Sáng ngày 07/01/2024 (nhằm ngày 26/11/Quý Mão), tại chùa Vạn Linh (Núi Cấm, An Giang), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm 70 năm Hòa thượng Thích Thiện Quang, húy Hồng Xứng, khai sơn tổ đình Vạn Linh viên tịch.
Hiện diện tham dự có Trưởng lão Hoà thượng Thích Huệ Tài, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hoà thượng Thích Bửu Thành, Trưởng lão Hoà thượng Thích Nhật Quang đồng Thành viên Hội đồng Chứng minh; Hoà thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang; Chư tôn giáo phẩm Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, thị xã Tịnh Biên; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, Ban Tri sự GHPGVN TP.Thủ Đức, H.Hóc Môn - TP.HCM; Tăng Ni trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh; cùng môn hạ đệ tử và đông đảo Phật tử gần xa.
Tại tổ đường, Hoà thượng Thích Tôn Quảng, Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN thị xã Tịnh Biên cung tuyên đạo nghiệp cố Hoà thượng Thích Thiện Quang.
Trong không khí trang nghiêm, chư tôn giáo phẩm cùng đại chúng đã thành kính niêm hương tưởng niệm, nhất tâm đảnh lễ bậc cao Tăng thạc đức, tri ân công đức cao dày của cố Hòa thượng đối với môn phong và đạo pháp.
Hòa thượng Thích Thiện Quang, pháp húy Hồng Xứng, sinh năm 1895 tại Mỏ Cày, Bến Tre. Ngài là đệ tử của Tổ Như Hiển - Chí Thiền, tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, là bổn sư của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Năm 30 tuổi, ngài tìm về chùa Phi Lai (núi Két) nơi trú xứ của Tổ Chí Thiền - Như Hiển (1861-1933), một bậc chân tu đắc đạo, giới đức tinh nghiêm xin xuất gia, được Tổ thâu nhận làm đệ tử và ban cho pháp danh là Thiện Quang.
Ngài siêng năng tinh tấn, chuyên tâm học tập kinh luật. Vốn tính tình lặng lẽ thâm trầm, thích ở nơi vắng lặng để dễ bề tu tập, năm 1927, sau mùa An cư, ngài được Tổ cho phép và lên núi Cấm cất am chuyên tu.
Sinh thời, ngài chuyên trì chú Đại bi và niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thuần thục đến độ khi ngủ vẫn niệm.
Hòa thượng có tài trị bệnh, tiếng lành đồn xa, nên nhiều người tìm đến xin điều trị, học thuốc, học đạo. Cảm ân đức của ngài, có người xin công quả, kẻ xin xuất gia ngày càng một đông.
Năm 1941, ngài hưng công xây dựng chùa với quy mô lớn. Từ đó, khai mở đạo tràng, tiếp Tăng độ chúng, xiển dương đạo pháp có sức ảnh hưởng rộng lớn tại miền Tây Nam bộ.
Năm 1946, trong tình hình chiến tranh, ngài cùng đồ chúng xuống núi tạm lánh ở nhà Phật tử tại Tri Tôn. Sau đó, theo lời mời của Phật tử, Hòa thượng về chùa Linh Bửu (Bình Thạnh, Sài Gòn) tá túc.
Sáng 26-11, ngài ngồi trên giường cùng đại chúng niệm Phật, sau khi niệm to đứt quảng danh hiệu Nam-mô A Di Đà Phật, ngài từ từ nằm ngay thẳng xuống giường, an nhiên thị tịch vào lúc 8 giờ 15 phút ngày 26-11-Quý Tỵ (31-12-1953), trụ thế 59 tuổi.
Trước đó, chiều ngày 06/01/2024 (25/11/Quý Mão), Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Pháp, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự đã quang lâm đối trước Tổ đường thắp hương tưởng niệm truy tán công hạnh Tổ sư.
Trong 2 ngày 06, 07/01/2024 (nhằm ngày 25, 26/11/Quý Mão), bốn chúng đệ tử trong tông môn đã trang nghiêm tổ chức các khoá lễ tụng kinh, niệm Phật, thắp nến tưởng niệm và hữu nhiễu Bảo tháp bày tỏ niềm tôn kính tri ân đối với bậc Thầy khai sơn tạo tự.
Chùa Vạn Đức - Thủ Đức