PSO - Năm 2021, dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (Dự thảo Thông tư lần 2) của Bộ Tài chính nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, có cả những phản đối khá gay gắt từ cộng đồng liên quan đến các nhóm quy định về quản lý, thu chi tiền công đức. Nhiều phân tích, bình luận cho rằng Dự thảo Thông tư lần 2 còn nhiều điểm không hợp hiến, không đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Bộ luật Dân sự các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) và luật về di sản văn hoá (DSVH). Phải hơn nửa năm sau kể từ lần kết thúc lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư lần 2, Bộ Tài chính mới xây dựng xong Dự thảo (lần 3) Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (Dự thảo Thông tư lần 3) và chính thức gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan từ ngày 29/3/2022 vừa qua.
Dự thảo Thông tư lần 3 đã tiếp thu phần nào các ý kiến đóng góp và có nhiều điều chỉnh quan trọng so với Dự thảo Thông tư lần 2. Vậy, những vấn đề gây tranh cãi từ Dự thảo Thông tư lần 2 đã được Bộ Tài chính xử lý như thế nào trong Dự thảo Thông tư lần này?
Công nhận tiền công đức là tài sản của tổ chức tôn giáo nhưng vẫn trao quyền quản lý, định đoạt cho chủ thể khác
Khi Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Thông tư lần 2, Bộ Tư pháp đã có ý kiến về việc cần loại bỏ Điều 2 của Dự thảo này quy định về nguyên tắc quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ vì các nội dung quy định này không thuộc thẩm quyền của Thông tư <1>. Thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã khẳng định “tiền công đức” là tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo theo khoản 6 Điều 7 Luật TNTG <2>.
Theo đó, “tiền công đức” của tổ chức tôn giáo phải do tổ chức tôn giáo được tự quản lý, định đoạt theo đúng nguyên tắc bảo hộ quyền tài sản của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật TNTG và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, đa số các ý kiến góp ý của các học giả, chuyên gia pháp lý, tài chính và kiến nghị từ cộng đồng đều thống nhất với quan điểm của GHPGVN về việc Nhà nước không có cơ sở và không nên can thiệp trái với các nguyên tắc, quy định của pháp luật về TNTG quá sâu vào quyền tài sản của tổ chức tôn giáo. Có lẽ bởi vậy, mà tại Dự thảo Thông tư lần 3, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm quy phạm định nghĩa về “tiền công đức, tài trợ”, “lễ hội”, “di tích” tại Điều 3. Đồng thời, bổ sung quy định công nhận quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức tôn giáo/chủ sở hữu di tích đối với tiền công đức.
Mặc dù đã bổ sung thêm nhóm quy định trên, nhưng Dự thảo lần 3 bổ sung và giữ lại nhiều quy định được cho là vẫn còn “mập mờ” và không phù hợp với thẩm quyền của Thông tư do bổ sung nhiều quy định cao hơn luật và nghị định và vẫn tồn tại nhiều quy định cho phép Nhà nước hoặc/và các Ban quản lý di tích được can thiệp vượt thẩm quyền vào quyền tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo. Cụ thể:
Một là, Dự thảo Thông tư lần 3 đưa ra nhiều định nghĩa mới nhưng lại không thống nhất với Luật TNTG và Luật DSVH như sau:
(i) Việc bổ sung định nghĩa về “di tích là cơ sở tôn giáo” tại khoản 3 Điều 3 là không phù hợp, cụ thể:
Khoản 3 Điều 3 Dự thảo định nghĩa: “Di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá”.
Lý do Dự thảo lần 3 bổ sung thêm định nghĩa “Di tích là cơ sở tôn giáo” được Bộ Tài chính giải thích tại Bản thuyết minh Dự thảo Thông tư là do gộp định nghĩa về “di tích” trong Nghị định 98/2010/NĐ-CP về bốn loại di tích và định nghĩa về “cơ sở sở tôn giáo" theo khoản 14 Điều 2 Luật TNTG. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với hệ thống các quy định pháp luật của Luật DSVH và Luật TNTG bởi trong nội hàm thuật ngữ “di tích là cơ sở tôn giáo” tồn tại đồng thời hai đối tượng được điều chỉnh bởi hai hệ thống pháp luật khác nhau là:
- “Di tích” thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật DSVH và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã được định nghĩa tại khoản 3 Điều 4 Luật DSVH là “công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”; và
- “Cơ sở tôn giáo” thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật TNTG và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã được định nghĩa tại khoản 12 Điều 2 Luật TNTG “gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”.
Như vậy, đối với hoạt động tài chính liên quan đến di tích thì phải đảm bảo tính tuân thủ, phù hợp với Luật DSVH; còn hoạt động tài chính liên quan đến cơ sở tôn giáo thì phải đảm bảo tính tuân thủ, phù hợp với Luật TNTG vào Hiến chương/Điều lệ và các quy định nội bộ của từng tổ chức tôn giáo. Việc gộp cả 2 đối tượng này trong cùng 1 định nghĩa sẽ tạo ra một khái niệm mới có liên quan đến 2 hệ thống văn bản pháp luật khác nhau, và qua đó tạo sự thiếu rõ ràng, “mập mờ” trong công tác quản lý các di tích đồng thời có hoạt động của cơ sở tôn giáo.
(ii) Việc đưa ra định nghĩa mới về “tiền công đức” cũng không phù hợp với thẩm quyền của Thông tư mà đã được Bộ Tư pháp góp ý tại Dự thảo lần 2, cụ thể:
Tại khoản 3 Điều 5 định nghĩa: “Tiền công đức, tài trợ là các khoản đóng góp, tài trợ dưới hình thức hiến, tặng, cho và các hình thức đóng góp tự nguyện khác của tổ chức, cá nhân cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích”;
Lý do Bộ Tài chính bổ sung thêm định nghĩa “tiền công đức” nêu trên được giải thích tại Bản thuyết minh Dự thảo Thông tư là do hiện các văn bản pháp luật về TNTG và DSVH đều không có định nghĩa về “tiền công đức”, nhưng tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 110/2018/NĐ-CP lại quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Điều này cần phải được xem xét lại bởi các lý do sau:
- Luật TNTG, Luật DSVH và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không định nghĩa về “tiền công đức”. Bởi vì, Luật TNTG công nhận nguyên tắc Nhà nước bảo hộ quyền tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo được tự quyết định về tài sản, tài chính của mình theo Hiến chương/Điều lệ và các quy định nội bộ của tổ chức tôn giáo.
Xét theo truyền thống văn hoá và lịch sử của Việt Nam, thì “tiền công đức” là thuật ngữ đặc trưng của Phật giáo; thuật ngữ “tiền công đức” hay “công đức” không được nhắc đến trong các Hiến chương, quy định của các tổ chức tôn giáo khác nhưng lại được nhắc đến rất nhiều trong Hiến chương của GHPGVN và quy định nội bộ của GHPGVN về tài chính và tài sản của Ban Trị sự GHPGVN, Nội quy Ban Kinh tế tài chính Trung ương GHPGVN,... Đây là lý do vì sao Luật TNTG và các văn bản hướng dẫn không đưa ra các định nghĩa cụ thể về “tiền công đức” để đảm bảo phù hợp với nguyên tắc bảo hộ quyền tài sản, quyền tự quyết đối với tài sản của tổ chức tôn giáo (trong trường hợp này là GHPGVN).
- Chính GHPGVN đã có ý kiến rất cương quyết khẳng định thuật ngữ này nếu sử dụng để quy định chung cho các khoản tiền được dâng, cúng cho các tổ chức tôn giáo thì dễ dẫn đến hiểu nhầm là Nhà nước chỉ can thiệp vào tài sản của GHPGVN, qua đó không đảm bảo tính chính xác, phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật (i) và không đảm bảo sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật.
Như vậy, Bộ Tài chính có nên sử dụng một thuật ngữ khác để tránh gây nhầm lẫn trong công tác quản lý nhà nước vào loại tài sản có tên gọi đặc thù và cá biệt của Phật giáo? Trường hợp khoản 6 Điều 12 Nghị định 110/2018/NĐ-CP đang quy định vượt quá Luật TNTG và Luật DSVH khiến công tác xây dựng quy định hướng dẫn quản lý, thu chi các khoản tiền tài trợ cho công tác tổ chức lễ hội của Bộ Tài chính gặp vướng mắc, Bộ Tài chính cần có ý kiến cùng Bộ VHTTDL và các cơ quan quản lý Nhà nước khác để kiến nghị điều chỉnh nội dung trên của Nghị định 110/2018/NĐ-CP, chứ không nên tiếp tục đưa ra các quy định “trên luật” và trái với nguyên tắc Nhà nước bảo hộ quyền tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Hai là, Dự thảo Thông tư Lần 3 mặc dù đã bổ sung quy định công nhận quyền sở hữu của tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc với tiền công đức (Điều 10), nhưng vẫn can thiệp quá thẩm quyền vào quyền sở hữu riêng tài sản của GHPGVN theo quy định hiện hành, cụ thể:
Khoản 2 Điều 10 quy định: “Tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, bảo đảm đúng mục đích và có hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật về văn hoá, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật khác có liên quan; được vận dụng quy định tại Điều 14 Thông tư này để thực hiện".
Nếu đã công nhận tiền công đức là tài sản của tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc thì về nguyên tắc Thông tư này không cần có quy định để công nhận lại nội dung trên do đã có các quy định có liên quan của Luật TNTG. Cũng như vậy, không phân biệt tại di tích có lễ hội do chủ thể nào tổ chức (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay tổ chức/cơ sở tôn giáo hay chủ sở hữu) thì “tiền công đức”, tiền dâng cúng cho mục đích tôn giáo, tâm linh hay cho cơ sở tôn giáo/ người đứng đầu tôn giáo đều là tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo/cơ sở tôn giáo hoặc nhà tu hành/người nhận tài sản được dâng cúng. Do đó, mọi quy định về việc Nhà nước can thiệp vào việc quản lý, thu-chi tiền công đức về nguyên tắc đều quá thẩm quyền của cơ quan Nhà nước và không đảm bảo các nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản của tổ chức tôn giáo.
Một số quy định trái với nguyên tắc trên tại Dự thảo lần 3 có thể kể đến như:
- Điểm c khoản 1 Điều 4 quy định: “Nguồn tài chính cho hoạt động lễ hội gồm: Nguồn trích từ tiền công đức, tài trợ cho di tích (áp dụng đối với lễ hội được tổ chức tại di tích lịch sử - văn hoá)”.
Việc quy định cứng “tiền công đức” là một nguồn tài chính của hoạt động lễ hội tại di tích là không có cơ sở pháp lý và vi phạm nguyên tắc bảo hộ tài sản của tổ chức tôn giáo theo Luật TNTG, Bộ luật Dân sự.
- Khoản 3 Điều 10 quy định: Đối với lễ hội truyền thống do cơ quan Nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích thì tiền công đức được trích chi cho công tác tổ chức lễ hội; số tiền còn lại thì tổ chức tôn giáo/tổ chức tôn giáo trực thuộc mới được quản lý và sử dụng theo khoản 2 Điều 10.
Đây có thể được xem là quy định can thiệp quá “mạnh tay” của cơ quan Nhà nước đối với tài sản của tổ chức tôn giáo, bởi về nguyên tắc cơ quan Nhà nước chỉ được quyết định việc quản lý, thu, chi đối với các khoản tiền mà được tài trợ cho di tích mà Nhà nước quản lý hoặc/và trực tiếp cho lễ hội định kỳ do Nhà nước tổ chức (không bao gồm các lễ hội tâm linh, lễ hội đặc trưng của tổ chức tôn giáo). Nhưng Dự thảo Thông tư lần 3 lại không có quy định phân định các loại tiền này, đây chính là điểm gây “mập mờ” và tạo “kẽ hở” trong công tác quản lý tiền công đức và tiền tài trợ trực tiếp cho di tích và/hoặc lễ hội do Nhà nước tổ chức.
Tương tự, Điều 11 và 12 cũng cần phải làm rõ: Tiền công đức là tài sản riêng của tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo hoặc Nhà tu hành được dâng cúng (i) với tiền/tài sản được đóng góp, tài trợ trực tiếp cho mục đích di tích và tổ chức lễ hội thì thuộc quản lý của Nhà nước hoặc chủ sở hữu di tích (ii) chứ không nên đánh đồng “tiền công đức” và các loại tiền/tài sản trên.
Từ các phân tích nêu trên có thể thấy, các ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp (đối với Dự thảo Thông tư lần 2) và GHPGVN (đối với Dự thảo Thông tư lần 2 và lần 3) đều có cơ sở pháp lý rất chắc chắn và rõ ràng mà Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh sửa và giải trình về Dự thảo Thông tư lần tiếp theo. Trong đó, Bộ Tài chính nên nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo theo hướng:
(i) Thông tư cần làm rõ tiền công đức, tài trợ cho cơ sở tôn giáo thuộc sở hữu của tổ chức tôn giáo, tổ chức trực thuộc của tổ chức tôn giáo theo quy định riêng của tổ chức tôn giáo và không thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Thông tư này;
(ii) Cùng Bộ VHTTDL và các Bộ có liên quan kiến nghị điều chỉnh khoản 6 Điều 12 Nghị định 110/2018/NĐ-CP theo hướng bỏ từ “tiền công đức cho hoạt động di tích và tổ chức lễ hội”. Theo đó, Bộ Tài chính chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc “hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội” là đủ; và
(iii) Chỉ khuyến khích các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người đứng đầu các cơ sở tôn giáo đóng góp, tài trợ “tiền công đức” vào hoạt động tổ chức lễ hội chứ không can thiệp vào việc quản lý, quyết định thu-chi hay áp dụng các biện pháp giám sát, định đoạt gián tiếp vào loại tài sản này của tổ chức tôn giáo.
ThS. Nguyễn Thanh Hà
Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink
Nguồn: lsvn.vn