời đẹp đạo; góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước.
Vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước, Đại lão Hòa thượng đã có công rất lớn trong việc thành lập và giảng dạy tại các Phật học đường miền Nam Việt Nam như: Phật học đường Phật Quang, Liên Hải, Phật học đường Nam Việt, Phật học viện Huệ Nghiêm, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm và Đại học Vạn Hạnh.
Trong trí nhớ của bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, Đại lão Hòa thượng được xem là Tam tạng đại sư của Phật giáo đại thừa Việt Nam. Trong quá trình hành đạo của mình, Ngài vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn nhiều bản kinh và sách bằng tiếng việt có giá trị lịch sử cho đến hôm nay và mai sau. Đồng thời, Đại lão Hòa thượng cũng được cử làm Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng thống (1973).
Là một thạch trụ tòng lâm của Phật giáo Việt Nam, với uy đức và giới hạnh trang nghiêm, Đại lão Hoà thượng được GHPGVN suy tôn lên ngôi vị Đệ nhất Phó Pháp Chủ kiêm giám luật HĐCM và suy cử đảm nhiệm Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN tại Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ II cho đến ngày viên tịch. Ngoài ra, Đại lão Hoà thượng cũng được cung thỉnh làm Hoà thượng Đàn đầu, Tuyên luật sư, Yết-ma A xà lê tại các Đại giới đàn lục tỉnh Nam bộ.
Trong không khí thiêng liêng, thắm thiết nghĩa tình linh sơn pháp lữ, chư Tôn giáo phẩm, chư Tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử, quan khách chính quyền thành kính đối trước di ảnh của Đại lão Hòa thượng để dâng hương cúng dường Giác linh, đảnh lễ tri ân công đức cao dày của Đại lão Hòa thượng đã dành cho Đạo pháp và Dân tộc. Đồng thời, đại chúng cùng tụng Bát-nhã tâm kinh cầu nguyện cho Giác linh Ngài cao đăng thượng phẩm, quả chứng vô sanh, bất vong nguyện lực, tái hiện ta bà, tùy duyên hóa độ.
Trước đó, chiều ngày 29/3, chư Tôn đức Giáo phẩm HĐCM, HĐTS đã quang lâm chùa Vạn Đức, dâng hương tưởng niệm. Nơi bảo tháp Phù Thi an vị thân tứ đại của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, chư Tôn đức đã đảnh lễ Giác linh Ngài và nhiễu tháp 3 vòng.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
PSO