PSO - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khủng hoảng đạo đức và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng, câu hỏi "sống đạo đức là sống thế nào?" trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong bài viết “Sức Mạnh Của Lòng Từ Bi: Đạo Đức Ứng Dụng Trong Thế Giới Đầy Biến Động”, học giả Baishali Sarkar – Nghiên cứu sinh Phật học tại Đại học Delhi đã khơi gợi một hướng tiếp cận đạo đức mới mẻ, đầy nhân văn từ tư tưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV.
Điểm nổi bật trong tư tưởng của Ngài là khái niệm “đạo đức thế tục” – một hệ thống giá trị đạo đức không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo nào, mà dựa trên lòng từ bi, sự tỉnh thức và trí tuệ nội tâm. Theo đó, các giá trị như từ bi, bao dung, tha thứ, tự kỷ luật là phẩm chất phổ quát có thể được rèn luyện qua giáo dục và thực hành, không phân biệt tôn giáo hay tín ngưỡng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh việc tu tập nội tâm và chánh niệm như nền tảng cốt lõi cho đời sống đạo đức. Qua đó, con người học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực, tăng trưởng trí tuệ và hướng đến hành động thiện lành trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt, Ngài khuyến khích mỗi người chiêm nghiệm và học hỏi từ những hình mẫu sống từ bi – dù là bậc thánh, giáo viên, bác sĩ hay bất kỳ ai đang âm thầm phụng sự nhân loại.
Không dừng ở lý thuyết, đạo đức – theo Đức Đạt Lai Lạt Ma – cần được thể hiện qua hành vi, lời nói và cả suy nghĩ. Sống đạo đức không chỉ là tránh làm điều ác, mà còn tích cực vun bồi thiện hạnh và sống vì người khác.
Thông điệp mà tác giả Baishali muốn gửi gắm rất rõ ràng: Trong một thế giới đầy biến động, lòng từ bi chính là chiếc la bàn đạo đức bền vững nhất, giúp con người sống tỉnh thức, hài hòa và có trách nhiệm với cộng đồng.
Biên tập: Thái Hà