Nhằm xây dựng đề án kiến trúc chùa Phật giáo Bắc tông hoàn chỉnh, sáng 6-11, tại chùa Pháp Hoa (Quận 3, TP.HCM), Ban văn hóa Trung ương tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc, văn hóa và lịch sử cho đề án của Ban.
Điều hành tọa đàm, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên TT HĐTS, Trưởng Ban văn hóa Trung ương Giáo hội cho biết, đề án kiến trúc Phật giáo là 1 trong 4 đề án do Ban văn hóa khởi xướng gồm: Ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc và di sản đã được Ban thường trực HĐTS thông qua và Hòa thượng Chủ tịch ấn ký ban hành.
Hơn 2.000 năm hình thành và phát triển, Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái, tổ chức Phật giáo, điều đó gắn liền với sự đa dạng trong văn hóa. Do đó việc xây dựng đề án tổng thể về kiến trúc chùa Bắc tông phải tôn trọng nét đặc trưng của truyền thống để kế thừa phù hợp với xu thế thời đại và có tính thực tiễn trong công năng sử dụng.
Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ban văn hóa Trung ương và Phân ban kiến trúc Phật giáo có trách nhiệm đi khảo sát thực địa để có đủ dữ liệu, tổng hợp xây dựng đề án, sau đó trình Ban Thường trực HĐTS và cơ quan chức năng thẩm định. Về sau những ngôi chùa xây dựng theo mô hình thiết kế của đề án sẽ có kiến trúc đặc trưng truyền thống của Phật giáo Việt Nam.
Tham dự tọa đàm và phát biểu ý kiến Đại đức Thích Minh Ân, Ủy viên HĐTS, Phó Chánh văn phòng 2 Trung ương, Trụ trì chùa Minh Đạo (Quận 3) – Trú xứ của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS, có ý nguyện đại trùng tu chùa Minh Đạo làm ngôi chùa đầu tiên xây dựng trên đề án kiến trúc chùa Phật giáo Bắc tông.
Tham dự tọa đàm, Đại đức Thích Minh Ân, Ủy viên HĐTS, Phó Chánh văn phòng 2 Trung ương, đã gợi ý một số nội dung về lịch sử hình thành kiến trúc chùa Phật giáo Bắc Tông niềm Nam theo chiều dài lịch sử hình thành và phát triển. Trong đó nổi bật có các tự viện tại vùng Gia Định xưa, là Quốc Ân Khải Tường (cũ), tổ đình Giác Lâm, chùa Từ Ân…; đồng thời đánh giá cao nghị lực và sự quyết tâm của Ban Văn hoá dưới sự lãnh đạo của Hoà thượng Thích Thọ Lạc trong nhiều năm qua để giữ gìn nền Văn hoá Phật giáo lâu đời và thống nhất trong đa dạng.
Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu ý kiến và thảo luận sôi nổi về nội dung đề án mà chủ tọa đưa ra. Theo đó, các ý kiến điều nhấn mạnh về yếu tố kế thừa truyền thống văn hóa lâu đời Phật giáo Việt Nam để xây dựng kiến trúc mới mang tính đặc trưng. Các ý kiến điều được trân trọng tiếp nhận, đúc kết lại để làm cơ sở xây dựng đề án trong thời gian sớm nhất.
Đăng Huy