PSO - Nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN đã có bài viết "Ý nghĩa Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người - Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".
Ý nghĩa Phật đản không chỉ tôn vinh ba sự kiện thiêng liêng Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn của Đức Thế Tôn, mà còn nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong việc kiến tạo hòa bình, giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng một thế giới bền vững. Qua ánh sáng của đoàn kết, bao dung và tuệ giác, Hòa thượng gửi gắm thông điệp yêu thương, trách nhiệm và hy vọng cho nhân loại trong thời đại mới.
Toàn văn Ý nghĩa Phật đản của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN:
Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN VESAK LIÊN HỢP QUỐC 2025:
ĐOÀN KẾT VÀ BAO DUNG VÌ NHÂN PHẨM CON NGƯỜI:
TUỆ GIÁC PHẬT GIÁO VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BHP TƯ GHPGVN
Trong không khí trang nghiêm và hoan hỷ của đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 - một sự kiện trọng đại của Phật giáo đồ khắp thế giới mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam vinh dự đăng cai, tổ chức trọng thể trong ba ngày 6,7,8/05/2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh - chúng ta hãy cùng nhau đảnh lễ trước Thánh tượng trang nghiêm của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni và suy nghiệm về ba sự kiện trọng đại: Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn của bậc Đạo sư vĩ đại, cùng nhau hướng đến một thế giới hòa bình, với thông điệp “đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới”. Đồng thời, nhân Đại lễ Tam hợp này, các vị lãnh đạo Liên hợp quốc; nguyên thủ một số quốc gia; các vị lãnh đạo tiêu biểu của các truyền thống Phật giáo trên thế giới, các nhà nghiên cứu, học giả, nhân sĩ, trí thức và các nhà hoạt động xã hội cùng thảo luận, vận dụng lời dạy của đức Thế tôn vào thực tiễn để nuôi dưỡng bình an nội tâm, xây dựng con đường hòa giải, nêu rõ trách nhiệm chung vì sự phát triển con người, và nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.
Đại lễ Vesak diễn ra trong bối cảnh hân hoan kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCNVN và 50 năm thống nhất Tổ quốc. Hai sự kiện lịch sử này không chỉ là nét son chói lọi mang lại độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc và “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho nhân dân mà còn là nền tảng thiết yếu để giới lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái Phật giáo của ba miền đi đến thống nhất, khai sinh Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.
Hơn hai thiên niên kỷ trôi qua, ánh sáng Đạo pháp đã in đậm trong trang sử vàng son của dân tộc và Phật giáo đóng góp nhiều giá trị văn hóa, đạo đức, tư tưởng cho đất nước. Cho nên, có thể khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thực thể Phật giáo sinh động kế thừa sứ mệnh thiêng liêng, có trách nhiệm noi gương tiền Tổ, phát huy ánh sáng Chính pháp, nêu cao tinh thần hoà hợp chúng, kính ngưỡng và phụng hành giáo pháp vì sự hưng long Giáo hội, thịnh vượng dân tộc Việt Nam và góp phần cho hòa bình thế giới. Nêu cao ánh sáng tỉnh thức, con đường tịnh lạc.
Thông điệp “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” chứa đựng những giá trị sâu sắc và là lời kêu gọi hòa bình, tình yêu thương, và trách nhiệm với sự phát triển bền vững của nhân loại; là thông điệp mạnh mẽ về sự kết hợp giữa các nguyên lý đạo đức và tinh thần của Phật giáo trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững trước những thách thức toàn cầu như hạn hán, cháy rừng, biến đổi khí hậu; tàn phá môi trường, chiến tranh, khủng bố, bạo động, xung đột, v.v. Căn nguyên của những thảm họa này do tham lam, sân hận, si mê tạo nên. Con người sống với tâm vị kỷ, chiếm hữu, thiếu khoan dung, tha thứ; từ đó, đưa đến sự rạn nứt, mâu thuẫn, mất đoàn kết rồi dẫn đến xung đột, gây nên chiến tranh. Dù thắng hay bại đều nhận lấy hậu quả là thù oán và khổ đau, chỉ có sống cuộc đời tịnh lạc mới là niềm an vui đích thực, như lời đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú 201: “Chiến thắng sinh thù oán, thất bại chịu khổ đau. Sống tịch tịnh an lạc, bỏ sau mọi thắng bại”.
Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người
Đoàn kết: Mọi sự thay đổi và tiến bộ trong xã hội đều cần đến sự đoàn kết, từ việc xây dựng cộng đồng, quốc gia đến các mối quan hệ quốc tế. Đoàn kết giúp chúng ta vượt qua khác biệt, thấu hiểu lẫn nhau và cùng hướng đến mục tiêu chung. Phật giáo Việt Nam nhờ tinh thần đoàn kết hòa hợp nên mới thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1981. Trong mỗi Tăng - Ni đều ý thức được sự đoàn kết, hòa hợp và thanh tịnh là bản thể Tăng già, nêu cao tinh thân giới luật. Chỉ như thế mới trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm đoàn thể, phát triển Giáo hội.
Bao dung: là phẩm hạnh quan trọng trong Phật giáo, thể hiện lòng từ bi và sự khoan dung đối với những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, hay chủng tộc. Cho nên, bao dung không chỉ là chấp nhận, tôn trọng sự đa dạng của nhân loại, mà còn thấu hiểu sự khác biệt của người khác về sắc tộc, niềm tin, tôn giáo, văn hóa, tư tưởng, phong tục, tập quán, quan niệm sống, cách thức hành động; không lấy tư kiến để áp đặt người khác mà tôn trọng sự khác biệt để thực hiện sứ mệnh cao cả trên con đường chung. Đoàn kết chưa đủ mà cần có sự bao dung thì mới chấp nhận được sự khác biệt của nhau. Bao dung giúp con người sống đẹp, nhẹ nhàng, chân thành, tha thứ và cởi mở hơn.
Nhân phẩm con người: Tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm của con người là nguyên tắc cơ bản trong Phật giáo. Phật giáo nhấn mạnh sự quý giá của mỗi sinh mạng, khuyến khích
bảo vệ và nâng cao nhân phẩm của tất cả mọi người. Cho nên, trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy, trong xã hội cần có lòng từ bi và sự hiểu biết lẫn nhau, vì chúng ta chung một mục đích trong cuộc sống là sự giải thoát khỏi khổ đau. Hay trong Kinh Niết Bàn nói về sự giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau và mọi phiền não. Sự giải thoát không chỉ là sự thoát khỏi khổ đau cá nhân mà còn là sự thấu hiểu và hòa hợp với tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Khi tâm hoàn toàn giải thoát, con người sẽ thấy rõ bản chất của mọi sự vật, và từ đó, sẽ hành động vì lợi ích chung của tất cả chúng sinh, không vì ích kỷ cá nhân.
Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững
Tuệ giác Phật giáo: Phật giáo luôn hướng đến trí tuệ, sự sáng suốt và nhận thức đúng đắn về thế giới, giúp con người giải thoát khỏi đau khổ và phiền muộn. Tuệ giác này có thể được ứng dụng để giải quyết các vấn đề toàn cầu như xung đột, nghèo đói, và bất công. Hòa bình thế giới: Hòa bình không chỉ là sự ngừng bắn, mà còn là một trạng thái của sự hiểu biết, lòng từ bi và hợp tác giữa các dân tộc. Phật giáo cổ vũ cho việc hòa giải và giảm thiểu xung đột thông qua việc phát triển tâm hồn và trí tuệ. Thiết nghĩ, chỉ khi con người đạt được hòa bình trong tâm hồn, mới có thể xây dựng hòa bình ngoài xã hội. Không phải kẻ thù của ta là kẻ thù lớn nhất, mà chính là sự giận dữ trong ta, nếu không chế ngự nó sẽ dẫn đến đau khổ cho chính mình và người khác. Do đó, hãy sống trong tình yêu thương vô biên, không thù hận, không làm hại đến ai. Chỉ khi đó, hòa bình sẽ thật sự đến với thế giới này.
Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của thế hệ tương lai. Phật giáo, với nguyên lý về “tương quan sinh tồn”, nhấn mạnh sự kết nối và tương tác giữa con người với thiên nhiên, với các sinh vật khác, và với môi trường xung quanh. Sự hài hòa này cần phải được duy trì để bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự phát triển lâu dài cho tất cả mọi người. Cho nên, Kinh Pháp Hoa không chỉ nhấn mạnh đến sự giác ngộ cá nhân mà còn có sự liên kết giữa con người và vũ trụ, mỗi hành động của con người đều có ảnh hưởng đến thế giới xung quanh. “Thiên nhiên là cơ thể của con người. Nếu bị ô nhiễm trầm trọng, đời sống của con người sẽ tức khắc đi đến hủy diệt. Vậy nên, nếu con người hiểu rõ sự thật Duyên khởi, thì con người sẽ tự nguyện cật lực bảo vệ môi sinh khỏi ô nhiễm, bởi đó là ý nghĩa bảo vệ hạnh phúc và sự tồn tại của chính mình”1.
Như vậy, Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà còn là triết lý sống, cung cấp những nguyên lý giúp con người giải thoát khỏi khổ đau và sống hòa hợp với nhau. Tuệ giác Phật giáo hướng dẫn chúng ta về sự tương quan và kết nối giữa tất cả các sinh vật và vũ trụ, đồng thời khuyến khích mỗi cá nhân và cộng đồng sống chân thật, từ bi và khoan dung. Điều này là cơ sở cho hòa bình, bởi chỉ khi hiểu và tôn trọng lẫn nhau, chúng ta mới có thể tránh được xung đột và xây dựng mối quan hệ hòa hợp. Từ đó, các nguyên lý của Phật giáo là nền tảng mạnh mẽ để xây dựng các chính sách quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững. Các quốc gia và tổ chức quốc tế có thể áp dụng tuệ giác Phật giáo vào các chính sách về môi trường, giáo dục, công bằng xã hội và đối thoại liên tôn giáo.
Vì vậy, thứ nhất, chấp nhận nhiều góc nhìn về các nền tảng văn hóa khác nhau; nuôi dưỡng sự đồng cảm, hiểu biết và hợp tác tập trung vào các mục tiêu chung; đẩy mạnh chính sách hòa bình, giải quyết xung đột: Các nguyên lý của Phật giáo, đặc biệt là thực hành lòng từ bi và đối thoại, có thể là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết xung đột và xây dựng các chính sách ngoại giao hòa bình. Việc thúc đẩy một “nền văn hóa hòa bình” sẽ tạo nên một sức mạnh mềm góp phần tạo ra một thế giới không có chiến tranh và bạo lực.
Thứ hai, trau dồi năng lực liên văn hóa, nuôi dưỡng ý thức về quyền công dân toàn cầu; thúc đẩy quan hệ ngoại giao hữu nghị trên toàn thế giới, nhấn mạnh phát triển bền vững trong các chính sách quốc tế: Các nguyên lý phát triển bền vững trong Phật giáo có thể giúp định hướng các chính sách phát triển kinh tế, giáo dục và y tế dựa trên nguyên tắc bảo vệ thiên nhiên và quyền lợi của tất cả mọi người, không chỉ những thế hệ hiện tại mà còn những thế hệ tương lai.
Cuối cùng, nêu cao tầm nhìn chung cho một thế giới thống nhất, hòa hợp toàn cầu như một mục tiêu quan trọng để cải thiện nhân loại; nhanh chóng giải quyết khủng hoảng môi trường, xung đột chiến tranh: Trong khi nhiều quốc gia đang đối mặt với các vấn đề như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và chiến tranh xung đột, các nguyên lý của Phật giáo có thể khuyến khích một cách tiếp cận toàn diện, tìm kiếm sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, từ đó tìm ra những giải pháp thực tiễn cho các vấn đề môi trường và giải quyết mọi nguyên nhân xung đột.
Tóm lại, tuệ giác Phật giáo kim chỉ nam giúp hướng đến một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững. Những giá trị của đoàn kết, bao dung, từ bi, và tôn trọng nhân phẩm con người có thể giúp chúng ta xây dựng một xã hội không có xung đột và bất công, đồng thời bảo vệ và phát triển môi trường sống để phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại. Khi những nguyên lý này được thực hiện, Phật giáo không chỉ giúp giải quyết những vấn đề hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một tương lai tươi sáng, hòa bình và bền vững.
Như vậy, Đại lễ Vesak này là cơ hội để chúng ta lan tỏa thông điệp về tâm từ bi, ứng xử bình đẳng và hành xử nhân văn đi vào cuộc sống thực tiễn, không nên làm ngơ trước thực trạng các giá trị văn hóa, đạo đức có nguy cơ bị vụn vỡ, nhân phẩm con người bị hạ thấp và tượng đài hòa bình bị lung lay trong đại gia đình nhân loại. Hướng về đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, chúng ta bày tỏ niềm đại hoan hỷ trước ba sự kiện lớn Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn của Đức Thế Tôn; vui mừng Giáo hội đăng cai tổ chức sự kiện to lớn này cho đồng bào cả nước, nhưng trên tất cả là bày tỏ lòng kính ngưỡng Đức Thế Tôn, thừa hành hạnh nguyện của Chư lịch đại Tổ sư mà dấn thân phụng sự Giáo hội bằng tuệ giác có được nhờ vào nỗ lực tu tập của tự thân. Nhờ thực tập giáo pháp chúng ta có được đức tin vững chãi, an bình nội tâm và phát nguyện dấn thân phụng sự để xây dựng cảnh giới Tịnh độ giữa thế gian đầy nhiệt não này. Do đó, phẩm hạnh tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn là lễ phẩm cao quý dâng lên cúng dường Đức Thế Tôn, nhân Đại lễ Tam hợp này.
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.