Chiều ngày 07/06/2018, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Lễ truy tặng, trao tặng Huân chương của Nhà nước, Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích, công lao đóng góp to lớn cho Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018),
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; HT.Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; TT.Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; TT.Thích Quảng Hà - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Nam Định… đã tham dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tới đại diện gia đình ông Phạm Thế Long (tức Hòa thượng Thích Thế Long), Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII.
|
TT.Thích Tâm Vượng thay mặt lên nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Quỳnh |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Sự đóng góp của Hòa thượng Thích Thế Long, của những tập thể và cá nhân được truy tặng và trao tặng lần này đã để lại trong lòng chúng ta sự ngưỡng mộ và thể hiện sự trân trọng ghi ơn, nhớ ơn những người đã có những đóng góp xứng đáng cho đất nước, cho những hoạt động của Quốc hội”.
Hoà thượng người họ Phạm, pháp danh là Thế Long, sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định trong một gia đình Nho phong thanh bạch có truyền thống tin sâu Phật pháp. Ngài là con út nhưng cũng là con trai duy nhất của cụ Phạm Văn Ngoan tức Ngôn và cụ bà Trần Thị Thanh, pháp danh Diệu Thái. Sau khi sinh ra Ngài, cụ bà mới đồng ý để cụ ông xuất gia. Cụ Ngoan xuất gia ở chùa Nội, thị trấn Cổ Lễ với pháp danh là Thích Thanh Cát và cả hai người con gái của Cụ (tức chị gái của Ngài) cũng xuất gia.
Năm 1915, nhân chuyến về thăm nhà, nhà sư Thanh Cát đã khuyên gia đình cho Ngài xuất gia. Ngài được Sư tổ Quang Tuyên, người bác của Ngài lúc đó đang trụ trì chùa Thuỷ Nhai, xã Xuân Thuỷ, huyện Xuân Trường, Nam Định thu nhận, sau đó được gửi sang chùa Thượng Phúc tham học.
Năm 1929, Ngài được trao truyền Cụ túc giới, nối pháp đời thứ 46 dòng Tào Động, sơn môn Phù Ninh, Nam Định, sau đó Ngài được đến tham học tại Tổ đình Liên Phái, Hà Nội.
Năm 1934, sư tổ Quang Tuyên chùa Cổ Lễ viên tịch, Ngài trở về chịu tang và tiếp tục công việc kiến tạo chùa Cổ Lễ. Chùa Cổ Lễ cũng là nơi tổ chức nhiều giới đàn của Phật giáo tỉnh Nam Định, Ngài được mời làm Hoà thượng Đàn đầu, không những ở chùa Cổ Lễ mà cả ở giới đàn chùa Thánh Ân (chùa Cả) Nam Định. Ngài trở thành một trong những bậc Giáo phẩm cao cấp của Phật giáo tỉnh Nam Hà khi ấy.
Sau năm 1975, Ngài cùng quý Hoà thượng miền Trung, miền Nam thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo. Tháng 11/1981, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam lập nên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Ngài là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về mặt tham gia công tác xã hội, Ngài đều tích cực tham gia với quan niệm “Phật pháp bất ly thế gian pháp”: Năm 1945, Ngài là Phó Chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định. Năm 1947, là Phó Chủ tịch tỉnh hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định. Năm 1951 là Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định, Uỷ viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Từ 1976 đến 1980, là Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Hà Nam Ninh và là Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Ngài được tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá VII và được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa ViệtNam.
Ngài còn là thành viên tích cực của Hội Phật giáo Châu Á vì Hoà bình (ABCP) trong nhiều khoá và là Phó Chủ tịch của Hội. Ngài đã tham gia nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế tại hầu hết các nước châu Á, Đông Âu, tham gia các hội nghị Phật giáo thế giới và đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng hai, Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Ngày 23/03/1985, Ngài viên tịch tại Tổ đình Cổ Lễ, hưởng thọ 76 tuổi, 56 tuổi hạ. Lễ tang được tổ chức trọng thể với nghi thức lễ tang Nhà nước.
Nhật Nguyệt