PSO – Ngày 7/10/2019 (nhằm ngày 9/9 năm Kỷ) Đại đức Thích Tâm Chánh – Trụ trì chùa Như Pháp (ấp Bến Cát, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cùng hàng Môn nhân Pháp quyến chùa Như Pháp thành kính thiết lễ Húy kỵ, tưởng niệm lần thứ 7 ngày cố Hòa thượng Thích Lưu Đoan viên tịch.
Lễ tưởng niệm được sự quang lâm chứng minh của HT.Thích Tâm Linh, HT.Thích Phước Minh, HT.Thích Viên Minh – đồng Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh; HT.Thích Minh Chánh – Phó ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Tiểu Cần; chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử các đạo tràng trong và ngoài tỉnh đồng về tham dự.
Buổi lễ diễn ra theo nghi thức trang nghiêm của thiền môn như: niêm hương bạch Phật khai kinh và cúng Ngọ. Chư Tôn đức Tăng Ni cung đối trước Giác linh đường dâng lên nén hương tưởng niệm Giác linh – vị Thầy đức độ đã có công xây dựng, vun đắp cho nền Phật học tỉnh nhà từ thuở còn sơ khai.
Tiếp theo, ĐĐ.Thích Trí Huệ cùng Ban Kinh sư thiết lễ nhiễu tháp cố Hòa thượng, trước khi cung thỉnh chư Tôn đức thực hiện nghi thức cúng Quá đường. Tại trai đường, ĐĐ.Thích Thiện Phẩm – đại diện cho môn đồ Pháp quyến thành kính dâng lời tác bạch cúng dường trai tăng đến chư Tôn đức chứng minh với sự tưởng niệm tri ân và tạo chút phước điền hướng về bậc Ân sư khả kính.
HT.Thích Phước Minh, đương vi sám chủ, thay mặt chư Tôn đức chứng minh có lời đạo từ. Hòa thượng ôn lại đôi dòng Tiểu sử của cố Hòa thượng Thích Lưu Đoan. Lược sử của cố Hòa thượng Thích Lưu Đoan là sự hào hùng của những người đi mở cõi, khai sơn phá thạch hầu tìm ánh sáng đạo vàng. Ngài là người đã hoằng hóa đạo pháp, sống đời sống phạm hạnh, đức độ, được người người kính ngưỡng. Trong thời đại nhiễu nhương khi mà vật chất được xem là thước đo giá trị, thì tất cả chúng sanh, đặc biệt hàng hậu học sơ niên, rất cần được nghe lại những tấm gương tiền nhân đi trước để lấy đó mà soi chiếu. Lời đạo từ của HT.Thích Phước Minh kết thúc trong sự nghiêm thành lắng nghe của tất cả mọi người.
Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trang nghiêm và thành tựu viên mãn trong niềm hiếu kính của Môn đồ tứ chúng.
TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH LƯU ĐOAN
Hòa thượng Thích Lưu Đoan, nhũ danh Phạm Xuân, người làng Hiệp Phổ Trung, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ là cụ ông Phạm Tùng, thân mẫu là bà Trần Thị Toản. Ngài sinh ngày 24/6/1943 (năm Quý Mùi), là con thứ trong gia đình trung lưu có truyền thống hiếu đạo sùng kính Phật pháp. Tuổi trẻ thông minh hiếu học, giữ gìn khuôn mẫu phép tắc, được bà con láng giềng thương mến.
Duyên lành hội đủ, ngày 02 tháng 6 năm 1958 (Mậu Tuất), Ngài được cha mẹ cho phép theo cầu pháp xuất gia với Hòa thượng thượng Tâm hạ Hương hiệu Mật Hiển, Trụ trì chùa Trúc Lâm, Thành phố Huế, được Hòa thượng thâu nạp và ban cho pháp danh là Nguyên Chơn, hiệu Lưu Đoan.
Đầu năm Tân Sửu, ngày 17/01/1961, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép thọ Sa di giới tại Giới đàn chùa Trúc Lâm, Thành phố Huế. Quyết tâm nỗ lực không ngừng trên đường học đạo, ngày 16 – 18/7/1965 (năm Ất Tỵ), Ngài được thọ Tỳ kheo tại Giới đàn Vạn Hạnh (tổ chức ở chùa Từ Hiếu, do Hòa thượng thượng Giác hạ Nhiên hiệu Trừng Thủy làm Đàn đầu Hòa thượng).
Năm 1967, Ngài dự thi tuyển vào Trường Cao đẳng Chuyên khoa Phật học tại chùa Linh Quang, Thành phố Huế, kết quả thi đậu vào trường thuộc loại giỏi.
Năm 1971, Ngài tốt nghiệp Cao đẳng Chuyên khoa Phật học nhưng vẫn luôn tiếp tục tham vấn các bậc cao minh về Phật học và thường gần gũi Bổn sư, được truyền khế ấn Mật tông.
Năm 1972, Ngài tiếp nhận sự phân bổ của Giáo hội về tỉnh Vĩnh Bình làm nhiệm vụ sứ giả Như Lai, Đặc ủy Hoằng pháp kiêm Giám học và Giáo thọ sư tại Phật học viện Khánh Hòa, chùa Phước Hòa.
Sau đó, Tăng Ni trong tỉnh Vĩnh Bình thỉnh Ngài làm Chánh đại diện Phật giáo huyện Châu Thành (nay là TP. Trà Vinh) và làm Phó Trụ trì chùa Long Khánh – Trụ sở Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Bình.
Năm 1974, Ngài đến xứ Bến Cát, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần, tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh) theo lời thỉnh mời của Phật tử, kiến lập Khai sơn chùa Như Pháp. Sau 1975, Ngài tiếp tục công việc Phật sự tại tỉnh Trà Vinh và chùa Như Pháp.
Năm 1992, lo hậu sự cho Hoà thượng Bổn sư thượng Mật hạ Hiển viên mãn, Ngài được huynh đệ Tăng Ni, Phật tử trong hệ phái Trúc Lâm và chư Tôn đức các tự viện trực thuộc môn phái Tây Thiên suy cử làm Trụ trì tổ đình Trúc Lâm, thành phố Huế, kế thừa tổ nghiệp của Bổn sư.
Năm 1993, sau khi Trà Vinh được tách ra từ tỉnh Cửu Long, Ngài cùng chư Tôn đức Tăng Ni tích cực vận động, xin phép thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh. Khi Giáo hội tỉnh được thành lập, Ngài được thỉnh làm Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni và cố vấn Ban Đại diện Phật giáo huyện Tiểu Cần xuyên suốt 4 nhiệm kỳ.
Năm 1998, Ngài được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa.
Ngài cùng chư Tôn giáo phẩm trong tỉnh Trà Vinh tích cực vận động tái thiết lại Trường Phật học Trà Vinh, cái nôi của Phật giáo miền Nam trong thời Chấn hưng Phật giáo.
Năm 1999, trường Cơ bản Phật học Trà Vinh (nay là trường Trung cấp Phật học) được phép thành lập tại chùa Phước Hòa, Ngài được đề cử làm Phó Hiệu trưởng kiêm Giám luật và Giáo thọ sư phụ trách giảng dạy Luật giới cho Tăng Ni xuyên suốt 3 khóa học. Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Trà Vinh khai Đại giới đàn Khánh Hòa năm 2002, Đại giới đàn Huệ Quang năm 2005, Đại giới đàn Khánh Anh năm 2008, Ngài đều được thỉnh làm Yết-ma A-xà-lê để truyền trao giới pháp cho Tăng Ni tu tập.
Cũng trong năm 2002, Ngài được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng.
Năm 2005, Ngài trùng tu lại chùa Như Pháp với quy mô lớn và toàn diện, làm chỗ nương tựa vững chắc cho môn đồ tứ chúng tu tập lâu dài.
Năm 2007, Ngài được suy cử vào làm Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Với uy tín đức độ và sự hy sinh chịu khó, Ngài không chỉ thực hiện các phật sự lớn nhỏ trong tỉnh mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các tỉnh khác.
Đệ tử xuất gia của Ngài gồm 26 vị, hiện đa số đã là trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh, tham gia vào các hoạt động Phật sự của GHPGVN tỉnh Trà Vinh, Phật tử tại gia trong và ngoài nước hơn 6.000 vị.
Sau gần nửa thế kỷ hoằng pháp lợi sanh, vì tuổi cao sức yếu nên Ngài lâm trọng bệnh và đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch vào lúc 07 giờ 45 phút, ngày 16/10/ 2010 (nhằm ngày mùng 9/9/ Canh Dần), trụ thế 68 năm, hạ lạp 46 năm.
Cuộc đời là mộng huyễn, nhưng tinh thần phục vụ dân tộc, sự hi sinh cống hiến trọn đời cho đạo pháp của Ngài vẫn mãi mãi khắc ghi trong lòng Tăng Ni, Phật tử hôm nay và mai sau. Dẫu cho nhục thân của Hòa thượng đã thật sự vắng bóng từ lâu nhưng tấm gương đạo hạnh của Ngài vẫn mãi sáng ngời và là kim chỉ nam cho hàng thất chúng đệ tử noi theo.
Một số hình ảnh ghi nhận được:
Minh Hiếu – Ban TTTT PG tỉnh Trà Vinh
The post Trà Vinh: Lễ Tưởng niệm lần thứ 7 cố Hòa thượng Thích Lưu Đoan appeared first on Phật Sự Online Miền Tây.