Trà Vinh: Ni trưởng Thích Nữ Như Nghiêm tân viên tịch

Nghe đọc bài:

PSO - Ni trưởng Thích Nữ Như Nghiêm, Viện chủ chùa Liên Trì, ấp Hòa Lục, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh

I. Thân thế

Ni trưởng Thích Nữ Như Nghiêm thế danh là Dương Thị Kim Mau, sanh năm Tân Tỵ 1941, tại xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú, tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh), trong gia đình trung lưu gia giáo, thân phụ là cụ ông Dương Bỉnh Kim, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Dần.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC 

Từ thuở ấu thơ, Ni trưởng có khí chất thông tuệ, thích học hỏi, lại có duyên sâu với Tam bảo, trưởng thành phát tâm xuất gia, tuy bị thân phụ ngăn trở nhưng chí xuất trần cương quyết không lui sụt. Năm 1961, Ni trưởng quy y thế phát với Sư Bà Thượng Tịnh Hạ Nguyệt, húy Nhựt Ân, là vị khai sơn chùa Liên Trì (xã Hiệp Hòa - Cầu Ngang) và chùa Liên Phước (xã Đôn Xuân - Duyên Hải), được thầy bổn sư ban cho pháp hiệu là Như Nghiêm nối pháp đời 42 dòng Lâm Tế Chánh Tông với pháp huý là Lệ Trang.

Với bản tánh thông minh Ni trưởng nhanh chóng thuộc lòng hai thời công phu và các nghi thiền môn thông dụng, Ni trưởng tập học pháp sơ cơ, siêng năng chuyên cần công quả, chuẩn bị nền tảng dài lâu.

Năm 1963, Ni trưởng được thọ giới sa di ni tại chùa Dược Sư (TP. HCM) và tham gia lớp học tại đây 4 năm. 

Năm 1966, Ni trưởng được thọ giới thức - xoa - ma - na. 

Năm 1968, Ni trưởng được đăng đàn cầu thọ giới Tỳ-kheo Ni và bồ tát giới tại Tổ đình Từ Nghiêm, do Sư bà Như Huệ - quản viện Tổ đình làm Hòa thượng đàn đầu. Sau khi đầy đủ giới pháp, Ni trưởng càng tinh tấn hơn trên con đường tu tập của mình đồng thời hoàn thành tốt mọi công tác học tập của một ni sinh thời bấy giờ.

Trãi qua bốn năm trao dồi kiến thức tại chùa Dược Sư, Ni trưởng thấy mình chưa đủ kiến thức ra làm đạo tiếp độ Ni đồ, hóa độ chúng sanh. Lúc này Ni trưởng với độ tuổi thành niên, có ý thức, thấy rõ bước đi của hàng Thích Nữ cần mở rộng học vấn, nên Ni trưởng quyết tâm trở về chùa Bữu Thành Bến Tre cầu học pháp với Sư bà thượng Giác hạ Hạnh, với tâm hạnh từ tốn ít nói nên Sư bà và đại chúng ni nơi đây rất mến. Trải qua tám năm đèn sách, từ lớp sơ cấp đến lớp Cao – Trung Phật học, khi khoá học đã mãn, Ni trưởng trở về chùa Liên Trì lo Phật sự với thầy bổn sư. Tháng 7 năm 1972, bổn sư viên tịch, Ni trưởng đến chùa Liên Quang (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) y chỉ cầu pháp thọ học với Ni trưởng Viện chủ chùa Liên Quang là Ni trưởng thượng Tịnh hạ Hoa, khi thầy bổn sư vắng bóng trên cõi đời quá sớm, lòng xoe thắt nổi nhớ thương thầy, nổi lo âu gánh đàn em dạy, Ni trưởng nương bóng mát cây Bồ Đề che chở, ánh hào quang soi đường của Sư bà Viện chủ chùa Liên Quang trên đường học đạo và hành đạo.

III. Thời Kỳ Hành đạo

Sau khi Thầy bổn sư quy tây, Ni trưởng với nguồn nhân lực có kiến thức học tập các trường Phật Học, Ni trưởng đã đầy đủ tài đức, thay thầy bổn sư gánh vác Phật sự chùa Liên Trì và luôn che chở cho đàn sư em còn quá trẻ. Với tinh thần kế vãng khai lai, báo Phật ân đức là chí nguyện cao đẹp của một đời tu sĩ học hạnh Bồ Tát, Ni trưởng đã tham gia công tác từ thiện xã hội (thành viên Hội chữ thập đỏ), cùng chia sẻ trách nhiệm duy trì mạng mạch Phật pháp, đóng góp một phần nhỏ cho giáo hội tỉnh nhà. Với cương vị trụ trì ngôi già lam, vừa là giáo thọ sư, vừa trông coi quy củ, nhắc nhở sách tấn chúng Ni, Ni trưởng là bậc thầy từ hòa đức độ, uy nghiêm nhưng hết lòng với chúng.

Bước đầu đảm nhận nhiệm vụ trụ trì với ngôi chùa tranh mái lá xiêu quẹo Ni trưởng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với chí nguyện phụng sự Tam bảo, với đức độ hạnh duyên của một vị trụ trì, sự trợ duyên của chư Tôn đức và sự gia hộ của chư Phật nên Ni trưởng đã từng bước vượt qua được khó khăn. Mặt khác, sự tin tưởng ủng hộ của bà con Phật tử gần xa chính là động lực sách tấn mạnh mẽ giúp Ni trưởng, vững chãi trên bước đường hoằng dương Phật pháp phục vụ nhân sinh.

Chịu ảnh hưởng những năm chiến tranh loạn lạc, pháo súng đạn bay, ngôi chùa xuống cấp trầm trọng, Ni trưởng vận động phật tử gần xa trùng tu lại ngôi già lam Liên Trì. Sau khi xây dựng xong ngôi chánh điện, tiếp đó Ni trưởng tiếp tục xây dựng thêm các hạng mục nhằm làm chỗ nương tựa vững chắc cho môn đồ tứ chúng tu học lâu dài.

Trong suốt quá trình hành đạo, Ni trưởng luôn dùng tâm từ, đức độ để sách tấn ni chúng trong việc tu học, hành đạo. Trong sự nghiệp kế thừa mạng mạch phật pháp, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ni trưởng cũng đã hướng dẫn nhiều thiện nam tín nữ quy hướng Tam Bảo. Năm 2020, Ni trưởng đã trao quyền trụ trì cho sư đệ là cố Ni trưởng thượng Như hạ Nhẫn, trong coi ngôi già lam, đảm nhiệm việc dạy ni chúng, còn Ni trưởng trở về thất chuyên tu câu “Nam Mô A Di Đà Phật” để làm tư lương cho phút cuối một đời người xuất trần thượng sĩ.

Hành trang và uy đức của bậc Ni trưởng trang nghiêm tùng lâm giảng dạy Ni chúng tại chùa và chư Phật tử xa gần đến học đạo, thấm nhuần lời răn dạy, nghiêm chỉnh từng uy nghi để thành tựu giới thân huệ mạng. Ni trưởng luôn luôn hoan hỉ không từ lao nhọc, không kể khó khăn, đáng bậc mô phạm, tương đối với câu: 

“Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, báo Phật ân đức”

Để ghi nhận và trân quý những công đức mà Ni trưởng đã đóng góp cho Phật giáo và dân tộc trong mấy mươi năm dấn thân phụng sự, lãnh đạo GHPGVN tỉnh Trà Vinh và Nhà nước đã trao tặng Ni trưởng nhiều bằng tuyên dương công đức và bằng khen.

IV. Thời Kỳ Viên Tịch

Các pháp hữu vi như mộng huyễn, sương mai. Người thấu tỏ nên mỗi thi vi tạo tác đều an nhiên mà thành tựu. Gần 70 năm gắn bó với các công tác Phật Sự, một cuộc đời trọn vẹn trong chánh pháp, trong sự nghiệp giáo dục ni đồ. Vào những năm tháng cuối đời, khi cảm thấy hạnh nguyện hóa duyên đã mãn, tâm thế của Ni trưởng tự tại trước cảnh vô thường.

Sau thời gian lâm bệnh, mặc dầu đã được sự tận tình lo lắng săn sóc của Ni sư trụ trì cũng như sự nhiệt tâm chữa trị của quý vị Y Bác sĩ nhưng do tuổi cao sức yếu, Ni trưởng đã thuận thế vô thường thâu thần viên tịch đúng vào lúc 21 giờ , ngày 16 tháng 10 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 16 tháng 11 năm 2024) trong tiếng trợ niệm của chư Tôn Thiền đức Tăng Ni trong Môn phái, môn đồ thế quyến và thiện nam tín nữ Phật tử, trụ thế 84 tuổi, 56 năm hạ lạp. 

“Ôi thôi! Hôm nay cánh hạc lưng trời

Đón người sứ giả lên đường hồi hương

Tổ đình chuông điểm sầu vương

Môn đồ Pháp quyến hoa hương lệ thầm. Thế là từ đây Ni trưởng đã từ bỏ huyễn thân trong cảnh hồng trần, đi vào cõi Tây phương Tịnh Độ bất diệt bất sanh Nê Hoàn nhập diệu. Người đã đi thật xa, nhẹ gót hài về nơi vô trụ. Liên Trì ngày ngày chuông mõ sớm chiều vẫn còn đó, ngôi già lam tâm huyết rạng ngời ý đạo vẫn còn đây, đồng môn Pháp lữ, đệ huynh Pháp phái, môn nhơn thế quyến đang quy tụ về đạo tràng thế mà Ni trưởng đã từ giã tất cả, để ra đi về miền Tịch tịnh. Gần 70 năm tu tập hành Đạo, Ni trưởng suốt một đời dấn thân cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, giáo dục cho hậu thế không ngưng nghỉ cũng như thực hành hạnh bố thí cả một đời với đức hạnh khiêm cung, Người luôn hoà nhã gần gũi với Tăng Ni, Phật tử. Ni trưởng viên tịch, Phật giáo tỉnh nhà mất đi một bậc tùng lâm. Ngôi già lam Liên Trì mất đi một Sư Bà viện chủ, một bậc Giáo thọ ân cần và Tăng Ni, Phật tử mất đi một bậc Thầy khả kính. 

Quả thật:

Giới đức trang nghiêm, bao kiếp vun trồng nền đạo hạnh

Thân tâm thanh tịnh, một đời tu tập sáng gương lành.

Nhất tâm đảnh lễ: Liên Trì đường thượng, từ Lâm Tế Chánh Tông, tứ thập nhị thế, Ni Trưởng thượng Như hạ Nghiêm, pháp huý Lệ Trang, pháp hiệu Huệ Nghiêm tân viên tịch Ni trưởng Giác linh.

Ban TT-TT PG Trà Vinh

Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

Sư thầy 30 năm cưu mang trẻ em bất hạnh

Khi chúng tôi ghé thăm chùa Kỳ Quang II, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa, đón tiếp chúng tôi với nụ cười đôn hậu, tay vẫn cầm chiếc vòi xịt nước để vệ sinh sân chùa. Dù đã 76 tuổi, Hòa thượng vẫn duy trì thói quen dậy sớm mỗi ngày, cần mẫn quét dọn, làm sạch từng ngóc ngách trong khuôn viên chùa.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online