Sáng ngày 23-2-2024 (Nhằm ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), môn đồ tứ chúng đã trang nghiêm tưởng niệm 17 năm ngày viên tịch của cố Hòa thượng Thích Thông Bửu, Viện chủ Tổ đình Quán Thế Âm (quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Quan lâm chứng minh có: Trưởng lão HT.Thích Như Tín, Trưởng lão HT.Thích Thanh Hùng, đồng Ủy viên TT HĐCM; cùng chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng Thành viên HĐCM; Trưởng lão HT.Thích Tịnh Hạnh, Trưởng lão HT.Thích Huệ Văn, đồng Thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Tánh, HT.Thích Huệ Trí, đồng Phó Chủ tịch HĐTS; cùng chư Tôn đức HĐTS, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, chư Tôn đức Ban Trị sự Phật giáo quận Phú Nhuận và đông đảo Tăng Ni Phật tử các tự viện đồng về tham dự.
Đối trước di ảnh của cố Hòa thượng Thích Thông Bửu tại tổ đường, chư Tôn giáo phẩm thành kính dâng nén tâm hương cúng dường Giác linh, tưởng niệm ngày viên tịch và đảnh lễ tri ân công đức cố Hòa thượng viện chủ Tổ đình Quan Thế Âm. Ngài đã cùng với bổn sư của mình là Hòa thượng Thích Quảng Đức – vị Bồ-tát của Phật giáo Việt Nam, huy sinh cả cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc.
Theo đó, đạo tràng Tổ đình Quán Thế Âm và môn đồ pháp quyến cũng thiết lễ trai tăng dâng cúng dường hiện tiền chư tôn đức chứng minh, hồi hướng công đức đến Giác linh cố Hoà thượng Ân sư.
Hòa thượng pháp húy Đồng Phước, pháp tự Thông Bửu, pháp hiệu Viên Khánh, nối pháp đời thứ 43 Thiền phái Lâm Tế, dòng Chúc Thánh. Ngài thế danh Trần Thượng Hiền, sinh ngày 02.9.1936 (Bính Tý) tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Năm 1956, Ngài thọ giới xuất gia với Hòa thượng trụ trì chùa Long Hà. Đến năm 1957, ngài vào Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tìm cầu học hỏi Phật pháp, duyên lành gặp được Hòa thượng Thích Quảng Đức tại tổ đình Thiên Bửu Thượng, ngài khẩn cầu xin làm đệ tử và được Hòa thượng hoan hỉ tiếp nhận, thế độ truyền giới Sa di, cho pháp danh Đồng Phước.
Trong những năm 1962, Ngài theo Hòa thượng Bổn sư vào Nam để dấn thân vào cuộc đấu tranh cho sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc. Cũng thời gian đó, Tổ đình Quan Thế Âm trở thành nơi trung tâm phát xuất những phong trào xuống đường rầm rộ ở Gia Định, là nơi cơ sở hoạt động nội thành, in ấn, phát tán tài liệu cách mạng trước 1975.
Với tâm nguyện phát triển tổ đình làm nơi tu học cho hàng xuất gia và tại gia, trước khi tự thiêu, Hòa thượng bổn sư (Thích Quảng Đức) gởi gắm ngài cho chư tôn đức Giáo hội giúp đỡ kế thế trụ trì tổ đình Quán Thế Âm. Từ đó, Ngài luôn ý thức muốn đạt đến giải thoát, cần phải có pháp tu, do đó cả cuộc đời ngài thực hiện theo sự chỉ giáo của Bồ tát Quảng Đức về phương pháp hành trì kinh Pháp Hoa và tu tập theo pháp Mật tông của Hòa thượng Thích Vạn Ân. Đây là hai pháp môn ngài rất tâm đắc.
Từ khi trụ trì đảm nhiệm trụ trì, rồi đến viện chủ Tổ đình, Hòa thượng đảm nhiệm nhiều trước quan trọng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Gia Định. Ngoài thời gian tu hành niêm mật thì Ngài luôn miệt mài dịch kinh, biên soạn nhiều tác phẩm Phật giáo có giá trị cho hậu thế, tham gia công tác giáo dục, hoằng pháp lợi sanh và tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội.
Đến hồi nhân duyên đã mãn, ngài thâu thần thị tịch tại tổ đình Quán Thế Âm lúc 21 giờ ngày 14 tháng Giêng năm Đinh Hợi (tức ngày 02.03.2007), trụ thế 72 năm, 47 hạ lạp. Tuy ra đi về cõi Phật, nhưng hình ảnh và đức độ của ngài vẫn còn mãi trong lòng môn đồ pháp quyến, Tăng ni và Phật tử xa gần.