Hướng vọng kỷ niệm đức Thế Tôn thành đạo, vào ngày 28 và 29 tháng 10 năm 2023 (14&15.09 Quý Mão), tại Thánh địa Bồ đề Đạo tràng, tiểu bang Bihar, Ấn Độ; phái đoàn chư Tôn đức và Phật tử Việt Nam đã phát tâm thếp vàng tôn tượng đức Phật và kiến lập đàn tràng Pháp hội Dược sư thất châu, cầu nguyện thế giới hoà bình, cầu siêu chư hương linh tử nạn do chiến tranh và dịch bệnh Covid 19 trên toàn cầu.
Tham dự Pháp hội có HT. Thích Chơn Hương – Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT Huế; HT. Thích Huệ Phước – UVTT HĐTS, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp trung ương, Trưởng Phân Ban Hoằng pháp Hải ngoại, Phó Trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT Huế; TT. Thích Lương Nguyên – Phó Trưởng Ban Trị sự, Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh TT Huế; Đại đức Thích Quang Tư – Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh TT Huế, Đại đức Thích Thiền Trí – Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh TT Huế, Đại đức Thích Thiện Tuệ - Phó Thư ký, Chánh Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh TT Huế, Đại đức Thích Chí Viên – Phó Thư ký, Phó Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh TT Huế, Đại đức Thích Thiện Hương – UVTT Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương; Đại đức Thích Huệ Trọng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh TT Huế.
Thánh địa Bồ đề Đạo tràng là nơi đức Thế Tôn đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nơi đây còn lưu giữ toà Kim cang và cội Bồ đề linh thiêng, nơi Thế Tôn nhập đại định chứng đắc giải thoát tối hậu. Đại tháp Giác ngộ được đức Vua Asoka (thế kỷ thứ III trước tây lịch) dựng để tưởng niệm đức Thích Tôn Thành đạo. Dưới các triều đại về sau như Kushan (thế kỷ thứ I đến III sau tây lịch) và Pala (thế kỷ thứ VI đến X sau tây lịch), ngôi đại tháp đã được xây dựng mở rộng và khang trang hơn, đồng thời cho điêu khắc tôn tượng đức Thế Tôn trong tư thế “Xúc địa ấn” bên trong đại tháp để tưởng niệm và cũng là nơi đảnh lễ chiêm bái của hàng triệu Phật tử trên toàn cầu. Vào thế kỷ thứ XI, Bồ đề Đạo tràng đã bị phá huỷ bởi quân xâm lược Hồi giáo và Đại tháp đã bị chôn sâu dưới lòng đất. Từ thế kỷ thứ XIX, Đại tháp đã được phát hiện bởi các nhà khảo cổ đến từ Anh Quốc, sau đó công cuộc phục hồi đã được thực hiện. Năm 1891, nhà chiêm bái người Srilanka tên là A. Dhammapala đã đến chiêm bái Bồ đề Đạo tràng, đồng thời phát nguyện đòi lại sự trang nghiêm của Đại tháp cho tín đồ Phật tử từ sự kiểm soát của các tín đồ Hindu giáo. Năm 2002, quần thể Bồ đề Đạo tràng đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại.
Được sự phát tâm của quý Phật tử hiện trú tại Thủ đô Hà Nội; phái đoàn đã thành tâm thếp vàng Tôn tượng đức Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật tại Đại tháp Giác ngộ, đồng thời kiến lập đàn tràng Pháp hội Dược sư thất châu, Trai đàn Chẩn tế cầu nguyện thế giới hoà bình, cầu siêu chư hương linh tử nạn do chiến tranh và dịch bệnh Covid 19 trên toàn cầu. Dịp này, phái đoàn đã ghé thăm và tặng quà đến các em học sinh tại trường Tiểu học Sujata, hỗ trợ Ban Giám hiệu nhà trường nâng cấp và sửa sang cơ sở vật chất để các em có điều kiện học tập tốt hơn.
LỄ THẾP VÀNG TÔN TƯỢNG ĐỨC BỔN SƯ
TRÌ TỤNG KINH DƯỢC SƯ VÀ KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN CẦU NGUYỆN THẾ GIỚI HOÀ BÌNH, CHÚNG SANH AN LẠC
TRAI ĐÀN CHẨN TẾ, CẦU SIÊU CHƯ HƯƠNG LINH TỬ NẠN DO CHIẾN TRANH VÀ DỊCH BỆNH COVID 19 TRÊN TOÀN CẦU
THĂM VÀ TẶNG 125 PHẦN QUÀ ĐẾN CÁC EM HỌC SINH TRƯỜNG TIỂU HỌC SUJATA
Hương Thiền