PSO – Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2020 bởi đại dịch nên các hoạt động lễ hội ở chùa tạm dừng lại, hoặc hạn chế tối đa. Đồng bào Khmer đón năm mới rất đơn giản, không rộn ràng như mọi năm. Nhiều gia đình làm ăn ở xa xứ cũng ở yên tại chỗ, vì cả nước đang thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về “giãn cách xã hội” để phòng, chống Covid-19.
Theo tiếng Khmer “Chôl Chnăm Thmây” dịch nghĩa tiếng Việt là “vào năm mới” bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 16/4 âm lịch hàng năm, đây là dịp người Khmer được xem lễ lớn và mong đợi nhất trong năm, bởi Tết Chôl Chnăm Thmây có rất nhiều nghi lễ như diễu hành rước Đại lịch, đắp núi cát, tắm Phật … Phần lớn các nghi lễ đều tập trung tại chùa. Không chỉ người Khmer Nam bộ, Tết còn diễn ra ở các nước Phật giáo Theravada như: Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Sri Lanka nhưng với tên gọi và tổ chức các hoạt động khác nhau. Mỗi người trên tay đều mang vật thực, hoa quả đi chùa cúng dường đến chư Tăng để cầu siêu đến các bậc ân nhân đã quá vãng, đồng thời cầu an cho mình và thân quyến hiện tiền luôn an vui, tiêu trừ bệnh tật. Ngoài ra, cũng là dịp con cháu được thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ còn sống. Bên cạnh đó, bà con cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng trong năm mới được tươi tốt bội thu.
Riêng tại chùa Hạnh Phúc Tăng tọa lạc xã Trung Thành (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) kéo thêm một ngày 17/4/2020, buổi sáng chư Tăng tổ chức đặt bát hội trong không khí trang nghiêm tại khu vực đắp núi cát với sự chứng minh của Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó BTS Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Vĩnh Long, Trụ trì chùa Hạnh Phúc Tăng đã hướng dẫn Phật tử cùng nhau cúng dường, gieo duyên lành nhằm thực hành hạnh bố thí cũng như nhắc nhở người con Phật luôn luôn phải nhớ tới người nghèo khổ hơn mình, giúp đỡ người khó khăn đó là một trong những nhân lành sanh phước báu.
Theo truyền thống người Khmer từ xưa đến nay, cứ sau ngày 16/4 – ngày cuối cùng của Tết là nghi thức tắm Phật. Còn tại chùa Hạnh Phúc Tăng vào chiều ngày 17/4/2020, sau ba hồi chuông trống, Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh dẫn đoàn chư Tăng cung thỉnh tôn tượng Đức Phật bắt đầu từ giảng đường, diễu hành chậm rãi và tiến bước vào chánh điện. Sau đó, tượng Bổn Sư được đặt tại đây, Thượng tọa chủ trì thắp hương và làm lễ cúng dường Tam bảo. Tiếp theo là tiến hành nghi thức tắm Phật thiêng liêng trong năm mới. Với nước được ướp bằng hoa thơm, đầu tiên Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh và lần lượt hai vị Tỳ khưu đến Sa di tắm nước thơm lên kim thân tôn tượng Phật trong sự trang nghiêm và hoan hỷ. Sau khi chư Tăng tắm Phật xong, kế tiếp là tới lượt Achar cùng vài Phật tử dùng bình nước thơm tắm Phật thực hiện theo trình tự vì đang trong dịch bệnh nên hạn chế đông người, không chen lấn như những năm trước.
Sau khi tắm Phật xong, được sự cho phép của Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh, chư Tăng cùng Achar và Phật tử tiếp tục thực hiện nghi thức sám hối và tắm nước thơm cho Ngài nhằm bày tỏ tri ân sâu sắc và sự ngưỡng phục trước tấm lòng từ bi cao cả của bậc ân sư suốt mấy mươi năm hy sinh không ngừng nghỉ để lo Phật sự, từ công tác Giáo hội, việc xây dựng chùa cho đến hướng dẫn tu tập.
Đại đức Thạch Chanh Sô Phe – đại diện Tăng chúng dâng lên tấm lòng thành kính và lời cầu chúc Thượng tọa thêm một tuổi mới, thân tâm thường an lạc, sức khỏe đong đầy mãi là bậc tùng lâm thạch trụ che chở cho đàn hậu học nương theo tu tập. Năm mới, Thượng tọa ban đạo từ và chúc phúc toàn thể đại chúng ngũ phần trong giáo pháp là “sống lâu, sắc tốt, an vui, sức mạnh và trí tuệ”.
Theo phong tục của người Khmer, ngày cuối cùng Tết Chôl Chnăm Thmây, đại diện trong gia đình cung thỉnh các Sư đến từng ngôi tháp đựng tro cốt và con cháu tập hợp lại nghe chư Tăng tụng kinh cầu siêu để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ và những người thân đã khuất. Đây là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer, qua đó nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hộ Nhãn
The post Vĩnh Long: Những hoạt động ý nghĩa Tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Hạnh Phúc Tăng appeared first on Phật Sự Online Tây Nguyên.