PSO - Nhằm tiếp tục triển khai, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; trao đổi, chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm, cách làm hay của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sáng ngày 25/11/2022, tại Hội trường Nhà khách Chính phủ (số 108 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) diễn ra hội nghị ký kết và triển khai chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2026.
Tham dự lễ ký kết có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQVN; Lãnh đạo các ban ngành TP.HCM cùng đại diện 43 tổ chức tôn giáo ở nhiều tỉnh, thành phố đồng tham dự.
Về phía GHPGVN có Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự TƯ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Ban Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng 2 TƯ GHPGVN.
Mở đầu hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình phát biểu khai mạc Hội nghị. Theo ông Nhân, hiện nay môi trường, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức sống còn đối với Trái đất, đối với nhân loại, đối với sự phát triển bền vững… cùng với áp lực từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm phức tạp. Ông Nhân mong muốn rằng, trong giai đoạn tiếp theo 2022 - 2026 cần có sự phối hợp tốt hơn nữa để góp phần làm cho đất nước ta nói riêng và ngôi nhà chung – Trái đất của chúng ta mãi xanh tươi – hạnh phúc – an lành.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình phát biểu khai mạc Hội nghị
Cũng tại hội nghị, ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình cho biết, qua triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTWMTTQVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2021, kết quả ghi nhận là, có gần 2000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Nhiều tỉnh, các tôn giáo đã có nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay trong việc bảo vệ môi trường.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình cho biết
Ông Ngô Sách Thực tiếp tục yêu cầu Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026 phải được quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, khoa học, thiết thực, hiệu quả. Để đạt được điều này, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các Tôn giáo và các ban ngành địa phương, ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp cần có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong việc tham gia trồng, bảo vệ phát triển rừng tự nhiên, rừng sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các tôn giáo tham gia trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc…
Tiếp nối tại lễ ký kết, linh mục Ngô Sĩ Đình, Giám đốc Caritas Việt Nam; mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam; Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Ban Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam… cùng đại diện các tôn giáo phát biểu tham luận, nêu ý kiến về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đưa ra những mặt hạn chế và những sáng kiến để việc bảo vệ môi trường được tốt hơn.
Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Ban Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Đại diện các tôn giáo phát biểu tham luận
Sau phần phát biểu đại diện từ các Tôn giáo, Ban ngành, đoàn thể, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo tiến hành ký kết, tặng quà, chụp ảnh lưu niệm.
Kết thúc hội nghị, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình nhấn mạnh: Việc triển khai Chương trình phối hợp trong giai đoạn 2022-2026 sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Đặc biệt là phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cùng với đó, quan tâm xây dựng các mô hình tự quản về môi trường ở khu dân cư gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng phát triển các mô hình thành phố bền vững về môi trường, mô hình làng sinh thái, mô hình phân loại rác thải tại nguồn, để giúp cho môi trường ngày càng “xanh – sạch – đẹp”.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phát biểu đúc kết
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
Dương Tài