Hội đồng giới sư Ni do Ni Trưởng Thích Đàm Nghiêm – Phó trưởng Phân ban thường trực Phân ban đặc trách Ni giới TƯ ứng thỉnh ngôi vị Hòa Thượng đàn đầu; Ni Trưởng Thích Đàm Thành – Phó trưởng Phân ban đặc trách Ni giới TƯ ứng thỉnh ngôi Yết ma A Xà Lê, Ni trưởng Thích Đàm Lan – Phó trưởng Phân ban đặc trách Ni giới TƯ ứng thỉnh ngôi giáo thọ A Xà Lê cùng chư vị Tôn chứng Tăng già: Ni sư Thích Đàm Nhã, Ni sư Thích Trí Quang, Ni sư Thích Đàm Phượng, Sư cô Thích Đàm Hiếu, sư cô Thích Đức Hòa, sư cô Thích Giới Đức, sư cô Thích Đàm Hội.
Giới đàn đã trao giới cho 49 giới tử, trong đó có 16 giới tử thụ giới Tỳ khiêu, 4 vị thụ giới Tỳ khiêu Ni, 22 vị thụ giới Sa di, 7 vị thụ giới Sa di Ni. Trước đó, Ban Tổ chức giới đàn đã cho các giới tử vân tập về chùa Bảo Ngạn để lễ bái, sám hối, học giới luật. Các giới tử đã được chuyên trì lễ niệm, trang nghiêm thân tâm để có thể đủ công đức và thanh tịnh thụ nhận giới châu tuệ mệnh.
Tối ngày 29 tháng 10 năm 2022, các giới tử đã được nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ giáo giới về tầm quan trọng của giới luật đối với người tu sĩ cũng như việc giữ gìn phạm hạnh của người xuất gia.
Hòa thượng nói về 4 hạng người: người từ bóng tối ra ánh sáng, người từ bóng tối đi vào bóng tối, người từ ánh sáng đi vào bóng tối và hạng người từ ánh sáng đi ra ánh sáng. Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh "Các vị giới tử khi phát tâm xuất gia cầu đạo chính là từ bóng tối đi ra ánh sáng. Nhưng từ khi được thọ nhận giới pháp này, mang lại lợi ích cho chúng sinh, thì chúng ta chính là đang từ ánh sáng bước tiếp vào ánh sáng. Người đời cần ngoại hình bóng bẩy, nhưng người xuất gia chúng ta tâm hình dị tục, xả bỏ tất cả, ra khỏi tam giới, mặc áo cà sa, từ thân cắt ái, sống đời phạm hạnh, lấy tất cả pháp giới làm gia đình, chỉ có một mục tiêu duy nhất là phụng sự Tam Bảo và phục vụ chúng sinh. Các vị đừng bao giờ phụ chí nguyện xuất gia đầy cao thượng của mình".
Hòa thượng cũng nhắc nhở các giới tử về 8 con đường đi tới giải thoát giác ngộ mà chư Tổ đã chỉ dạy. Đó là:
1. Lễ Phật, kính lễ Tam Bảo là pháp thực tập xoá trừ ngã mạn. “Lễ Phật giả kính Phật chi đức”. Bởi vì nhớ nghĩ ân đức cao dày của Phật mà chúng ta lễ lạy Ngài. Ngài đã vì chúng sinh lầm mê mà không màng quyền cao chức trọng, hy sinh tất cả, không lùi bước trước gian truân để tu tập, thấy rõ được chân lý và mang ánh sáng đó để cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau.
2. Niệm Phật, là pháp thực tập nghĩ nhớ đến Phật. "Niệm Phật giả cảm Phật chi ân", nhờ sự thành tựu đạo quả của đức Phật mà chúng sinh thấy rõ được chân lý trí tuệ và từ bi là lý tưởng và lẽ sống của con người. Niệm Phật để nhắc nhở chính mình phải luôn nhớ nghĩ về đức tính từ bi, hỷ xả, bao dung, vị tha của chư Phật, mà thực tập để đạt được Phật quả.
3. Trì giới: Giới luật là nền tảng của mọi thiện pháp, nếu không hành trì giới luật thì Phật quả không bao giờ thành tựu viên mãn. Bởi vì giới luật có công năng ngăn trừ điều ác, phát triển thiện căn.
4. Tụng kinh: Kinh là những lời đức Phật dạy, được kết tập lại thành Tam tạng Thánh điển. “Tụng kinh giả minh Phật chi lý”, nhờ thực tập pháp tụng kinh mà thấy rõ được lý tính, thấy rõ được bản chất của cuộc đời là vô thường, là khổ, là vô ngã, để thoát khỏi mọi chấp trước, si mê.
5. Ngồi thiền: Ngồi thiền nhằm để cột tâm lại trong một đối tượng quán chiếu, nhờ vậy mà năng lượng được vững mạnh, có thể cắt đứt mọi phiền não và chướng duyên. “Toạ thiền giả đạt Phật chi cảnh”, nhờ ngồi thiền mà hành giả có thể đạt đến cảnh giới cao thắng của chư Phật, đó là cảnh giới của tịch tĩnh vắng lặng.
6. Tham thiền: Tham thiền là tham vấn các phương pháp thực tập thiền định như: tham thiền công án, tham thiền thoại đầu…
7. Đắc đạo: Là mục đích tối thượng của người tu Phật, ngoài sự đắc đạo ra thì chỉ là phương tiện. Người tu đạo chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là thoát ra mọi sự trói buộc của trần gian, để đạt được quả vị Phật đà, thấy rõ “bản lai diện mục” của chính mình.
8. Thuyết pháp: Là hạnh nguyện mang chân lý giải thoát của Phật Tổ cứu giúp chúng sinh. Nếu không tu tập hạnh thuyết Pháp thì chân lý giải thoát của chư Phật không bao giờ được diễn bày, không bao giờ được toả rạng. Vì vậy mà các Giới tử cần phải tu tập như chính tinh thần “Hoằng pháp vi gia vụ” của các bậc tiền nhân tổ đức.
Hòa thượng cũng khuyến tấn giới tử trong những ngày giới đàn này phải giữ tâm an trú, chuyên trì lễ bái hành sám, giữ cho ba nghiệp thanh tịnh để đắc giới thành tựu viên mãn; khi đã thụ được giới rồi thì mang trong mình trọng trách nặng hơn, khi tiến lên một giới phẩm nữa thì phải tinh tiến tu tập, chuyển hóa thân tâm, trau dồi Giới - Định- Tuệ để trở thành một vị tu sỹ xứng đáng là những người con của Đức Thế Tôn.
Sáng ngày 30 tháng 10 năm 2022, Chư tôn đức hội đồng Giới sư quang lâm giới đàn, niêm hương bạch Phật yết Tổ cầu gia bị.
Tiếp đó, giới đàn chính thức được cử hành các nghi lễ theo giới luật. Sau khi cung an chức sự, các vị Nghiệp sư của giới tử ra đỉnh lễ Hội đồng Giới sư.
Tiếp đó, toàn thể các giới tử cầu thụ Sa di, Sa di Ni và Tỷ Khiêu, Tỷ Khiêu Ni Giới làm lễ Hội đồng Giới sư.
Đàn tràng đã được tổ chức trang nghiêm đúng theo giới luật và quy củ truyền thống giới đàn miền Bắc "đàn tràng trang nghiêm, Giới sư thanh tịnh, giới tử chí thành - giới tử đắc giới".
Đại giới đàn truyền thụ giới cho các giới tử rất trang nghiêm trọng thể, trước sự thành tâm cầu giới của các giới tử và sự từ bi hoan hỷ của chư tôn giới sư truyền giới.
Giới đàn Nguyệt Trí đã hoàn mãn trong tinh thần đúng theo giới luật giới đàn.
Diệu Tường