GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
-----------------------
40 NĂM GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM:
HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CÙNG ĐẤT NƯỚC
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự
Giáo hội Phật giáo Việt Nam
I. SỰ RA ĐỜI TỔ CHỨC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (07/11/1981) LÀ MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ TẤT YẾU
Lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo đã hòa quyện với văn hóa dân tộc góp phần bảo vệ văn hóa Việt Nam trước các cuộc xâm lăng đồng hóa văn hóa từ phương Bắc. Phật giáo trở thành thành tố văn hóa của dân tộc. Trong giai đoạn Lý - Trần Phật giáo đã góp phần định hình Quốc gia dân tộc, định đô Thăng Long và đóng góp quan trọng vào bang giao quốc tế của các triều đại Việt Nam trong lịch sử. Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập có thể nói là sự thống nhất các hệ phái đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tinh thần nhập thế, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp công sức làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng giành độc lập của dân tộc.
Sau ngày 30/04/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giang sơn nối liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà. Đây là yếu tố hết sức mãnh liệt và là bối cảnh vô cùng thuận lợi, là động lực để chư Tôn Giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây chính là duyên khởi của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ 09 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước:
- Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
- Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh.
- Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.
- Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán.
- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.
- Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ.
- Hội Phật học Nam Việt.
Kể từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động Phật sự theo hướng đi lên của thời đại, đến nay đã tròn 40 năm, trải qua 08 nhiệm kỳ.
II. THÀNH TỰU PHẬT SỰ 40 NĂM CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
A. SỰ TRƯỞNG THÀNH VỀ MẶT TỔ CHỨC GIÁO HỘI
Khi mới thành lập tháng 11 năm 1981 nhiệm kỳ đầu là thời kỳ xây dựng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 02 Hội đồng: Hội đồng Chứng minh 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 49 thành viên, có 06 Ban ngành Trung ương và 28 Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo hoạt động. Từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ V là thời kỳ củng cố và phát triển. Trải qua 40 năm, nhiệm kỳ VII, VIII là nhiệm kỳ kế thừa, ổn định và phát triển bền vững, kiện toàn và đổi mới tổ chức. Hiện nay tổ chức GHPGVN có số lượng 96 thành viên HĐCM, 225 Ủy viên Hội đồng Trị sự và 45 Ủy viên dự khuyết. Hệ thống tổ chức Giáo hội gồm 13 Ban Viện Trung ương hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục Phật giáo, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế Tài chính, Phật giáo quốc tế, Từ thiện xã hội, Pháp chế, Kiểm soát, Thông tin Truyền thông, Viện Nghiên cứu Phật học. Hệ thống tổ chức Giáo hội thống nhất từ Trung ương đến các địa phương.
Thành tựu nổi bật sau 40 năm về công tác tổ chức Giáo hội là Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kiện toàn và nâng tầm hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Giáo hội quản lý 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả đều hoạt động theo Hiến chương GHPGVN.
B. THÀNH TỰU PHẬT SỰ CÁC BAN NGÀNH VIỆN
1. Công tác Tăng sự:
Tăng sự là hoạt động trọng tâm của Giáo hội, sau 40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc tính đến nay với số lượng 18.544 cơ sở tự viện; 54.169 Tăng Ni, gồm: 40.095 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 08 Tu nữ; 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.284 Khất sĩ và hàng chục triệu tín đồ Phật tử tu học thường xuyên tại các cơ sở tự viện; khoảng 60%/93.000.000 dân số là những người yêu mến đạo Phật trong cả nước.
Phật sự nổi bật của Ban Tăng sự TƯ trong 40 năm qua là tổ chức, quản lý tốt công tác Tăng Ni, tự viện. Hướng dẫn thống kê Tăng Ni, tự viện; thực hiện việc cấp giấy chứng nhận Tăng Ni, An cư kết hạ, thuyên chuyển vùng tu học và sinh hoạt Phật sự, bổ nhiệm trụ trì các tự viện trên cả nước. Hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố tổ chức hàng trăm Đại Giới đàn, truyền giới cho hàng chục ngàn giới tử.
Ban Tăng sự Trung ương đã tổ chức các hội nghị Tăng sự toàn quốc và các hội thảo khoa học chuyên ngành nhằm đáp ứng được việc quản lý, chấn chỉnh sinh hoạt Tăng Ni, tự viện trong thời kỳ mới. Đặc biệt là Hội nghị Tăng sự chủ đề: Thống kê Tăng Ni, Phật tử ở Việt Nam: Lý luận và Thực tiễn. Hội nghị được sự quan tâm đóng góp ý kiến của Chư Tôn đức, các Giáo sư, học giả trí thức, các nhà nghiên cứu, đã nêu được những vấn đề cơ bản để giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế và giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo, các nhà hoạch định chính sách xã hội trong định hướng phát triển đất nước.
Sự ra đời của Phân ban Ni giới Trung ương trực thuộc Ban Tăng sự được thành lập tháng 11/2008 hoạt động rất có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực Phật sự, đóng vai trò quan trọng trong thành tựu Phật sự chung của Giáo hội, nhất là công tác từ thiện xã hội.
Ban Tăng sự Trung ương cũng đặc biệt quan tâm đến sự đoàn kết các hệ phái Phật giáo, hỗ trợ các hoạt động Phật sự của Phật giáo Nam tông Khmer, Trung ương GHPGVN đã tổ chức thành công 09 kỳ Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long.
2. Công tác Giáo dục đào tạo Tăng Ni:
Giáo dục và đào tạo Tăng Ni có trình độ Phật học căn bản và nâng cao là một trong những Phật sự trọng tâm của Giáo hội. Do đó, công tác giáo dục luôn được lãnh đạo các cấp Giáo hội quan tâm, chú trọng và tạo điều kiện để giáo dục Phật giáo luôn được phát triển.
Ngay từ khi GHPGVN được thành lập đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN đã đề nghị Chính phủ cho phép thành lập các Trường đào tạo Phật giáo. Ngay trong năm 1981 Trường cao cấp Phật học Việt Nam đã được thành lập tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Sau 40 năm, đến nay Giáo hội có 4 Học viện mà tiền thân là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam: Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, Tp Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp Cần Thơ. Đến nay các Học viện đã đào tạo trên 10.000 Tăng Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 3.000 Tăng Ni sinh.
Hệ Cao đẳng Phật học có 09 Lớp Cao đẳng Phật học đã đào tạo hơn 4.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp; và đang đào tạo hơn 1.000 Tăng Ni sinh. Cả nước có 35 Trường Trung cấp Phật học, đã đào tạo trên 12.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học, đang đào tạo gần 5.000 Tăng Ni sinh. Hầu hết các tỉnh đều mở lớp Sơ cấp Phật học.
Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã soạn thảo giáo trình và bộ sách giáo khoa Phật học căn bản phục vụ công tác đào tạo các trường Trung cấp trong cả nước.
Thành tựu nổi bật sau 40 năm của công tác đào tạo Tăng Ni là việc Giáo hội đã chủ động giới thiệu hơn 500 Tăng Ni sinh đi du học tại Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Srilanka… Có gần 300 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ về nước phục vụ công tác Giáo hội các cấp. Đây là nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo Giáo dục Phật giáo của Giáo hội trong thời hiện đại.
Với đội ngũ giảng viên hùng hậu, có trình độ ngang bằng các trường Đại học trong nước và Quốc tế, Giáo hội đã được Nhà nước cho phép đào tạo hệ Cao học Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học tại Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế.
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho phép Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Viện Trần Nhân Tông cũng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho Phật giáo trong tương lai, góp phần vào việc thúc đẩy công tác đào tạo Tăng Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3. Công tác Hoằng pháp:
Ban Hoằng pháp Trung ương là một trong những Ban Viện quan trọng trong tổ chức Giáo hội thực hiện sứ mệnh Hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh đem ánh sáng đạo Phật vào đời sống nhân dân.
Trải qua 8 nhiệm kỳ, công tác đào tạo Cao và Trung cấp Giảng sư tại phía Nam đã đào tạo 11 khóa, điểm học tại chùa Hòa Khánh, Tp. Hồ Chí Minh; phía Bắc đang đào tạo Tăng Ni Giảng sư tại chùa Vạn Phúc, Tp. Hà Nội. Có trên 1.500 Tăng Ni Giảng sinh tốt nghiệp. Nhiều lớp, nhiều khóa bồi dưỡng Giảng sư Cao cấp và Trung cấp được mở ra để tạo nguồn nhân lực cho công tác hoằng pháp, tìm ra phương thức hoằng pháp phù hợp với từng đối tượng, vùng miền với nhiều hình thức khác nhau; thành lập, thăm viếng, thuyết giảng và nâng cao hiệu quả sinh hoạt của các Đạo tràng, các Câu lạc bộ Phật tử, đa dạng hóa hình thức hoằng pháp.
Ban Hoằng Pháp các tỉnh thành khu vực phía Bắc đã nỗ lực hoạt động thuyết giảng cho các Phật tử tại các giảng đường và khóa An cư kết hạ. Chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp phối hợp cùng các vị trụ trì tổ chức khóa tu Bát quan trai, Niệm Phật, trì Chú Đại Bi v.v... mỗi giảng đường có từ 200 đến trên 2.000 Phật tử tham dự thính pháp, tu tập.
Tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam các Đạo tràng, hướng dẫn Phật tử tu tập các khóa tu Niệm Phật, Trì chú Đại Bi, Một ngày an lạc, Bát Quan Trai v.v.. cùng các lớp giáo lý tại địa phương tương đối đồng bộ và đều khắp, tạo nên tinh thần say mê học Phật trong các giới Cư sĩ, Phật tử tại gia, mỗi điểm giảng trung bình có từ 300 đến 3.000; có tỉnh nhân mùa Phật đản kết hợp việc thuyết pháp và văn nghệ đã thu hút 10.000 Phật tử thính pháp như Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế...
Với phương châm: Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bản hoài, các thành quả hoạt động của công tác Hoằng pháp đã góp phần truyền bá giáo pháp Đức Phật đến mọi tầng lớp đồng bào Phật tử, tăng trưởng đạo tâm, phát huy chính tín, tạo nguồn an lạc, giải thoát, ổn định trong cuộc sống và sự tu tập theo Chính pháp của người Phật tử tại gia bằng các hình thức hoằng pháp đa dạng, đã thu hút nhiều giới trẻ thanh thiếu niên, sinh viên của các trường Cao đẳng, Đại học v.v... tham gia các hội thi giáo lý, nghe thuyết giảng giáo lý, pháp đàm, pháp thoại. Đặc biệt, công tác Hoằng pháp kết hợp với công tác từ thiện đã đạt được rất nhiều kết quả thiết thực.
Công tác Hoằng pháp hải ngoại cũng được Giáo hội quan tâm và phát triển. Ban Hoằng pháp cùng với Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Phật giáo Quốc tế đã triển khai chương trình hoằng pháp tại hải ngoại. Với nhiều chuyến hoằng pháp Châu âu, Giáo hội đã thành lập được các Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Đức, Hungary, Ucraina, Ba Lan, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào …
Đặc biệt, kể từ cuối năm 2019 đến nay, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, nên Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh đã áp dụng chương trình hoằng pháp Online như thuyết pháp, tọa đàm, lớp học giáo lý, hội nghị Hoằng pháp Online đã có hàng ngàn người tham dự, tạo nên tinh thần học Phật sôi nổi.
4. Công tác Hướng dẫn Phật tử:
Công tác hướng dẫn Phật tử ngày càng được đa dạng và làm phong phú hình thức sinh hoạt của Phật tử. Sinh hoạt của Gia đình Phật tử vẫn là một nhu cầu cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt của Phật tử (hiện có 1.061 đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt trong Giáo hội; 9.343 Huynh trưởng và 53.717 Đoàn sinh). Theo tổng hợp của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, có 1.242 đạo tràng Tu Bát Quan trai, 35 đạo tràng Tu thiền, 80 đạo tràng Pháp hoa, 81 đạo tràng Đại Bi, 40 đạo tràng Dược Sư, 698 đạo tràng Niệm Phật, 232 đơn vị tổ chức khóa tu Một ngày an lạc, và hàng trăm lớp giáo lý với hàng triệu Phật tử thường xuyên tu tập tại các Đạo tràng; hình thức Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử sinh hoạt rất sôi động và có hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại của thời đại kỹ thuật số vào công tác hoằng pháp phù hợp với giới trẻ. Ban Hướng dẫn Phật tử đặc biệt chú trọng đến nhiều tầng lớp, thành phần của xã hội, trong đó tập trung đến lớp thanh thiếu niên và đội ngũ trí thức. Hàng trăm nghìn Phật tử đã tham gia các khóa tu do Ban Trị sự, Ban HDPT, Ban Hoằng pháp tổ chức cho thấy nhu cầu tu tập và được hướng dẫn tu tập rất cao trong xã hội và đòi hỏi Giáo hội phải quan tâm đáp ứng.
Ban HDPT đã tổ chức nhiều hội trại sinh hoạt tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong 40 năm qua, đã tổ chức nhiều hội trại khắp cả nước có hàng chục nghìn thanh thiếu niên đã tham dự các khóa tu mùa hè cho các cháu thanh thiếu niên Phật tử và học sinh đã trở thành một nét đặc sắc đáp ứng nhu cầu giáo dục hè cho các cháu học sinh. Nhiều hội thi giáo lý, các khóa truyền quy y cho đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, các vùng miền núi và hải đảo được tổ chức. Phong trào tiếp sức mùa thi được tổ chức tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, phong trào hiến máu nhân đạo, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… đã được Ban HDPT các tỉnh, thành phố triển khai rất tốt.
Tại các Hội thảo, Hội nghị, hay tổ chức Đại lễ Quy y cho đồng bào Phật tử, nhất là Phật tử các vùng dân tộc, Tây Nguyên, Ban Hướng dẫn Phật tử đều kết hợp với Ban Hoằng pháp để thuyết giảng Phật pháp và Ban Từ thiện Xã hội để thực hiện các công tác từ thiện, đã thể hiện trọn vẹn tinh thần và bổn phận của người Phật tử tại gia đối với Đạo pháp và Xã hội.
5. Công tác Nghi lễ:
Kể từ ngày thành lập Giáo hội đến nay, Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Nghi lễ các tỉnh thành đã tích cực góp phần vào trang nghiêm các Giới đàn, các nghi lễ khai pháp, tạ pháp tại các Hạ trường, lễ Quy y... Tổ chức thành công 02 kỳ Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc.
Đại Lễ Phật đản được Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng như tại các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường đều tổ chức trang nghiêm trọng thể.
Giáo hội đã tổ chức trang nghiêm trọng thể Lễ tang Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ tại Tổ đình Viên Minh, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Tp. Hà Nội từ ngày 21 đến ngày 24/10/2021 (tức ngày 16-19/9/Tân Sửu), tổ chức trang nghiêm Lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công, Chư tôn đức Trưởng lão các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, Chư tôn đức Giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư Tôn đức Tăng Ni viên tịch thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật.
Đặc biệt, GHPGVN đã 03 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào năm 2008, 2014, 2019 tại Việt Nam, thành công rực rỡ, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho bạn bè quốc tế và khu vực về đất nước Việt Nam, Văn hóa dân tộc và Văn hóa Phật giáo Việt Nam, một Giáo hội Phật giáo Việt Nam duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Nét nổi bật của Ban Nghi lễ trong thời gian qua là tổ chức Đại lễ Cầu siêu quốc gia tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang quốc gia và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố đã đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và các ngày lễ lớn của dân tộc, của Phật giáo tại nghĩa trang các tỉnh, thành phố. Đặc biệt là cử 3 hồi chuông trống Bát nhã nhân ngày 27/7. Giáo hội kết hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và các tỉnh, thành phố tổ chức Đại lễ cầu siêu nạn nhân bị tai nạn giao thông trên toàn quốc.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Chính quyền các cấp cùng với các tuyến đầu chống dịch đã từng bước ổn định tình hình dịch bệnh, khắc phục, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân. Để chia sẻ những đau thương mất mát trong đại dịch, Giáo hội đã kêu gọi Chư Tôn đức Tăng Ni các tự viện tụng kinh cầu nguyện Quốc thái Dân an, cầu nguyện cho đại dịch sớm qua và cầu siêu cho những nạn nhân tử vong vì dịch bệnh.
6. Công tác Văn hóa:
Với chức năng và nhiệm vụ được giao, bằng tinh thần và trách nhiệm, trong 40 năm qua, Ban Văn hóa Trung ương đã thực hiện một số công tác văn hóa trọng tâm như:
Về công tác trùng tu, xây dựng cơ sở Phật giáo: Được sự giúp đỡ của các cơ quan lãnh đạo Trung ương và địa phương có liên quan, công tác trùng tu, kiến tạo hàng nghìn cơ sở Tự viện Tổ đình, danh lam thắng cảnh của Phật giáo cả nước được tiến hành có kết quả, nhất là các cơ sở tại vùng biên giới và hải đảo, góp phần trang nghiêm cơ sở tại địa phương, tạo thêm vẻ mỹ quan cho xã hội. Có 257 Tự viện được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, hàng trăm Tự viện được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, thành. Đặc biệt xây dựng các ngôi chùa tại biên giới hải đảo như chùa Bản Giốc, chùa Tà Lùng tỉnh Cao Bằng, chùa Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn, tại Phú Quốc, tại Côn Đảo và các ngôi chùa tại quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, có nhiều công trình lớn được trùng tu xây dựng và khánh thành như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (huyện Sóc Sơn); Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (cơ sở Lê Minh Xuân), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; Khánh thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng công trình Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ; công trình xây dựng trụ sở Văn phòng như Trụ sở Văn phòng Trung ương Giáo hội - Chùa Quán Sứ, Hà Nội; Văn phòng 2 TWGH - Thiền viện Quảng Đức; nhiều trụ sở Ban Trị sự các tỉnh thành và Trung tâm văn hóa Phật giáo tại các tỉnh, thành đã được xây dựng mới.
Tạp chí Văn hóa Phật giáo; Ấn phẩm Văn hóa Phật giáo Việt Nam của Ban Văn hóa Trung ương; Tạp chí Nghiên cứu Phật học của Phân Viện NCPH; Tạp chí Nghiên cứu Phật học Khuông Việt; Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy của Phật giáo Nam tông; Tuần báo Giác ngộ, Nguyệt san Giác ngộ, các số báo đặc biệt như báo Xuân, báo Phật đản, Vu Lan, Thành đạo được đọc giả đánh giá cao về mặt nội dung và hình thức. Trang báo điện tử của Trung ương GHPGVN, Giác ngộ online, Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Văn hóa, Ban Thông tin Truyền thông, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trung tâm văn hóa Liễu Quán (Thừa Thiên Huế) và nhiều trang Web của Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố đã đưa nhiều thông tin về các hoạt động của Giáo hội các cấp.
Nhân các sự kiện Đại lễ Phật đản, Đại lễ kỷ niệm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, các Đại lễ lớn của Giáo hội, đã tổ chức triển lãm những hình ảnh hoạt động Phật sự chuyên ngành được đông đảo Tăng Ni, Phật tử, sinh viên, học sinh, học giả, nhà nghiên cứu tham gia.
Từng bước triển khai thực hiện 04 đề án: Pháp phục Phật giáo Việt Nam, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam và Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tổ chức các đoàn thăm viếng, làm việc với Ban Trị sự, Ban Văn hóa Phật giáo tại các tỉnh, thành phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây. Tổ chức thành công nhiều hội thảo Văn hóa Phật giáo toàn quốc và triển lãm Văn hóa Phật giáo, và tổ chức lễ hội Phật giáo vùng miền.
Nhiều con đường được mang tôn danh các vị Quốc sư, Thiền sư, các bậc danh Tăng có nhiều cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc như: Thiền sư Vạn Hạnh, Quốc sư Khuông Việt, Sư Liễu Quán, Sư Thiện Chiếu, Thích Quảng Đức, Sư Minh Nguyệt, Thích Thuận Đức, Thích Thế Long, Ni sư Huỳnh Liên, Cư sĩ Lê Đình Thám, Nhất Chi Mai .v.v…
7. Hoạt động của Ban Kinh tế Tài chính:
Ban Kinh tế tài chính đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động phù hợp giữa đạo với đời trong hoạt động kinh tế Phật giáo.
Hằng năm, Ban Kinh tế Tài chính Trung ương đều có thông bạch vận động các Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành, Tăng Ni, Phật tử, các doanh nghiệp cúng dường công đức phí cho các hoạt động của Trung ương Giáo hội và địa phương. Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Tài chính đã cố gắng thành lập một số công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, hệ thống phòng phát hành kinh sách, cung cấp nguồn hàng văn hóa phẩm Phật giáo đến các cơ sở Tự viện.
Ban Kinh tế đã nỗ lực đảm bảo nguồn tài chính trong việc tổ chức các Hội nghị, Đại hội, Đại lễ lớn của Giáo hội.
Hoạt động nổi bật nhất của Ban Kinh tế Tài chính Trung ương vẫn là công tác từ thiện xã hội. Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Vingruop, Quỹ Thiện Tâm, Ban Kinh tế Tài chính Trung ương đã ủng hộ nhiều máy thở Oxy, phòng áp lực âm, lò hỏa táng từ thiện, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, đồng bào bị khó khăn do đại dịch.
8. Công tác Từ thiện xã hội:
Là một trong những công tác Phật sự trọng yếu của Giáo hội, công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội đã được Giáo hội chỉ đạo Tăng Ni, Phật tử và các chùa, tự viện các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Công tác từ thiện tập trung vào các hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động.
Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 01 phòng khám Đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân.
Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc… kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Giáo hội đã tổ chức thực hiện cứu trợ nhân đạo quốc tế trước các thảm họa thiên tai động đất, sóng thần tại Nhật Bản, Nepal, Indonesia…và gần đây nhất, trong làn sóng đại dịch Covid-19, Giáo hội đã ủng hộ lương thực, trang thiết bị vật tư y tế cho nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal…trong công tác phòng chống dịch.
Ngoài những công tác từ thiện nêu trên, những công tác phúc lợi xã hội như xây dựng các trường mần non, trường nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam cũng được nhân rộng và phát triển đúng hướng, góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em và cho xã hội. Xây nhiều cây cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, đào giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn, xe lắc cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi, phát quà tết, quà trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, siêu thị không đồng, chương trình "Sóng và máy tính cho em" v.v… đều được các thành viên Ban Từ thiện xã hội Trung ương, các tỉnh thành, các cơ sở tự viện, Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia.
Trong đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay, Giáo hội đã có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, Tăng Ni, Phật tử các Tự viện tích cực tham gia phòng chống dịch bằng nhiều hình thức như ủng hộ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế v.v... cho đồng bào vùng phong tỏa, cách ly và những người tuyến đầu phòng chống dịch hoặc lấy cơ sở tự viện làm điểm cách ly tập trung cho bệnh nhân Covid; Nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tham gia vào tuyến đầu, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid tại các bệnh viện dã chiến. Hưởng ứng vận động của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành đã ủng hộ vào quỹ Vaccine, máy thở, máy tạo oxy, thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng.
9. Công tác đối ngoại Phật giáo quốc tế:
Ngay từ khi mới thành lập, GHPGVN được thừa hưởng mối bang giao quốc tế của Chư vị tiền bối với tư cách là thành viên sáng lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới, thành viên tích cực tham gia vào tổ chức Phật giáo quốc tế như Hội Phật giáo Châu Á vì Hòa bình (ABCP), bang giao với các nước Phật giáo Mông Cổ, các nước thuộc Liên Xô cũ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Phật giáo bạn Lào, Campuchia anh em. Trong 40 năm qua từ chỗ không chủ động trong các mối quan hệ bang giao Phật giáo quốc tế, GHPGVN đã tích cực thể hiện sự chủ động và khẳng định vai trò của mình trong hội nhập quốc tế. Giáo hội đã trở thành thành viên của các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới: Thành viên sáng lập Liên Minh Phật giáo thế giới (Ấn Độ), Hội Phật giáo Thế giới truyền bá Chính pháp, Hội đệ tử Như Lai Tối thượng (Srilanka), Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vasak Liên Hợp Quốc (Thái Lan), Ủy ban Đại học và Cao đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan, thành viên Hội Sakyadhita thế giới, cũng như lãnh đạo Hội Phật tử Việt Nam tại Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào và các nước Châu Âu như Cộng hòa Séc, Đức, Hungary v.v...; Giáo hội đã thành lập Phân ban Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam (ABCP Việt Nam) thuộc Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN.
Thông qua việc tổ chức các đoàn của GHPGVN đi thăm viếng Phật giáo các nước, cũng như đón tiếp các phái đoàn Phật giáo các nước tăng cường tình hữu nghị và làm sâu sắc mối quan hệ quốc tế.
Nhằm trao đổi kiến thức và giao lưu về mặt học thuật trên diễn đàn Phật giáo quốc tế GHPGVN đã cử đoàn tham dự rất nhiều Hội nghị, hội thảo quốc tế tại các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ…. Đặc biệt, đoàn đại diện GHPGVN đã tham dự 8 lần Đại lễ vesak Liên Hợp Quốc tại Thái Lan và 2 lần Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại New York (Hoa Kỳ).
Với quyết tâm và nỗ lực của mình, GHPGVN còn đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2008 (tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội), năm 2014 (tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình), năm 2019 (tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với sự hiện diện của gần 112 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới, với sự tham dự của các vị Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và Lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức học giả Phật giáo; Các nguyên thủ quốc gia: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Srilanka, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan và Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Các quan chức Bộ trưởng của các nước tham dự Đại lễ; Các Đại sứ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tham dự; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc, bế mạc, phát biểu tại lễ cầu nguyện hòa bình thế giới v.v...; Lãnh đạo GHPGVN: Đức Đệ nhất Phó Pháp chủ, Chư tôn Trưởng lão Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Lãnh đạo Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự; Lãnh đạo các Ban, Viện TƯ GHPGVN; Lãnh đạo các Ban Trị sự GHPGVN 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; các Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu tham dự. Các Học giả, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Đại lễ Vesak tại Việt Nam đạt nhiều thành quả tốt đẹp qua cái nhìn đầy khâm phục của các nước Phật giáo và các tổ chức quốc tế về Việt Nam nói chung, GHPGVN nói riêng. Đây là thành tựu nổi bật nhất trong sứ mệnh hội nhập quốc tế của GHPGVN.
Giáo hội cũng đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ XI tại Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.
Thành tựu Phật giáo Quốc tế còn đánh dấu qua việc nhận lời mời của GHPGVN Thủ tướng cộng hòa Ấn Độ Naran Da MoNi thăm trụ sở Trung ương GHPGVN tháng 9/2016 và trong tuyên bố chung của Thủ tướng 2 nước đã có điều khoản Ấn Độ cấp học bổng cho Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Ấn Độ. Qua đó, khẳng định vai trò của GHPGVN trong hoạt động đối ngoại nhân dân. Chư tôn đức Lãnh đạo GHPGVN đã tham gia đoàn của Chủ tịch nước thăm hữu nghị chính thức Campuchia năm 2014, tham gia đoàn của Tổng Bí Thư thăm chính thức Hợp Chủng quốc Hòa Kỳ năm 2015.
10. Pháp chế, Kiểm soát:
Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát là một trong ba Ban mới được thành lập tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012). Với chức năng chuyên ngành, Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát Trung ương đã tham mưu cho Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng Trung ương Giáo hội trong công tác giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự, Tăng Ni, Tự viện.
Trên tinh thần trách nhiệm, Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát Trung ương đã tham dự Hội nghị Sinh hoạt Giáo hội, các phiên họp giao ban của Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng Trung ương Giáo hội; trực tiếp tham mưu, đóng góp ý kiến với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội trong các công tác Phật sự.
Để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về công tác Pháp chế, công tác Kiểm soát với Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát địa phương, cũng như triển khai Nội quy, chương trình hoạt động của Ban, Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát đã tổ chức các phiên họp Thường trực và Hội nghị chuyên đề.
Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát các tỉnh, thành phố đều tích cực hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được Ban Trị sự GHPGVN các cấp giao phó, góp phần ổn định tình hình sinh hoạt Tăng Ni, tự viện tại địa phương.
11. Thông tin Truyền thông:
Ban Thông tin Truyền thông được thành lập tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII năm 2012. Đến nay đã trải qua 02 nhiệm kỳ thành lập, nhưng các hoạt động thông tin truyền thông của Giáo hội rất thường xuyên, liên tục cập nhật đưa các thông tin Phật sự kịp thời và rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nét nổi bật trong công tác Phật sự của Ban TTTT T.Ư là sự kiện tổ chức các khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông toàn quốc tại Quảng Ninh, Hà Nội, Huế và tại Tp. Hồ Chí Minh.
Nhiều sự kiện khủng hoảng truyền thông liên quan đến cơ sở Tự viện, Tăng Ni được đăng tải trên các nhật báo, báo điện tử hoặc phát sóng trên các kênh truyền hình, Ban Thông tin truyền thông đã có những cuộc trao đổi, những phản ánh, đề nghị quý báo, quý đài sử dụng từ đúng mực, tránh việc câu khách, giật gân ảnh hưởng đến uy tín chung của giới tu hành và có những định hướng để các báo thực hiện tác nghiệp.
Đặc biệt, trong thời đại kỹ thuật số 4.0 Ban Thông tin Truyền thông Trung ương đã kịp thời cập nhật, hướng dẫn Ban Thông tin Truyền thông các tỉnh, thành phố cập nhật và triển khai nhiều chương trình hoạt động thông qua hình thức trực tuyến.
Nổi bật nhất là Cổng thông tin Văn phòng Trung ương Giáo hội (kênh Truyền hình trực tuyến Phật sự Online) được thành lập ngày 08/10/2018, do Thượng tọa Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN làm Tổng Biên tập. Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng - Kịp thời - chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”. Qua đó, đã truyền tải rất nhiều thông tin, hoạt động Phật sự của Trung ương và các tỉnh, thành.
12. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam:
Trong 40 năm qua, Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam in ấn, dịch thuật hoàn tất 5 Bộ Nikaya, 4 Bộ A Hàm và một số Kinh thuộc Tiểu Bộ. Đã và đang hiệu đính các Bộ Đại Thừa thuộc Hán Tạng. Phát hành hàng trăm đầu sách thuộc các thể loại như Kinh, Luật, Luận, Sử Phật giáo Việt Nam và Sử Phật giáo thế giới.
Các trung tâm của Viện nghiên cứu Phật học: Trung tâm Phật học Hán truyền, trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Thiền Phật giáo Nam tông, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phật học, Trung tâm Nghiên cứu Pali học, Ban phiên dịch Anh ngữ đã và đang phiên dịch, ấn hành các bản Kinh, các tác phẩm nghiên cứu Phật học, sưu tập, biên soạn đề cương, đề tài nghiên cứu v.v… đáp ứng nhu cầu đọc, tụng, tìm hiểu của Tăng Ni, Phật tử, các nhà học giả trong và ngoài nước.
Tổ chức và tham dự nhiều cuộc Hội thảo khoa học như hội thảo Thiền uyển Tập Anh, Bồ tát Quảng Đức, Sư Thiện Chiếu, Phật giáo thời đại mới cơ hội và thách thức, Thiền sư Trần Thái Tông, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Phật giáo đời Trần, Quốc sư Khuông Việt, Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ. Ngoài ra Viện Nghiên cứu còn tham dự nhiều hội thảo, hội nghị tại các nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Srilanka, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức, Mỹ v.v… với những đóng góp tham luận có giá trị Quốc tế.
Phân viện nghiên cứu Phật học phụ trách Tạp chí Nghiên cứu Phật học xuất bản đều đặn 2 tháng một kỳ, góp phần phát huy tính trong sáng và tích cực của giáo lý Đạo Phật, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu Phật pháp của Tăng Ni, Phật tử cũng như các nhà Nghiên cứu Phật học.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ VIII, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã biên soạn bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam bao gồm các tuyển tập Tam tạng Phật giáo Thượng Tọa bộ (ảnh hưởng các nước Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia), Tam tạng Phật giáo Bộ phái, Tam tạng Phật giáo Đại thừa (ảnh hưởng Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng), Văn học Sớ giải, Văn học Tông phái Phật giáo và Văn học Phật giáo Việt Nam, v.v... "Có thể nói, Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam hoàn chỉnh, không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn giúp cho người Việt Nam không biết các cổ ngữ Phật giáo, có thể tiếp cận lời Phật dạy bằng tiếng Việt, nhằm đạt được trí tuệ do nghe chân lý Phật (P. Sutamayapaññā, Văn tuệ), trí tuệ do nghiền ngẫm chân lý Phật (P. Cintāmayapaññā, Tư tuệ) và trên nền tảng này, tiếp tục đạt được trí tuệ do thực hành thiền chỉ, thiền quán (P. Bhāvanāmayapaññā, Tu tuệ). Xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam không chỉ là niềm mơ ước của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam mà còn tạo thuận duyên cho 97 triệu người Việt Nam trong nước và hơn 5 triệu người Việt Nam ở hải ngoại có cơ hội học Phật, tu Phật bằng tiếng Việt, để diệt trừ tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ, vốn là nhân khổ đau, đồng thời, trải nghiệm an vui, hạnh phúc bây giờ và tại đây, góp phần làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu, mạnh và phát triển bền vững". (Trích lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS GHPGVN).
C. CÔNG TÁC XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dàng Chư Phật, đồng thời, để phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, Tăng Ni và Phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Tham gia góp ý dự thảo xây dựng các dự án luật, trong đó đặc biệt là dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo; Tham dự Hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; Tham gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Liên kết với Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia trong việc vận động Tăng Ni, Phật tử thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo trong các lễ hội tôn giáo tại địa phương.
Với trách nhiệm và bổn phận của công dân đất nước, Trung ương Giáo hội và Giáo hội Phật giáo các cấp đã vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành đã giới thiệu Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu ứng cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp qua các kỳ.
Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các đại diện thành viên của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương đều tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành, Trung ương Giáo hội và GHPGVN các cấp, Tăng Ni, Phật tử trong toàn Giáo hội đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch như: Tham gia tuyến đầu phòng chống dịch, đóng góp vào quỹ Vaccine, hỗ trợ đồng bào vùng dịch, phong tỏa, cách ly v.v...
Nhìn chung, Tăng Ni và Phật tử luôn giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng 2 lần Huân Chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc.
III. TẦM NHÌN VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Nhân loại chúng ta đang ở trong quá trình hội nhập quốc tế, hợp tác, phát triển vì hòa bình và sự thịnh vượng chung. Thành tựu của cuộc CMCN 4.0, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá phát triển trên nhiều lĩnh vực và phương thức hợp tác, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với con người, với mọi quốc gia, dân tộc. Đồng thời, nhân loại cũng đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, mâu thuẫn, xung đột, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt trước nhiều thách thức cạnh tranh khu vực sâu sắc.
Đất nước ta, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao trên thế giới. Song, trong bối cảnh tình hình chung, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, cũng đặt ra nhiều thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đó, với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội để vững bước trong sự nghiệp chung chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng đất nước hướng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, Tăng Ni, Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam nỗ lực phấn đấu theo định hướng mục tiêu sau đây:
Một là, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp Tăng Ni, Phật tử các sơn môn, hệ phái trong Giáo hội. Phát huy trí tuệ, giữ vững kỷ cương, giới luật, lấy nguyên tắc lục hòa cộng trụ, vận dụng tứ nhiếp pháp trong điều hành và triển khai các hoạt động Phật sự ở tất cả các cấp Giáo hội nhằm xây dựng, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững mạnh trong lòng dân tộc và hội nhập quốc tế theo lý tưởng: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.
Hai là, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và Nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ba là, lấy sự nghiệp truyền bá chân lý giác ngộ của Đức Phật phụng sự vì phúc lợi, vì an lạc, vì hạnh phúc cho nhân loại là trách nhiệm phổ quát, cao quý của mỗi Tăng Ni và các cấp Giáo hội. Luôn luôn đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn đồng bào Phật tử phù hợp và đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội, phù hợp với xã hội hiện đại góp phần làm đẹp nền đạo đức xã hội. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo trở thành kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, tập trung giáo dục đào tạo Tăng Ni có đạo hạnh mô phạm, uyên thâm về giáo lý, giữ gìn tinh hoa, cốt lõi của giáo lý Phật giáo, vừa am hiểu lịch sử dân tộc, trang bị đầy đủ kiến thức xã hội, vừa thâm nhập thực chứng trong tu tập, vừa có đầy đủ năng lực truyền tải giáo lý ứng dụng vào đời sống của quảng đại quần chúng và đồng bào Phật tử nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra của xã hội đương đại.
Năm là, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao học thuật, tập trung nghiên cứu có định hướng và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.
Sáu là, tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với cộng đồng Phật giáo thế giới. Mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hoạt động đối ngoại đa phương, ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo thế giới, với các tổ chức Giáo hội Phật giáo các nước, với các tổ chức tôn giáo thế giới vì hòa bình. Kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài và đẩy mạnh sự nghiệp chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bảy là, phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, từ thiện và hoạt động nhân đạo. Bên cạnh việc cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thảm họa thiên tai, nghèo đói, công tác từ thiện xã hội tập trung vào nâng cao năng lực để tham gia vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh…như xây dựng các công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, bảo hiểm xã hội, tham gia vào lĩnh vực giáo dục, y tế cộng đồng.
Tám là, nâng cao năng lực quản trị hành chính của Giáo hội. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật số thời đại 4.0 cải cách hành chính của Giáo hội ở tất cả các cấp, các chùa và cơ sở tự viện. Xây dựng và đẩy mạnh mô hình Giáo hội kiến tạo phát huy sáng tạo của Tăng Ni, Phật tử phát triển Giáo hội nhập thế mạnh mẽ, phụng sự nhân sinh. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng giới luật Phật chế, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và pháp luật Nhà nước.
Trên đây là tầm nhìn và những định hướng lớn phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước bối cảnh của thế giới và đất nước trong thời kỳ đổi mới. Với tinh thần đại hoan hỷ, đại đoàn kết của Tăng Ni, Phật tử trước những thành tựu to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chặng đường 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước, chắc chắn các cấp Giáo hội sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập chung tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp cơ sở trong năm 2021, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp tỉnh năm 2022 và Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX (2022-2027) làm nền tảng vững chắc phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới và thời kỳ tiếp theo hướng đến tầm nhìn năm 2045./.