CUỘC THI HỌC PHẬT HIỂU PHÁP
CHỦ ĐỀ: TÔI LÀ PHẬT TỬ
BÀI THI: TÔI LÀ PHẬT TỬ
MÃ SỐ BÀI DỰ THI: TLPT (27)
Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội được kể lại những kỷ niệm của mình từ lúc tôi có nhân duyên biết đến Phật pháp cho đến lúc tôi trở thành một Phật tử. Nhờ đó, tôi được sống lại những cảm xúc rất thật trong trái tim mình. Có thể nói rằng chính việc học là nhân duyên quan trọng đã đưa tôi đến với Phật pháp. Vì tôi học tại một trường đại học chuyên về khối kiến thức Khoa học Xã hội và Nhân văn nên tôi may mắn được học môn Lịch sử văn minh thế giới. Tôi còn nhớ rất rõ, khi học về phần Phật giáo ở Ấn Độ, thầy đã giảng về sự vô thường, vô ngã, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo,…những điều mà tôi chưa bao giờ được nghe. Để cho tiết học bớt nhàm chán hơn, thầy mở Chú đại bi bằng tiếng Phạn cho chúng tôi nghe, cảm xúc của tôi lúc ấy thật khó tả, tôi nghe thấy lạ nhưng sao thấy cũng rất quen, tâm của tôi cảm thấy bình an và hạnh phúc đến lạ. Cảm xúc ấy thật đặc biệt như mình tìm lại thứ gì đó quen thuộc mà bấy lâu nay đã đánh mất, chính bài chú đại bi ấy mà tâm bồ đề của tôi được đánh thức. Tôi thấy mình may mắn vì được thầy dạy, tuy thầy không chia sẻ nhưng tôi đoán thầy cũng là một Phật tử. Đôi lúc, tôi tự nghĩ rằng nếu tôi được những thầy cô khác dạy môn này, liệu tôi có cơ hội để được nghe bài Chú đại bi ấy không? Kể từ ngày đó, tôi bắt đầu tìm hiểu Phật pháp từ những điều căn bản nhất, càng tìm hiểu tôi càng say mê và yêu thích. Mỗi khi tôi đọc về cuộc đời Đức phật, Tứ diệu đế, những bài kinh, lời dạy của Người, tôi thấy rất xúc động, tôi xúc động vì sự nhiệm màu của Phật pháp, vì tôi đã tìm thấy con đường cho mình, một chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời của mình, Phật pháp sẽ giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời. Rồi tôi bắt đầu tập ăn chay và đi chùa. Thật sự, từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ đi chùa, tôi cứ tưởng nó sẽ lạ lẫm với mình lắm, nhưng khi đến nơi tôi cảm thấy giống như mình về nhà vậy, cảm giác rất bình an. Tôi bắt đầu thấy mến chùa và thế rồi tôi quyết định chọn cửa Phật làm mái ấm gia đình tâm linh để nhìn mọi sự bằng lăng kính sinh diệt, vô thường, có rồi không, được rồi mất và tôi quyết định sẽ quy y Tam bảo. Vì lúc đó còn khá lâu mới đến đợt quy y chùa tổ chức nên tôi phải chờ. Cảm giác chờ đến ngày được quy y trong tôi thật đẹp, tôi nôn nao, háo hức được tới ngày đó, đếm ngược từng ngày và trông cho thời gian trôi thật nhanh. Nhưng thời gian vẫn vậy, không vì ý nghĩ của tôi mà thời gian gian trôi nhanh hay chậm hơn, tôi lại chờ… Rồi cuối cùng ngày quy y cũng đến, ngày đặc biệt của cuộc đời tôi, cảm xúc được chính thức trở thành Phật tử trong tôi hạnh phúc làm sao, tôi thấy mình là người may mắn vì được làm người, biết được Chánh pháp và được tu học trong ngôi chùa, nơi có những vị thầy đức độ. Trở thành người Phật tử, tôi như được làm mới lại chính mình. Khi tôi trở thành Phật tử, tôi biết ứng dụng những lời Phật dạy để chuyển hóa khổ đau. Dù chúng ta là ai đi chăng nữa thì cũng không tránh khỏi có lúc gặp những phiền não, khổ đau trong cuộc sống. Lúc trước, tôi chưa biết đến Phật pháp, khi gặp những chuyện như thế, tôi thường hay than vãn với bạn bè, phiền não, lo lắng và muốn bỏ cuộc. Nhờ ứng dụng những lời Phật dạy mà tôi biết chuyện hóa những nỗi khổ, niềm đau ấy thành động lực để bước tiếp. Tôi thường tự nhủ với mình rằng có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường; có những việc hôm nay là lớn nhưng hôm sau, tháng sau, năm sau nhìn lại chẳng có gì đáng kể. Hay trong Kinh pháp cú, Phẩm Đạo, câu 277, nhắc nhở tôi rằng:“Tất cả hành vô thường
Với tuệ, quán như vậy
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh”
Khi tôi là Phật tử, tôi ý thức rằng, mình phải cống hiến nhiều hơn nữa trong việc phụng sự Tam bảo, giúp đỡ mọi người, mang Phật pháp đến với nhiều người hơn. Tôi biết rằng: người được quy y được gọi là Ưu bà tắc (cận sự nam) hay Ưu bà di (cận sự nữ), nghĩa là người nam hay người nữ gần gũi và phụng sự Tam bảo. Đây chính là ý nghĩa và trách nhiệm quan trọng của những người Phật tử chúng tôi. Tuy tôi chỉ mới được quy y cách đây không lâu, cũng chưa cống hiến và phụng sự nhiều cho Tam bảo, nhưng tôi nguyện với lòng mình sẽ dấn thân và cố gắng phụng sự cho Tam bảo bất cứ khi nào có thể. Tôi chưa thể làm điều gì đó lớn lao, nên tôi sẽ bắt đầu làm từ những công việc nhỏ bé của người Phật tử đối với Phật, Pháp, Tăng như; đến chùa làm công quả, khuyến khích người thân, bạn bè đến chùa chẳng hạn. Kinh Pháp cú, Phẩm Hoa, câu 53, như động viên tôi rằng:“Như từ một đống hoa
Nhiều tràng hoa được kết
Cũng vậy, thân sanh tử
Làm được nhiều thiện sự”
Từ lúc trở thành Phật tử, tôi luôn cố gắng dành nhiều thời gian tìm hiểu kinh sách, đi chùa nhiều hơn, tôi thường tham gia các khóa tu và các cuộc thi do chùa tổ chức, vì thế không biết tự bao giờ tôi mến chùa vô cùng. Nhiều lúc bận việc học không có thời gian đến chùa, tôi nhớ chùa nhiều lắm. Nghĩ cũng lạ thật, lúc trước xa nhà, xa ba mẹ lên thành phố học, tôi lại rất nhớ nhà và ba mẹ. Giờ đây, nỗi nhớ ấy trong tôi đã vơi đi phần nào, tôi nhận ra rằng kể từ lúc trở thành Phật tử, tôi lại nhớ chùa nhiều hơn là nhớ nhà. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy. Có lẽ, ngôi chùa ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng và kỷ niệm thật đẹp. Chốn thiền môn mang lại cho tôi điều gì đó rất đặc biệt, mà không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Đó là sự bình an, yên tĩnh khi mỗi lần tôi dạo bước quanh chùa; đó là sự chu đáo, nghiêm túc, nhiệt tình của quý thầy và các Phật tử công quả trong các khóa tu. Ai đó đã nói rằng: “Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó có tất cả” và chính chốn thiền môn này đã cho tôi cảm nhận rõ ràng điều đó. Đặc biệt, điều làm tôi cảm thấy vô cùng bình an, một cảm giác khó có thể diễn tả mỗi khi tôi thấy các quý thầy đi kinh hành trong các thời khóa tu tập, điều đó làm tôi ấn tượng mãi. Một hình ảnh thật đẹp làm sao, dường như cứ mỗi bước mà các thầy đang bước như đang hôn lên đất mẹ vậy, nhịp nhàng và rất đồng điệu, trang nghiêm. Mặc dù, trong thời đại công nghệ phát triển, không khó để tôi tìm những pháp thoại, những lời giảng từ các giảng sư. Nhưng tôi thích đến chùa hơn, vì ngoài được nghe những lời dạy bảo từ các thầy, tôi còn học rất nhiều thứ về oai nghi, sự chánh niệm và có cơ hội được tìm hiểu về cuộc sống thanh tịnh nơi chốn thiền môn của các thầy. Đôi lúc, tôi có những áp lực trong học học tập, cũng như trong cuộc sống, nhưng chỉ cần được về chùa, tham gia các khóa tu và cảm nhận sự bình an của các thầy, dường như những áp lực đó của tôi đều tan biến hết, tâm hồn tôi trở nên mát mẻ, tôi được làm mới lại chính mình. Ngôi chùa là nơi tôi được học hỏi rất nhiều thứ và giúp tôi tìm lại Phật tánh nơi mình. Nhiều lúc tôi gặp những vấp ngã trong cuộc sống, tôi tự an ủi với chính mình rằng: Dù cuộc đời này có ra sao đi nữa, dù có ra sao, cũng chẳng sao. Tôi biết mình sẽ chẳng sao vì tôi luôn có điểm tựa vững chắc là Tam bảo và luôn có một nơi để trở về là mái chùa thân yêu.“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”
(Nhớ chùa, HT. Mãn Giác)
Là người Phật tử, ngoài ngôi nhà nơi có cha mẹ mình, chúng ta may mắn còn có thêm một ngôi nhà khác, một ngôi nhà tâm linh, một điểm tựa vững chắc đó là mái chùa thân yêu. Với tôi cũng thế, từ lúc trở thành Phật tử, tôi biết rằng, chùa chính là ngôi nhà thứ hai của tôi. Tính ra, tôi thấy mình may mắn và giàu có vì có tận hai ngôi nhà để trở về. Nhờ được sống trong Chánh pháp mà những điều nhỏ bé ấy cũng đủ làm tôi hạnh phúc biết bao. Tôi hạnh phúc vì đang đi đúng con đường mình đã chọn - con đường của sự tỉnh thức và yêu thương. Cám ơn mọi nhân duyên trong cuộc đời đã cho tôi có cơ hội được biết đến Phật pháp và được thực hành những lời dạy của người, nhờ đó mà tôi có thể vượt qua những khổ đau trong cuộc sống và cảm nhận được sự an lạc trong tâm hồn. Dù tôi có đi đâu hay làm gì đi chăng nữa, tôi thường tự ý thức rằng mình đã là con của Phật thì phải sống sao cho đúng với những lời dạy của người. Tu rồi ta cũng vậy, nhưng suy nghĩ sẽ khác đi. Họ và tên: Trịnh Kim Diệu Pháp danh: Liên Diệu SĐT: 0399 313 329 Địa chỉ: Kí túc xá khu B Đại học Quốc gia TP. HCM, phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương