PSO - Sáng ngày 15/11/2024 (nhằm ngày 15/10 năm Giáp Thìn), TT. Thích Minh Hạnh, Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế tỉnh, Trụ trì chùa Phước Hải (phường Thắng Tam, Tp. Vũng Tàu) đã trang nghiêm cử hành lễ dâng Y Kathina theo truyền thống Phật giáo Theravāda.
Quang lâm và tham dự Đại lễ có sự hiện diện của HT. Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm đặc trách Hệ phái Nam tông Kinh, Chứng minh BTS tỉnh; HT. Hộ Chánh, Thành viên HĐCM; TT. Thích Nhuận Nghĩa, Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh BR-VT; HT. Thiện Nhân, Trưởng lão Hệ phái Phật giáo Nam tông Việt Nam, Chứng minh BTS GHPGVN Tp. Thủ Đức; TT. Thích Nhuận Trí, Phó trưởng ban kiêm Phó ban Thường trực Ban Tăng sự BTS GHPGVN tỉnh; TT. Thích Vĩnh Tế, Trưởng ban kiểm soát BTS GHPGVN tỉnh; chư Tôn đức trong Thường trực BTS tỉnh; chư Tôn đức thuộc Hệ phái Phật giáo Nam tông các ngôi tự viện trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Kathina – theo tiếng Pàli không có nghĩa là y áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Trong tiếng Phạn, Kathina (viết là Kathinaya) có nghĩa là cái khung dệt vải, khung treo. Đại lễ dâng y được gọi như vậy là bởi vì đại lễ này kết cấu nhiều quy định quan trọng dẫn đến thắng duyên cho hàng Phật tử. Đại lễ là sự thể hiện đại hạnh của đức bố thí, thế nên, một người phát tâm cúng dường mà tâm nghĩ quá đơn giản thì người cúng dường cũng như người thụ thí thường khó làm cho sự bố thí đạt đến sự viên mãn. Đại lễ cũng mất đi ý nghĩa nếu thiếu những yếu tố của tâm thí, thời thí, vật thí, người thụ thí, và cung cách thí. Đại lễ dâng y Kathina bao hàm tất cả những điều đó nên mang ý nghĩa của sự bền vững, chặt chẽ, viên mãn.
Sau thời kinh Lễ bái Tam Bảo là nghi thức nhiễu Phật (padakkhiṇakaraṇa) 3 vòng xung quanh ngôi chánh điện chùa Phước Hải. Đây là nghi thức bày tỏ sự cung kính, sự thương yêu, sự quí trọng như chúng ta thường nghe trong Kinh. Với mỗi vòng nhiễu các Đại thí chủ cho buổi lễ dâng y được trang trọng mời lên vị trí dẫn đầu. Vòng 1 là Thí chủ Nguyễn Oanh, Vòng 2 là gia đình Tu nữ Diệu Hương, Vòng 3 là gia đình thí chủ Nguyễn Thị Hạnh.
Buổi lễ dâng y được tổ chức trang trọng tại Phật điện. Trước thời lễ nhận sự thỉnh cầu từ Ban Nghi lễ chùa, các trưởng lão của Hệ phái đã thay chúng Tỳ kheo truyền Tam quy, Ngũ giới cho hàng Phật tử tại gia.
Trong lời tác bạch dâng cúng, Phật tử Minh Anh đã thay mặt hàng Phật tử dâng lời thỉnh cầu chư Tôn đức thọ nạp Y Kathina như thửa xưa Bà Visakha và Trưởng giả Sudatta thỉnh cầu.
Thay mặt chúng Tỳ kheo và đáp lời thỉnh cầu của của Hội chúng, HT. Thích Thiện Tâm đã có thời pháp ngắn nói về công đức của việc dâng y Kathina. Trong thời pháp thoại, ngài đã dùng những hình tượng để giảng rõ hơn về hạnh hiếu, về mục đích của sự tu tập và 5 công đức của việc dâng y Kathina : Sống lâu (Āyu), có sắc đẹp đáng chiêm ngưỡng (Vaṇṇa), thân và tâm được an lạc (Sukha), thân và tâm có sức mạnh (Bala), Có trí tuệ sáng suốt (Paññā).
Y Kathina được ưu tiên trước những vị tuổi cao, những vị có nhiều hạ lạp hay những vị thiếu thốn, khó khăn. Nghi luật Phật cũng nêu rằng, các sư tăng chỉ thụ y sau khi thành tựu ba lần tác pháp yết ma với sự im lặng đồng thuận của tăng chúng. Nghi thức này để chứng tỏ sự đồng thuận trong chấp pháp của chư tăng và tri ân công đức bố thí của các tín đồ cúng dàng trong lễ dâng y. Sau khi trình bày những lý do theo luật Phật chế và trong sự hoan hỹ đồng thuận của đại chúng đúng pháp, Y Kathina được giao một vị tăng đón nhận và thực hiện theo 8 chi pháp được quy định.
Sau nghi lễ dâng y Kathina, TT. Minh Hạnh đã tổ chức cho tăng đoàn Trì bình khất thực nhằm tạo điều kiện cho thiện nam, tín nữ gieo trồng và tăng trưởng thiện căn bằng nghi thức dâng vật phẩm cúng dường.
Quảng Chuyên