PSO - Nhằm gieo duyên lành, vun bồi hạt giống từ bi, trí tuệ cho thế hệ trẻ trong mùa hè, vào tối ngày 13/7/2025, chùa Bằng – Linh Tiên Tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, TP. Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc khóa tu tuổi trẻ lần thứ XIII, với sự tham dự của 450 khóa sinh đồng tụ hội về để cùng nhau trải nghiệm những ngày an lành nơi chốn thiền môn thanh tịnh.
Quang lâm chứng minh lễ khai mạc khóa tu có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban BTS GHPGVN TP. Hà Nội, Trụ trì chùa Bằng, Trưởng Ban tổ chức khóa tu; và sự hiện diện của chư Tôn đức Tăng Ni chùa Hoằng Pháp (TP.HCM) và chùa Khai Nguyên (Hà Nội).
Mở đầu buổi khai mạc, các bạn khoá sinh đã tổ chức đồng diễn bài “Hè về Tu học” – một sáng tác của Đại đức Thích Vạn Lợi, dâng lên cúng dàng Tam bảo và chư Tôn đức chứng minh.
Tiếp theo, ba bạn khóa sinh đã đại diện cho toàn thể khóa sinh trong khoá tu dâng lời phát nguyện tinh tiến tu học trong 7 ngày 6 đêm, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của khóa tu.
Tại buổi lễ khai mạc, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã gửi tặng đến gần 500 khóa sinh một món quà pháp đầy ý nghĩa: 14 chữ làm kim chỉ nam cho hành trình tu tập và trưởng thành, đó là: Từ bi, bao dung, trung thực, khiêm hạ, đoàn kết, trí tuệ, hỷ xả. Đây cũng chính là 7 hạt giống lành – tương ứng với 7 chủ đề chính, mà mỗi ngày trong khóa tu, Hòa thượng sẽ lần lượt chia sẻ tới các bạn trẻ vào đầu ngày mới. Hòa thượng mong mỏi, nếu các bạn trẻ thực hành trọn vẹn được những phẩm chất này, thì dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, cũng sẽ giữ được tâm sáng, lòng lành và một tinh thần hướng thiện.
Mở đầu hành trình nuôi dưỡng tâm hồn ấy, Hòa thượng đã giảng giải về hạt giống Từ bi – nền tảng của đạo làm người và tinh thần Phật giáo – như một lời nhắn nhủ dịu dàng nhưng sâu sắc gửi đến trái tim đang lớn của tuổi trẻ.
Hoà thượng giảng giải: “Chữ Từ là mang đến niềm vui, chữ Bi là cứu giúp những nỗi khổ. Các con về chùa, có thể mang theo trong lòng những muộn phiền, nhưng khi đã bước qua cổng chùa, hãy học cách mỉm cười, học cách mang niềm vui vào thân, đó là đang thực hành chữ Từ. Khi đối diện với những đau khổ, bất an, đừng để mình trượt dài trong đó, mà hãy học cách cứu lấy chính mình, cứu lấy người khác khỏi khổ đau, đó là đang thực hành chữ Bi.”
Hòa thượng ân cần khuyến tấn: “Hãy học cách Từ Bi với bản thân, với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Khi tâm khởi lên sân giận, hãy dừng lại, mỉm cười và ban tặng niềm vui – đó là đang sống với chữ Từ. Khi thấy ai đó khổ đau, hãy thương họ, mở lòng cứu giúp – đó là đang sống với chữ Bi. Chỉ khi lòng người tràn đầy Từ Bi, thế gian này mới thật sự có được an lạc.”
Với lời dạy chan chứa tình thương và trí tuệ ấy, Hòa thượng đã mở ra một hành trình tu học đầy ý nghĩa cho các bạn trẻ, nơi mỗi ngày là một bước tiến trên con đường chuyển hóa, nuôi dưỡng tâm hồn và xây dựng một đời sống hạnh phúc chân thật.
Một điểm đặc biệt trong khóa tu năm nay chính là ý nghĩa tên gọi của các “gia đình” – không chỉ đơn thuần để tạo sự gắn kết giữa các bạn trẻ, mà còn ẩn chứa một thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước.
Trong bối cảnh đất nước đang từng bước chuyển mình, tiến hành tái sắp xếp giang sơn theo tinh thần đổi mới và phát triển bền vững, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã dành nhiều tâm huyết để chọn lựa 10 địa danh tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội – những nơi gắn liền với chiều sâu lịch sử, văn hóa và tâm linh – làm tên gọi cho 10 gia đình khóa sinh. Đó là Long Biên, Quán Sứ, Mê Linh, Sơn Tây, Cổ Loa, Hoàng Thành, Văn Miếu, Ba Đình, Đền Ngọc Sơn và Trấn Quốc.
Với ý tưởng ấy, Hòa thượng mong muốn gieo vào tâm thức các bạn trẻ một hạt giống lành: tình yêu với quê hương không chỉ là cảm xúc, mà cần bắt đầu từ sự hiểu biết – trân quý – và trách nhiệm. Việc hiểu về địa danh, lịch sử, cội nguồn cũng chính là bước đầu cho hành trình phụng sự và bảo vệ Tổ quốc bằng trái tim có hiểu, có thương.
Trong bài chia sẻ tối nay, Hòa thượng đã giảng giải cho các bạn trẻ về ý nghĩa của 4 gia đình.
Gia đình Mê Linh – gợi nhớ về vùng đất oai hùng, nơi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm vào đầu thế kỷ thứ nhất. Mê Linh không chỉ là quê hương, là nơi đóng đô của hai vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mà còn là biểu tượng sống động về tinh thần bất khuất và vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Hòa thượng mong rằng các bạn, đặc biệt là các bạn nữ, hãy lấy Hai Bà làm gương sáng, để sống xứng đáng là hậu duệ của những bậc nữ anh hùng, luôn khắc ghi hai chữ Tổ quốc trong tim, và đem lòng yêu nước làm nền tảng cho mọi việc mình làm.
Gia đình Cổ Loa – gợi nhắc về một trong những kinh đô cổ kính và linh thiêng nhất của dân tộc ta. Cổ Loa chính là trung tâm của nước Âu Lạc dưới triều vua An Dương Vương, cách đây hơn 2.000 năm. Hòa thượng đã kể lại truyền thuyết nỏ thần và câu chuyện cảm động giữa công chúa Mị Châu và Trọng Thủy, để nhấn mạnh bài học về lòng trung thành, cảnh giác và sự sáng suốt trong tình yêu và bảo vệ đất nước.
Gia đình Hoàng Thành – tên đầy đủ là Hoàng Thành Thăng Long, đại diện cho chốn kinh đô nghìn năm văn hiến. Nơi đây từng là trung tâm chính trị và văn hóa dưới các triều đại Lý, Trần, Lê – những thời kỳ rực rỡ của lịch sử Việt Nam. Hòa thượng đã nhắc đến di tích Hoàng Thành và các cửa ô Hà Nội – như những cánh cổng lịch sử mở ra quá khứ vàng son và tiếp nối truyền thống thủ đô nghìn năm văn hiến.
Gia đình Văn Miếu – nơi gắn liền với học tập, tri thức. Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta, mà còn là nơi tôn vinh những bậc hiền tài, lưu danh các vị trạng nguyên, tiến sĩ qua hàng thế kỷ. Hòa thượng nhấn mạnh rằng: nơi đây thờ Đức Khổng Tử – bậc Thánh nhân của Nho giáo – người đã truyền dạy đạo lý, lễ nghĩa và học vấn. 82 bia tiến sĩ từ năm 1442 đến 1779 là minh chứng sống động cho truyền thống hiếu học và tinh thần cầu tiến – một phẩm chất mà các bạn trẻ hôm nay cần tiếp nối.
Năm nay, khóa tu tuổi trẻ tại chùa Bằng mang nhiều đổi mới đầy ý nghĩa. Bên cạnh việc giúp các bạn trẻ trải nghiệm đời sống thiền môn thanh tịnh, gieo duyên tu học, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm còn dành tâm huyết mở rộng không gian khóa tu thành một “hành trình trở về” – nơi mà các bạn được giao lưu, kết bạn trong tinh thần lành mạnh, đồng thời bồi đắp thêm kiến thức và tình yêu đối với lịch sử dân tộc, truyền thống quê hương, và đặc biệt là những giá trị văn hóa Phật giáo nghìn đời của thủ đô.
Hòa thượng mong rằng, trong ngày đầu tiên này, mỗi khóa sinh sẽ đón nhận và thực tập trọn vẹn hai chữ “Từ Bi”, như hạt giống đầu tiên được gieo vào mảnh đất tâm hồn, làm nền tảng cho mọi hành xử trong đời.
Khóa tu năm nay không chỉ là những ngày an trú, mà còn là một chuyến “du hành nội tâm” kết hợp với “chuyến du lịch tâm linh” qua những biểu tượng văn hóa của Thăng Long – Hà Nội, để từ đó hiểu hơn về lịch sử dân tộc, và khơi dậy lòng biết ơn với tiền nhân đã dựng xây đất nước.
Buổi lễ khai mạc đã diễn ra viên mãn. Ngày tu đầu tiên khép lại nhẹ nhàng, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng gần 500 bạn trẻ – như một khởi đầu lành cho hành trình bảy ngày nuôi dưỡng tâm hồn phía trước.
Một số hình ảnh ghi nhận tại khoá tu: