PSO - Ngày thứ 5 (20/9), đoàn Khảo sát Kiến trúc Phật giáo (KTPG) do Ban Văn hoá Trung ương (BVHTƯ) GHPGVN phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước tiếp tục hành trình và đã có mặt tại tỉnh Sóc Trăng.
Đoàn của BVH TƯ GHPGVN, cùng Thượng toạ trưởng ban Thích Thọ Lạc, còn có HT. Thích Hải Ấn – UV HĐTS, Phó Trưởng Ban thường trực BVH TƯ; HT. Thích Quang Nhuận – UVHĐTS, Phó Trưởng ban; TT. Thích Hải Định – UV Ban VHTƯ đặc trách khu vực Tây Nguyên và chư Tôn đức Tăng Ni cùng các cơ quan chức năng: PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXHVN); TS. Tạ Quốc Khánh – Trưởng phòng Nghiên cứu Di tích và Bảo tồn Di tích (Viện Bảo tồn Di tích); Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan – PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Ths. KTS Nguyễn Minh Quang – Giám đốc CTCP Văn hoá Truyền thống Kim Liên; PGS.TS Vương Ngọc Lưu – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – Nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo; ông Nguyễn Thanh Xuân – GĐ TT UNESCO nghiên cứu bảo tồn văn hoá Tôn giáo và Tín Ngưỡng VN, cùng các Kiến trúc sư, Kỹ sư xây dựng các cơ quan truyền thông đã có ngày làm việc nhiệt thành, hiệu quả với 3 ngôi chùa tiêu biểu tại tỉnh Sóc Trăng.
HT. Tăng Nô đón tiếp phái đoànNgôi chùa đầu tiên đoàn công tác dừng chân là Thiền viện Trúc lâm Sóc Trăng (Bắc tông). Nơi đây cũng là trụ sở Ban Trị sự PG tỉnh Sóc Trăng. Tiếp đoàn có HT. Tăng Nô - UV HĐTS - Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh; HT. Thích Minh Hạnh - UV HĐTS - Phó trưởng ban thường trực BTS PG tỉnh; HT. Sovanh - NaPanha Trần Kiến Quốc - Phó Trưởng ban Trị sự PG tỉnh.
TT. Thích Thọ Lạc nhận quà tặng từ Ban Trị sự Phật giáo tỉnhThượng toạ trưởng đoàn Khảo sát Kiến trúc và Di sản đã chia sẻ với Chư Tôn đức BTS PG tỉnh Sóc Trăng và Thiền viện Trúc lâm cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý, nghiên cứu tham gia đoàn về mục đích của chuyến công tác này. Đề án Kiến trúc – là một trong 4 đề án lớn (Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản) mà những năm qua Ban Văn hoá TƯ GHPGVN thực hiện. Tinh thần xuyên suốt của 4 Đề án lớn mà Ban VHTƯ GHPGVN triển khai là “Thống nhất trong đa dạng” với ý thức tự tôn dân tộc, bảo tồn văn hoá truyền thống của Việt Nam. Đoàn khảo sát lần này có định hướng rất rõ: “Khảo sát Kiến trúc và Di sản của các ngôi chùa, tự viện tiêu biểu cho các hệ phái”, tiến tới nghiên cứu để đánh giá Phật giáo đóng góp vào kiến trúc và di sản của đất nước. Thượng toạ cũng mong muốn các địa phương thực hiện, quản lý các giá trị kiến trúc, di sản văn hóa mà ông cha để lại. Chúng ta rất có lỗi nếu để những giá trị này mai một, mất đi theo thời gian. Trăn trở của BVHTƯ là làm thế nào để thống nhất có biểu tượng chùa của GHPGVN, biểu tượng của chùa theo tông môn hệ phái để mọi người tiếp cận nhận biết được về ngôi chùa đó...”.
HT. Thích Hải Ấn và HT. Thích Quang Nhuận tặng quà cho Ban trị sự tỉnhMục đích chuyến khảo sát lần này của đoàn BVH TƯ và các cơ quan Trung ương là kiểm định, đánh giá kiến trúc và di sản của Phật giáo; Đồng thời mong muốn Ban Trị sự PG tỉnh cùng các vị trụ trì cơ sở tự viện chủ động kiểm soát, bảo tồn các kiến trúc và di sản nội tự. Điều này rất cần được chú trọng…
Điểm chùa đầu tiên đoàn dừng chân để khảo sát đó là chùa KhLeang là ngôi chùa cổ nằm trên địa bàn phường 6, thị xã Sóc Trăng do HT. Tăng Nô trụ trì. Hiện nay, tại chùa Khleang còn lưu trữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc địa danh Sóc Trăng, sự kiện xây dựng ngôi chùa đầu tiên và các nhân vật có liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, chùa được hình thành từ khi nào, bao lâu thì chưa rõ. Nhưng theo các vị sư hiện nay cho biết ngôi chính điện và ngôi sala mà chúng ta đang nhìn thấy đã được xây dựng lại mới hoàn toàn mới vào năm 1918, tức là vào thời gian ĐĐ. Liêu Đuông trụ trì.
Chùa theo đạo Phật phái tiểu thừa, thờ Phật Thích Ca và không có nữ tu. Toàn cảnh chùa Khleang nhìn từ trên caoMặt bằng chính điện hình chữ nhật trải dài theo hướng Đông Tây (cửa vào quay ra hướng đông). Phía trên mỗi khung cửa một ô trang trí hoa văn do các nghệ nhân Khmer tái hiện cuộc giao đấu giữa Tiên nữ và Chằn. Các nhân vật được phục sức theo lối Khmer cổ. Giữa các mảng trang trí nghệ thuật Khmer ta là tác phẩm của người Kinh như bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, điều đó phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong quá trình cộng cư lâu dài đã biết kết hợp các yếu tố tinh hoa trong nghệ thuật để học hỏi lẫn nhau và cùng phát triển.
Chùa Khleang được xem là một trong những Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tiêu biểu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long với lịch sử gần 500 năm. Chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer tinh tế, sắc sảo và có chút pha trộn với phong cách Việt - Hoa trong cách bài trí. Chùa hiện đang lưu giữ thư tịch cố Khmer về truyền thuyết, nguồn gốc Sóc Trăng.
Ngoài chức năng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, chùa Khleang còn là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer thông qua các ngày lễ hội hàng năm, cùng các hoạt động văn hóa khác. Nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức long trọng tại chùa, trong đó có Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới), Sene Đôl Ta (Lễ cúng ông bà), Oóc – Om – Bóc (Lễ cúng trăng),…
Điểm đến thứ 2 là chùa Dơi (hay còn gọi là chùa Mã Tộc) do TT. Lâm Tú Linh - trụ trì. Chùa toạ lạc tại khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Chùa được xây dựng theo kiến trúc chùa Khmer với khuôn viên rộng trên dưới 04 hecta và có nhiều cây cổ thụ. Đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần được trùng tu, sửa chữa và đặc biệt, là nơi tụ tập của loài dơi.
Người dân nơi đây cho biết, loài dơi có sẵn từ khi chùa được thành lập hoặc có thể xuất hiện trước đó. Lúc hoàng hôn buông xuống, đàn dơi bắt đầu bay lượn vài vòng quanh khu vực chùa, như cầu nguyện Đức Phật ban phước lành trước khi đi kiếm ăn. Đặc biệt, dơi không bao giờ bay qua nóc chánh điện mà chỉ đậu trên những tán cây trong chùa và đi kiếm ăn rất xa chứ không ăn ở chùa hay vùng lân cận. Tiếng đồn đại vang xa nên chùa trở nên nổi tiếng và rất nhiều khách thập phương tới viếng thăm, phần đông là người Hoa do quan niệm con dơi là điềm phúc.
Năm 1980, Đại đức đời 17 là ông Thạch Chia có nuôi một con dơi luôn quấn quýt bên ông như thú cưng. Khi có khách đến mà không có mặt ông, dơi liền phản kháng kịch liệt như chó giữ nhà.
Ngôi chính điện được xây dựng từ năm 1569, bằng gỗ lợp lá dừa nước. Năm 1960, chùa trùng tu toàn bộ ngôi chính điện bằng bê tông và 4 mái ngói chồng lên nhau hình tượng rồng. Ngôi chính điện có chiều cao 13,2m, chiều dài 20,8m, chiều rộng 11,3m. Sân được tráng ciment và một vòng rào lan can có 4 ngõ vào 2,2m. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật, cửa hướng đông. Chính điện có tượng Phật sơn son thếp vàng, cao 2m và bệ thờ được đắp nổi nhiều hoa văn hình cánh sen cùng nhiều tượng Phật nhỏ khác. Đặc biệt, hai bên tượng Phật có hai hoạ tiết hình con dơi đối xứng nhau và trần được trang trí bằng tranh sơn dầu hình tiên nữ múa.
Ngày nay, chùa Dơi không những là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer mà còn là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm của người dân nơi đây.
Chùa Sro Lôn (chùa chén kiểu) là điểm đến cuối cùng của đoàn khảo sát. Chùa tọa lạc tại ấp Tài Sum, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên với tổng diện tích 21.509,8m2 ha bao gồm tổng thể các công trình kiến trúc: Cổng chùa, đường nội bộ, sân, chính điện, Sala, nhà Phật hội, tăng xá, nhà tam bảo, nhà bếp, thư viện, trại để ghe ngo, lò thiêu, tháp để tro cốt, tum, vườn cây cổ thụ xung quanh chùa và một số cụm tượng sự tích Phật Thích Ca...
Công trình kiến trúc chính trong quần thể chùa Sro Lôn là ngôi chính điện. Chính điện là nơi thờ phụng Đức Phật Thích Ca. Kết cấu mái ngôi chính điện chùa có ba lớp mái dốc chồng lên nhau. Nhưng nét đặc trưng riêng của ngôi chùa Sro Lôn này là mái chùa không lợp bằng ngói mà được đúc liền bằng xi măng và cẩn toàn bộ bằng chất liệu gạch men loại nhỏ kết hợp với những mảnh chén, tô, dĩa kiểu vỡ giống như một tấm thảm nhiều màu sắc
Ngôi chính điện chùa Sro Lôn được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng có thể nói có một không hai ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng theo lối kiến trúc truyền thống của người Khmer, vừa có sự giao thoa văn hoá kiến trúc của dân tộc Kinh - Hoa. Qua đó, chúng ta có thể thấy được nét tinh xảo qua bàn tay điêu luyện, óc sáng tạo, trí thông minh của vị Hoà thượng trụ trì Tăng Dúch, nghệ nhân đã góp phần xây dựng lên ngôi chùa này.
Ngoài chính điện chùa còn có nhiều công trình kiến trúc khác như Sala, thư viện, nhà tam bảo, nhà ở của sư, nhà bếp, trại để ghe ngo, cây xanh xung quanh chùa...Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có sự kết hợp hài hoà và sự giao thoa văn hoá giữa ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong nghệ thuật kiến trúc của người Khmer Sóc Trăng.
HT. Sovanh - NaPanha Trần Kiến Quốc - Trụ trì trao tặng sách cho TT. Thích Thọ LạcNgôi chùa này là điểm đến lý tưởng thu hút rất nhiều khách tham quan. Mỗi khi nghe đến tên “Chùa Chén Kiểu” không ít du khách tham quan thắc mắc về cái tên và muốn đích thân tận mắt chứng kiến để lý giải về sự thắc mắc đó của họ.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:
Thích Tuệ Tánh