Sáng ngày 26-8, Phân viện nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam kết hợp cùng Trường đại hội khoa học xã hội và nhân văn (ĐH KHXH&NV) đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Hoà thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời - Đạo Nghiệp - Những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”, tại chùa Candaransi (phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM), nhân dịp tưởng niệm 5 năm ngày Trưởng lão Hoà thượng Danh Nhưỡng viên tịch.
Hội thảo đã trân trọng đón tiếp Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đến tham dự và chúc mừng. Tại đây, Hòa thượng Chủ tịch đã bài phát biểu quan trọng định hướng cho chương trình Hội thảo, đồng thời như một lời tri ân, tưởng niệm về đạo nghiệp của cố Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng đã dành cả cuộc đời để nêu cao tâm gương sáng về hạnh nguyện của người tu sĩ là phụng sự đất nước, đạo pháp và dân tộc Việt Nam.
Nói tầm ảnh hưởng lớn của Phật giáo cũng như hệ phái Nam tông Khmer trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, Hòa thượng Chủ tịch nhận định; Phật giáo tại Việt Nam luôn thể hiện tinh thần từ bi, hỷ xả nhằm hướng đến mục đích hoà bình, phát triển an lạc cho nhân loại, bằng hạnh nguyện đại thí của Đức Phật khi Ngài còn là bồ tát. Tinh thần đó luôn được thể hiện xuyên suốt theo bề dày lịch sử hoằng pháp đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Khi đất nước lâm nguy, đất nước còn bị chia cắt, người dân không cơm ăn áo mặc, bệnh tật không thuốc thang chữa trị, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng đã nỗ lực hoằng pháp, động viên Phật tử và người dân vững chắc tinh thần, vững tin vào nhân quả để vượt khó, giữ chùa chiền, phum sóc… Có nhiều vị trong Tăng đoàn đã xả thân, xả y để cùng đồng bào Phật tử đấu tranh chống áp bức của chính quyền thuộc địa Pháp, chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam để đòi lại ruộng đất, giành từng hạt lúa, hạt cơm cho đồng bào, cho dân tộc, và để giữ gìn phum sóc và tam bảo được trường tồn.
Hòa thượng Chủ tịch đã nhận định về cố Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng “Trưởng lão xuyên suốt cuộc đời – đạo nghiệp của mình, đã tiếp bước các vị Danh tăng tiền bối, thể hiện rất rõ hạnh nguyện phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc”. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, Hòa thượng đã tích cực tham gia ủng hộ cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngài luôn giữ vai trò lãnh đạo hàng vạn sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer trong tỉnh Kiên Giang đấu tranh chống kẻ xâm lược; đòi quyền tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do học hành chữ Khmer, Pali, Kinh Luận giới, duy trì và phát huy tiếng nói, văn hóa dân tộc Khmer; đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), đất nước thống nhất cho đến ngày viên tịch, Hòa thượng Danh Nhưỡng được đồng bào Phật tử tin yêu, chính quyền tín nhiệm bầu vào các chức vụ lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại biểu Quốc hội khóa XI và khóa XII. Với cương vị là Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp và giáo dục của Giáo hội, góp phần xây dựng, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hết lòng quan tâm chăm lo đến đời sống đồng bào Khmer Nam Bộ, giáo dưỡng và dìu dắt đồng bào Phật tử bền vững đạo tâm, trang nghiêm giáo hội.
Thay mặt Trung ương Giáo hội, Hòa thượng Chủ tịch ghi nhận và đánh giá cao Hội thảo khoa học: “Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời – Đạo nghiệp – Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc”. Việc tổ chức Hội thảo là việc làm có ý nghĩa, nhằm làm rõ hơn và vinh danh những cống hiến to lớn của cố Trưởng lão Hòa thượng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước, đây là nguồn tư liệu khoa học quý báu để giáo dục thế hệ Tăng Ni, Phật tử về tấm gương sáng hạnh nguyện phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc.
Để hiểu rõ hơn về Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng, tại Hội thảo, một số vị là chư Tôn đức Giáo hội, lãnh đạo Nhà nước và học giả, nhà nghiên cứu đã có những nhận định sâu sắc về cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài.
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Viện trưởng VNCPGVN, đồng Trưởng Ban Tổ chức, cho rằng “Hòa thượng Danh Nhưỡng đã thể hiện rõ tinh thần của Phật giáo về Bi, Trí, Dũng trong sự nghiệp rất đáng trân trọng để lại cho hệ phái Khmer Nam tông, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cho đất nước Việt Nam.”
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định “ Hòa thượng Danh Nhưỡng là một bậc tôn sư khả kính đã có nhiều công lao giáo dưỡng và dìu dắt hàng ngàn môn đồ đệ tử trưởng thành, noi gương từ bi hỷ xả, tự giác giác tha của Hoà thượng để bền vững đạo tâm và trang nghiêm Giáo hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Ông Huỳnh Đảm nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ “Có cơ hội gặp gỡ, gắn bó thân tình với cố Hòa thượng Danh Nhưỡng, tôi cảm nhận sâu sắc về một con người đức độ, giàu lòng yêu nước, ra sức đấu tranh cho những người bị áp bức, chăm lo cho những người nghèo khổ, gắn bó mật thiết với ngôi nhà chung khối đại đoàn kết dân tộc và đem hết tấm lòng để xây đấp GHPGVN bằng nhiều hành động thực tế.”
PGS.TS Phan Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, trong phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh “Hội thảo khoa học “Hoà thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời - Đạo nghiệp - Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc” được tổ chức nhằm tri ân và ghi nhận công đức to lớn của bâch cao Tăng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hoà hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước.”
Được biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 36 bài tham luận, nghiên cứu về nhiều khía cạnh học thuật, xoay quanh 2 chủ đề chính: Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời - Đạo nghiệp - Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc; Chùa Candaransi trong đời sống văn hóa của người Khmer Nam Bộ và vai trò kết nối Phật giáo quốc tế.
Hội thảo khoa học lần này sẽ cung cấp nhiều thông tin học thuật quý giá. Các ý tưởng từ các tham luận và các trao đổi học thuật trong các phiên thảo luận tại Hội thảo cũng góp phần vào việc phát triển các nghiên cứu chuyên sâu hơn về Hòa thượng Danh Nhưỡng, cũng như các nghiên cứu về Phật giáo Nam tông Khmer, các di sản văn hóa Khmer nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Đăng Huy