Trà Vinh: Chùa Ô Chúc nơi gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa

Nghe đọc bài:

PSO - Tiểu Cần là một trong những huyện có đông đồng bào Khmer của tỉnh Trà Vinh, trên địa bàn có tổng cộng 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Trong đó, chùa Ô Chúc (ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần) là một trong những ngôi chùa được gắn liền với các giá trị truyền thống của dân tộc Khmer và những sự kiện lịch sử của địa phương.


Chùa Ô Chúc tọa lạc tại ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi, cách chợ Tiểu Cần khoảng 6 km về hướng Đông - Nam và cách TP. Trà Vinh khoảng 30 km về hướng Tây - Nam. Chùa được tạo lập vào năm 1676 Dương lịch - tức năm 2220 Phật lịch. Tính đến nay, chùa đã trải qua 19 đời Trụ trì. Hiện tại Thượng tọa Thạch Út - Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, Trụ trì chùa Ô Chúc.

Trước đây, xã Tập Ngãi là một vùng nông thôn sâu của huyện Tiểu Cần, với địa bàn nằm dọc theo dòng sông Rạch Lọp, cách xa trung tâm quân sự, kinh tế, văn hóa của huyện lỵ Tiểu Cần và tỉnh lỵ Trà Vinh trong thời chiến tranh. Với vị trí địa lý này, xã Tập Ngãi được Tỉnh ủy Trà Vinh và Huyện ủy Tiểu Cần, Huyện ủy Cầu Kè chọn làm căn cứ cách mạng cho các cơ quan lãnh đạo kháng chiến để kịp thời chỉ đạo các đơn vị vũ trang cách mạng dừng chân, hành quân chiến đấu. Xã Tập Ngãi còn là nơi diễn ra các phong trào đấu tranh rất sớm với mục đích là đánh đuổi thực dân Pháp. Chính từ những phong trào cách mạng của địa phương đã tạo nên một lớp thanh niên có tri thức và giàu lòng yêu nước, có sức ảnh hưởng trong kháng chiến tại xã Tập Ngãi. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Sư sãi, Phật tử chùa Ô Chúc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ ngôi chùa này, những vị Sư yêu nước đã hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh cách mạng. Chùa Ô Chúc còn có công nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng, mặc cho những lời tuyên truyền, dụ dỗ của thực dân Pháp, các vị Sư sãi và Ban quản trị chùa vẫn một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng. Chùa cũng là nơi đào tạo ra nhiều cán bộ, chiến sĩ, góp phần tạo nguồn lực cách mạng ở huyện Tiểu Cần.


Đến thời kháng chiến chống Mỹ, vào cuối năm 1961, địch ráo riết tiến hành “chiến tranh đặc biệt” (loại hình chiến tranh thực dân mới kiểu Mỹ). Chúng đẩy mạnh hành quân càn quét gom dân, lập ấp chiến lược nhằm cách ly quần chúng với cán bộ cách mạng, du kích không còn chỗ dựa và để kìm kẹp nhân dân. Mỹ - Ngụy chọn những địa bàn có đông đồng bào Khmer mà chúng xem là địa bàn “xung yếu” để tiến hành lập ấp chiến lược, trong đó có xã Tập Ngãi. Trước tình hình đó, tại chùa Ô Chúc, Sư cả Sơn Prựm đã cho Ban quản trị chùa tiến hành xây dựng hàng rào bằng thép và kẽm gai xung quanh chùa, tạo ra khu vực cách biệt với xung quanh để bảo vệ cán bộ đang trú ẩn tại chùa. Ngoài ra, cơ sở cách mạng tại chùa Ô Chúc và Phật tử trong vùng còn tham gia đắp mô chặn các chuyến xe càn quét của Mỹ - Ngụy.

Tháng 10/1967, Huyện ủy Cầu Kè chỉ đạo các xã thuộc khu vực Tiểu Cần cũ vận động quần chúng với trên 10.000 người tổ chức biểu tình vào nội ô huyện lỵ. Khi đó, đồng chí Sơn Song Sơn được chi bộ phân công vận động lực lượng quần chúng tham gia. Chùa Ô Chúc là địa điểm, nơi tập hợp lực lượng quần chúng biểu tình chống Mỹ - Ngụy kéo về huyện lỵ Tiểu Cần đòi địch không được bắn phá bừa bãi, không được bắt bớ, bắn giết người vô tội khi hành quân càn quét.


Tháng 6/1970, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định tách huyện Tiểu Cần ra khỏi huyện Cầu Kè. Xã Tập Ngãi cũng được tách khỏi huyện Châu Thành, nhập về huyện Tiểu Cần. Từ đây xã Tập Ngãi trở thành vùng căn cứ chủ yếu của Huyện ủy Tiểu Cần, tiếp tục đẩy mạnh phong trào diệt ác, phục kích giết giặc, giành quyền làm chủ, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân xã Tập Ngãi đã phát huy truyền thống đoàn kết đứng lên đấu tranh giành lấy chính quyền. Xã Tập Ngãi nói chung và chùa Ô Chúc nói riêng là con đường giao liên huyết mạch của tỉnh, giữa huyện Tiểu Cần với huyện Cầu Kè, giữa huyện Tiểu Cần với huyện Càng Long. Sư sãi, Ban quản trị cùng Phật tử chùa Ô Chúc đã hiến nhiều vật chất, tiền, của cho cách mạng. Nhiều người con của xã Tập Ngãi, Sư sãi, Phật tử trong vùng đã tham gia cùng với lực lượng kháng chiến giải phóng dân tộc.


Chùa là nơi bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer

Có thể nói trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Sư sãi, Phật tử chùa Ô Chúc đã thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân nơi đây, không ngại hy sinh, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Chùa Ô Chúc được xem là cơ sở cách mạng quan trọng, cái nôi của cách mạng, nơi nuôi chứa nhiều thế hệ cán bộ, trí thức người Khmer dũng cảm kiên cường như đồng chí Ma Ha Sơn Thông - Nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa VII; đồng chí Sơn Song Sơn - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, khóa X, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (hàm bộ trưởng); đồng chí Sơn Dương (tức Ba Long) - Nguyên Bí thư Chi bộ xã Tập Ngãi; sư cả Kim Sưa (tức Ba Thành) - Nguyên Công an tỉnh…


Với những thành tích trong kháng chiến, chùa Ô Chúc đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, đồng thời tô điểm thêm trang sử vẻ vang của huyện Tiểu Cần và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng bộ và Nhân dân xã Tập Ngãi.



Chánh điện cũ chùa Ô Chúc với nhiều dấu tích do chiến tranh để lại

Trong chiến tranh và là căn cứ cách mạng nên chùa Ô Chúc đã bị địch bắn phá và hư hỏng nặng nề, nhất là khu chánh điện. Hiện tại khi bước vào khuôn viên chùa Ô Chúc, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh một chiếc kẻng treo ở trước sân được tận dụng từ một vỏ bom rất lớn.



Chùa là nơi bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer




TT. Thạch Út - Trụ trì chùa Ô Chúc tiếp Đoàn lãnh đạo UBMTTQVN huyện Tiểu Cần và Tôn giáo bạn đến thăm

Theo Thượng tọa Thạch Út - Sư cả của chùa cho biết, vỏ bom này được tìm thấy trong khuôn viên chùa do quân địch sử dụng trong thời chiến tranh. Chùa đã sử dụng làm chiếc kẻng từ những năm sáu mươi của thế kỷ XX.

Đây là một trong những chứng tích chiến tranh vẫn còn hiển hiện ngay tại ngôi chùa này. Trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, năm 2018 chùa được xây dựng mới nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng chung của một ngôi chùa Khmer Nam Bộ và nằm trong khuôn viên chùa với tổng diện tích chung trên 25.709 m2. Cổng chùa được xây dựng lại vào năm 2021, được trang trí với các mô típ theo phong cách kiến trúc cổ truyền của người Khmer.



Chùa Ô Chúc là biểu tượng đặc trưng cho văn hóa dân tộc Khmer trong vùng, nơi rèn luyện đạo đức và nhân cách con người, cũng là nơi giáo dục thanh, thiếu niên người Khmer, nơi học tập chữ Pali Khmer của các vị sư sãi và phật tử trong vùng. Mặt khác chùa còn là nơi đặt trụ sở của Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần. Đây được xem là trung tâm đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo trên địa bàn huyện, qua đó góp phần tuyên truyền, vận động các vị sư, phật tử chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Di tích này hiện nay đang được Sư cả Thạch Út và Ban quản trị chùa cùng bà con Phật tử trực tiếp quản lý, giữ gìn.

Nhằm để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, được sự đồng ý của UBND tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban quản lý di tích tỉnh tiến hành nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học di tích chùa Ô Chúc để trình UBND tỉnh xem xét và ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Việc xếp hạng di tích chùa Ô Chúc nhằm duy trì và phát huy các lễ hội truyền thống tại chùa, tạo điều kiện phục hồi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer và dịch vụ trong di tích nhằm thu hút khách tham quan trong thời gian tới.

Pháp Trí

Ban TT-TT tỉnh Trà Vinh


Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

TP.HCM: Trước giờ Khai mạc Hội thi Giáo lý Phật tử năm 2024

Chỉ còn ít giờ nữa, Hội thi Giáo lý Phật tử năm 2024 sẽ chính thức khai mạc vào lúc 7 giờ sáng, Chủ Nhật ngày 22/12/2024 tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM. Không khí tại địa điểm tổ chức đang sôi động hơn bao giờ hết khi các khâu chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn tất.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online