Tại thiền viện Quảng Đức, Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, sáng nay ngày 1-4 (mùng 1-3 Nhân Dần), chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS đã trang nghiêm tưởng niệm húy kỵ lần thứ 38 Đệ nhất Chủ tịch HĐTS GHPGVN cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ và đồng hiệp kỵ chư Tôn tiền bối hữu công đã viên tịch.
Hiện diện tại lễ tưởng niệm có: Trưởng lão HT.Thích Tịnh Hạnh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tín, đồng thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch TT HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phật học VN; HT.Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương; cùng chư Tôn đức HĐTS, Trưởng các ban ngành viện, văn phòng 2 Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM và các Quận, Huyện.
Thay mặt Trung ương Giáo hội, HT.Thích Thiện Thống cung tuyên tiểu sử và đạo nghiệp của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, trầm hương quyện tỏa, trước di ảnh cố Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch HĐTS; chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng thành kính dâng hương cúng dường Giác linh, xướng lễ tưởng niệm 38 năm ngày Trưởng lão Hòa thượng viên tịch.
Sau đó, chư Tôn đức nhất tâm đảnh lễ Giác linh và tụng thời kinh Bát-nhã cúng dường và tri ân công đức to lớn của Ngài đã dành cho Đạo pháp và Dân tộc.
Nhị vị Trưởng lão Hòa thượng HĐCM, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS dâng trà cúng dường Giác linh Trưởng lão Hòa thượng.
Môn đồ tứ chúng kính đảnh lễ tri ân chư Tôn đức hiện diện chứng minh cho lễ húy kỵ của Tôn sư.
Theo tiểu sử, Trưởng lão Hòa thượng họ Nguyễn, úy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ. Sinh ngày 19.9 năm Kỷ Dậu (1909), tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm lên 17, Hòa thượng thực thụ xuất gia, đầu sư với Hòa thượng Thích Viên Thành tại chùa Trà Am – Huế, thụ giới cụ túc tại giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng năm 20 tuổi.
Là bậc xuất trần thượng sĩ, Ngài là người có công lớn trong cuộc chấn hưng và thống nhất Phật giáo Việt Nam. Sinh thời, cố Trưởng lão Hòa thượng dành nhiều tâm huyết trong việc đào tạo, giáo dục thế hệ Tăng Ni tài đức để tiếp nối mình để phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc.
Ngài từng đảm nhiệm các chức vụ: Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học Trung phần, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh, Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học (Nha Trang), Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống Nhất, Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ I, Ngài được suy cử làm Chủ tịch HĐTS GHPGVN cho đến ngày viên tịch.
Sinh thời, Trưởng lão Hòa thượng được cung thỉnh vào ngôi vị Hòa thượng đàn đầu cho nhiều đại giới đàn: Đại giới đàn tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang, đại giới đàn Quảng Đức – tổ đình Ấn Quang (Chợ Lớn),… Ngài thành lập Phật học viện Phổ Đà (Đà Nẵng), Viện Cao Đẳng Phật học (Nha Trang); xây dựng trường Tiểu học tư thục Bồ Đề tại Thành Nội Huế – mở đầu mạng lưới giáo dục tư thục Bồ Đề của Phật giáo, thành lập tại chùa Pháp Hội – Sài Gòn (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh), đại trùng tu tổ đình Ba La Mật, Báo Quốc (TT-Huế), khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam (Gò Vấp), xây dựng tổ đình Linh Quang (Quảng Trị),…
Một số tác phẩm dịch thuật và biên soạn của Ngài để lại gồm: Kinh Phổ Môn, Phổ Hiền, Mẹ hiền Quán Âm, Vô Thường, A-di-đà, Pháp môn tịnh độ, Bát Nhã…; Luật Tỳ-kheo, Luật Tứ phần, Nghi thức truyền giới Bồ-tát tại gia và thập thiện; Nghi thức Phật đản, nghi thức lễ sám buổi khuya. Trưởng lão là người chủ trương các tập san: Tin Phật, Bát Nhã…
Trưởng lão Hòa thượng xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 21 giờ 45 ngày 2-4-1984 (nhằm ngày 2-3-Giáp Tý), tại tu viện Quảng Hương Già Lam, trụ thế 76 năm, 56 hạ lạp. Nhục thân của Ngài được nhập Bảo tháp trong khuôn viên tu viện Quảng Hương Già Lam (Q.Gò Vấp, Tp.HCM).
Đăng Huy
https://phatsuonline.com/tu-vien-quang-huong-gia-lam-trung-uong-giao-hoi-thap-huong-tuong-niem-truong-lao-hoa-thuong-thich-tri-thu/