29/10/2024 11:03

Biển cả và Phật pháp

Nghe đọc bài:

PSO - Biển cả là nguồn cảm hứng, là kho tàng vô tận. Muôn loài sinh vật đều tìm được chỗ dung thân nơi biển cả. Chánh pháp Như Lai cũng vậy, luôn có sự khiêm cung và rộng mở để dung chứa, hóa giải tất cả phiền não thiên hạ.

Biển là không gian bao la, rộng lớn vô cùng, chiếm đến bảy phần mười diện tích bề mặt quả đất. Thế nên ai muốn khám phá biển đều khó mà hiểu hết được, bởi biển cả có gì đó vừa hiện thực, huyền bí lại vừa thâm sâu nhưng cũng thật gần gũi với con người. Biển đang sống, đang reo vui những làn sóng vỗ, đang cảm nhận hết tâm tư tình cảm con người, đang âm thầm dung chứa và ấp ủ nhân sinh như một người mẹ vĩ đại.

Biển có những đặc tính kỳ diệu mà mọi thành tố tạo nên nó đều mang một ý nghĩa, một triết lý thù thắng. Bờ biển có những bãi cát dài thoai thoải, có thể đưa chúng ta từ từ xuống nước, thuận tiện cho việc thả thuyền kéo lưới. Biển thu nhận nước của tất cả dòng sông, không kể lớn hay bé. Mỗi dòng sông lại có tên của riêng mình nhưng khi về đến biển, tất cả đều hòa vào làm một.

Nước biển sâu rộng bao la nhưng ở đâu cũng cùng chung một vị mặn dù ngoài khơi hay trong bờ. Lòng biển luôn có đủ thứ trân quý như: san hô, xà cừ, ngọc trai. tha hồ cho tất cả những ai tìm kiếm. Biển cả là chỗ dung thân cho muôn ngàn sinh vật, có những loài to lớn hàng chục mét và có loài nhỏ bé vô cùng.

Một người sống với biển nương nhờ biển, nên thương yêu và ca tụng biển hết lời. Cũng vậy, một người sống tu tập trong giáo pháp Như Lai thì thương yêu, trân quý và hết lời tán thán chánh pháp Như Lai. Đó là những gì?

Thứ nhất, nếu biển có bờ cát thoai thoải thuận tiện cho ta xuống nước, thì chánh pháp cũng vậy. Trong đạo pháp này, mọi người đều có thể tu tập từ thấp đến cao, từ nông đến sâu, đốn, tiệm, quyền, giáo, hiển, mật… vô lượng pháp môn, mở rộng cho tất cả đủ loài căn tính, già, trẻ, gái, trai, từ vua quan đến thứ dân, từ giàu sang đến nghèo hèn, ai cũng có thể đi vào chánh pháp. Đặc tính này cho thấy người vào đạo không choáng ngợp trước hệ thống giáo lý đồ sộ của Phật pháp, từ từ tiếp cận, dần dần sẽ được vẹn tròn. Phật pháp không từ bỏ ai, bất cứ ai cũng đều có thể đến tu tập trong giáo pháp này. Vì vậy, quý Phật tử không nên ngần ngại đến với đạo pháp. Hãy bước những bước đi đầu tiên rồi sẽ đến những bước trưởng thành.

Thứ hai, nếu biển luôn ở tại một chỗ mà không dời đi nơi khác, thì chánh pháp cũng vậy: Những nguyên tắc của pháp thì không bao giờ thay đổi, dù cho vật đổi sao dời, chân lý của Phật pháp hằng đúng.

Trong đạo pháp này, mọi người đều có thể tu tập từ thấp đến cao, từ nông đến sâu, đốn, tiệm, quyền, giáo, hiển, mật…

Thứ ba, nếu biển không bao giờ dung chứa tử thi, thì chánh pháp cũng vậy, không bao giờ dung túng vô minh biếng lười và hành động phạm giới. Đức Phật thường dạy: Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta. Một Tỳ kheo phạm giới để gặp được Phật và một Tỳ kheo vì quyết tâm giữ giới mà phải chết, không gặp được Phật. Phật dạy: Tỳ kheo chết nhưng giữ giới, tuy xa Ta nhưng rất gần Ta. Còn Tỳ kheo kia phạm giới để được sống và gặp Ta nhưng luôn cách xa ta ngàn dặm. Do vậy, một người lười biếng, dãi đãi không tu trong một đại chúng có tu thì không thể nào cư trú lâu dài, sớm muộn gì y cũng phải đào thải ra ngoài giáo pháp chơn chánh Như Lai.

Thứ tư, nếu biển chấp nhận nước của tất cả dòng sông không phân biệt nước sông nào, thì chánh pháp cũng thu nhận hết thảy mọi người, đủ mọi thành phần xã hội, dù quyền quý hay bần cùng; dù thông minh lợi căn hay độn căn ngu đần, đều được đón tiếp bình đẳng, cùng xưng là sa môn Thích tử và có thể chứng ngộ trong giáo pháp. “Nước trăm sông đổ về biển cả biến biển dơ thành sạch, người trăm họ quy y Tam bảo bỏ ác làm lành”.

Thứ năm, nếu biển không vơi đi thì cũng không đầy thêm dù đêm ngày muôn sông liên tục chảy về. Chánh pháp cũng vậy, chánh pháp là chánh pháp, không phải vì nhiều người đi theo mới là chánh pháp, hay ít người đi theo mà chánh pháp không phải là chánh pháp. Sự thịnh suy của nhân tình thế thái không bao giờ đánh giá được chân lý đạo pháp.

Thứ sáu, nếu nước biển cùng chung một vị mặn thì chánh pháp cũng thế. Dù được trình bày nhiều cách khác nhau hay hàng vạn pháp môn tu tập, chánh pháp chỉ có một vị duy nhất là giải thoát. Không có công năng giải thoát, đó không phải là chánh pháp. Thiền hay tịnh, tất cả đều đưa hành giả về một mối của sự giải thoát và giác ngộ.

Thứ bảy, nếu lòng biển có vô số các loài san hô, xa cừ và ngọc quý, thì chánh pháp cũng vậy. Giáo pháp Như Lai có đủ các pháp môn cao quý vi diệu, như: Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề, Bát chánh đạo…

Thứ tám, nếu biển là chỗ dung thân thoải mái cho hàng triệu loài sinh vật, từ nhỏ bé đến to lớn thì Chánh pháp cũng vậy. Trong giáo pháp Như Lai, một em bé hoặc một người độn căn ít học vẫn có thể tu học thoải mái, cho đến bậc đại nhân như Bồ tát, Thanh văn, Bích chi, La hán cũng đều có cơ hội tu tập và hoằng hóa trong môi trường rộng lớn này.

Như vậy, biển cả là nguồn cảm hứng, là kho tàng vô tận. Muôn loài sinh vật đều tìm được chỗ dung thân nơi biển cả. Chánh pháp Như Lai cũng vậy, luôn có sự khiêm cung và rộng mở để dung chứa, hóa giải tất cả phiền não thiên hạ. Phật pháp có khả năng điều phục tham, sân, si thành từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, luôn đề cao Giới, Định, Tuệ để tẩy sạch vô minh tham ái. Biển có khi hiền hòa dịu êm nhưng cũng có lúc cồn cào sóng dữ. Đạo pháp Như Lai luôn đầy đủ đức tính từ bi, nhu hòa, nhẫn nhục nhưng vẫn nêu cao tinh thần đại hùng, đại lực. Luôn mang sứ mệnh hưng thiện, xóa ác; đối với mọi u mê không dung thứ, đối với chút thiện căn không từ nan luống bỏ. Luôn nêu cao tinh thần phá tà hiển chánh, dẹp trừ ma quân thiệu long Tam bảo. Biển luôn tự tại tuyệt vời, tự tại vô ngại trước mọi gian nguy không bao giờ nao núng. Phật pháp bao giờ cũng là Phật pháp, dù cho vật đổi sao dời, lòng người thay đổi, biến hóa thăng trầm nhưng chân lý vẫn tự tại vượt qua mọi không gian, thời gian.

Vì vậy, một người yêu biển cả ngày đêm ca tụng vẫn không bao giờ cạn nguồn cảm xúc. Chánh pháp Như Lai có xưng tán muôn lời cũng không cùng tận. Vì Phật pháp giải quyết vấn đề khổ đau muôn thuở cho hết thảy chúng sanh. Nhưng chúng sanh vô biên nên Phật pháp cũng phải vô tận, bất khả tư nghị:

“Chánh pháp đẹp vô cùng, lời vàng từ ý Phật

Con xin quay trở về , nương tự a Đạt-ma-da”.

ĐĐ.TS. Thích Trung Định

Download Android Download iOS
Đồng Nai: Ban Văn hóa Trung ương vấn an Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch và xin chỉ đạo

Chiều 11/11, Đoàn công tác Ban Văn hóa Trung ương do Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến vấn an Đức Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, tại chùa Quốc Ân Khải Tường, tỉnh Đồng Nai.

Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

Bình Định: Ban Trị sự Phật giáo Tp. Quy Nhơn tổ chức hiến máu tình nguyện lần thứ 9

PSO - Sáng 10/11/2024 tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN Tp. Quy Nhơn (tổ đình Minh Tịnh, 35 Hàm Nghi) Ban Trị sự Phật giáo Tp. Quy Nhơn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện lần thứ 9 “Giọt hồng từ bi”.

Bình Định: Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHTN thành phố và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Quy Nhơn

PSO - Sáng ngày 11/11/2024 (nhằm ngày 11/10/Giáp Thìn), tại Hội trường Khối Mặt trận Đoàn thể (Trung tâm hành chính Tp. Quy Nhơn, 30 Nguyễn Huệ) đã diễn ra lễ Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố giai đoạn 2024 - 2026.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online