PSO- Sáng ngày 12/01/2020 (18/12 Kỷ Hợi) tại Tổ Đình Sắc Tứ Thiên Phước (thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp huyện Phù Mỹ, tình Bình Định) Môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm huý kỵ lần thứ 4 cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Thành- khai sơn chùa Giác Viên và chùa Quan Âm.
Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của HT.Thích Giác Trí- thành viên HĐCM, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT.Thích Nguyên Chơn, HT.Thích Viên Đạt, HT.Thích Như Quang- đồng chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT.Thích Đồng Quả- Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Nghi lễ tỉnh HT.Thích Chúc Thọ- Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh kiêm Trưởng ban Pháp chế Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Trưởng ban trị sự GHPGVN huyện; HT.Thích Trí Hải- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TX. An Nhơn; HT.Thích Hạnh Bảo- Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Hoài Nhơn. Chư Tôn giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa; quý Ni Trưởng, Ni Sư, chư Tôn thiền đức Tăng Ni và thiện tín Phật tử trong tỉnh cũng về tham dự và nhất tâm cầu nguyện.
Sau lễ cúng Ngọ, Cung tiến Giác linh; Nơi Tổ đường, chư Tôn đức giáo phẩm đã thành kính dâng hương tưởng niệm tri ân công đức cố Trưởng lão Hòa Thượng đã dành cả đời phụng sự cống hiến cho Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.
Tiếp đến, Ban Tổ chức đã cung thỉnh chư Tôn đức quang lâm trai đường, chứng minh lễ cúng dường trai tăng hồi hướng công đức đến bậc Ân sư khả kính.
Hồng Kế
—o0o—
TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC THÀNH
(1918- 2014)
Hòa thượng họ Phạm, húy Quảng Động, Pháp danh Quảng Động, Pháp tự Chủng Quả, Pháp hiệu Phước Thành, đời pháp thứ 45 dòng kệ Liễu Quán.
Thân phụ Ngài là Cụ ông Phạm Lộ, Pháp danh Quảng Lộ, thân mẫu là Cụ bà Phạm Thị Phi, Pháp danh Quảng Thí. Sinh ngày rằm tháng 10 năm Mậu Ngọ (1918) tại thôn Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát tỉnh Bình Định. Gia đình gồm có chín người con, bốn trai năm gái, Ngài thứ bảy nên bà con Phật tử trong vùng quen gọi Ngài là “Thầy Bảy” hay “ Ngài Bảy”. Em út Ngài là Phạm Thiện Huệ, Pháp danh Quảng Chư, cố Hòa thượng Trú trì chùa Ngưỡng Quan, Bá Canh, Đập Đá, An Nhơn, Bình Định.
Gia đình Ngài có truyền thống đạo đức, hiếu học. Song thân là Phật tử thuần thành. Ngài bẩm tính hiền lương, chất trực, siêng năng, kham nhẫn.Từ nhỏ được chú ruột tận tình dạy dỗ. Ngài được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Đến năm 12 tuổi, Ngài thông thạo chữ Hán, học qua Tứ thư, Ngũ kinh và nhiều kinh sách Nho giáo khác.
- Xuất gia học đạo:
Thuở nhỏ sớm có nhân duyên thâm sâu với Phật pháp, được thân cận với nhiều bậc Cao đức, năm 12 tuổi (1930), Ngài xuất gia tại chùa Phước Hải cùng thôn xã do thiền sư Nguyên Quì, hiệu Trí Minh làm lễ qui y và thế độ.
Từ đó theo Bổn sư tu học, nhờ căn trí mẫn tiệp nên chóng thông hiểu kinh luật để rồi bảy năm sau (1937) được truyền Tam đàn thọ cụ tại Đại giới đàn chùa Tịnh Lâm, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định do Hòa thượng Huyền Giác, trú trì chùa Tịnh Lâm, tổ chức và làm Đường Đầu Hòa thượng. Hòa thượng Giác Nhiên làm Yết Ma A Xà Lê, Hòa thượng Hoằng Thông làm Giáo thọ A Xà Lê. (Căn cứ tờ Hộ giới điệp cấp ngày 13 tháng 6 năm Đinh Sửu tức 20/07/1937). Lúc ấy, Ngài 19 tuổi.
Ngài siêng năng học tập, tụng kinh, lễ sám, trao dồi công đức.Trong thời gian tu tập tại chùa Phước Hải, ngoài việc chuyên tâm nghiên cứu nội điển dưới sự chỉ dạy của Hòa thượng Bổn sư, hàng ngày Ngài còn đi bộ hàng chục cây số để theo học chữ quốc ngữ với thầy Thanh Bình ở thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Năm 22 tuổi (Canh Thìn- 1940), Ngài cùng Bổn sư đến đảm nhiệm Phật sự chùa Thiên Phước (tiền thân là Phước An Thiền Tự) do Hương Chức cùng đồng bào Phật tử trong vùng cầu thỉnh, vì nhiều năm trước đây chùa không có trụ trì đã trở nên hoang phế. Ngài giúp Bổn sư tu bổ rồi ở lại trông coi chùa để Bổn sư trở về Phước Hải tự.Từ giai đoạn này trở đi, Ngài liên tục nỗ lực trông nom và tu bổ chùa Thiên Phước do Bổn sư giao phó. Nhiệm vụ nặng nề, Ngài không có điều kiện tham học tại các trường xa. Nhưng sự hiếu học, khiêm tốn đã làm động lực giúp Ngài luôn luôn học hỏi, nghiên tầm kinh luật, tự trao dồi giới đức ngày càng trang nghiêm, thanh tịnh.
Năm Ngài 50 tuổi, Ngài có duyên được Hòa Thượng thượng Thọ hạ Sơn truyền dạy pháp Du già, Chẩn thí khoa nghi.
- Thời hóa đạo (Hành đạo):
Đến năm Nhâm Thìn (1952), Bổn sư qui tịch thì Ngài chánh thức làm trú trì Thiên Phước tự khi Ngài tròn 34 tuổi.
- Về công tác Giáo Hội, từ ấy đến nay, Ngài từng đảm nhiệm các chức vụ như sau:
– Từ năm 1947- 1948, Ngài đã tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc quận Phù Mỹ với cương vị Chủ tịch.
– Từ năm 1956- 1963, Ngài làm tuần chúng (lãnh tuần chúng) Giáo hội Tăng già tỉnh Bình Định. (Căn cứ Chứng minh thư do Ngài Đệ Nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết ký cấp).
– Năm Quí Mão (1963), Ngài làm Trưởng ban Ủy ban Bảo vệ Phật giáo huyện Phù Mỹ.
– Từ năm 1957- 1963, Ngài cùng với Hòa Thượng Thích Đổng Quang đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Phật giáo quận Phù Mỹ.
– Từ năm 1963- 1981, Ngài nhiều lần làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Phù Mỹ.
– Từ năm 1972- 1974, Phó ban rồi Trưởng ban Bảo trợ Khóa I, II trường Trung đẳng Chuyên khoa Phật học viện Phước Huệ.
– Từ năm 1991- 1995, Ngài làm Phó trưởng ban Trị sự đặc trách Tăng sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định.
– Năm Nhâm Thân (1992), Ngài được cung thỉnh làm Cố vấn Giáo thọ trường Cơ Bản Phật học Nguyên Thiều, Bình Định.
– Năm Bính Tí (1996), sau khi Hòa Thượng Thích Kế Châu, Trưởng ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định viên tịch, chư Tăng suy cử Ngài tiếp nối lãnh đạo Phật giáo tỉnh.
– Năm Đinh Sửu (1997), Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
– Từ năm 1997- 2002, Ngài làm Trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ II.
– Từ năm Nhâm Ngọ (2002) đến nay, Ngài được cung thỉnh làm chứng minh Ban Trị Sự GHPG tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, Ngài còn được cung thỉnh vào các Đại giới đàn trong và ngoài tỉnh, ngoài nước:
– Năm Nhâm Thìn (1952), Tôn chứng Giới đàn chùa Thiên Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
– Năm Mậu Thân (1968), Đệ nhất Tôn chứng Đại giới đàn Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.
– Năm Kỷ Tỵ (1989), Chánh chủ đàn Đại giới đàn Nguyên Thiều, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.
– Năm Giáp Tuất (1994), Yết Ma A Xà Lê Đại giới đàn Phước Huệ, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.
– Năm Canh Thìn (2000), Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Chánh Nhơn, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.
– Năm Quí Mùi (2003), Đường đầu Hòa thượng Đại giới Đàn A Nan Đà Giác Tánh, tại Tu viện Vạn Hạnh, thủ đô Canbera, Úc Châu.
– Năm Giáp Thân (2004), Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Huệ Chiếu, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.
– Năm Mậu Tý (2008), Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Giác Tánh, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.
– Năm Canh Dần (2010), Chứng minh Đại giới đàn Cam Lộ, chùa Minh Thành, Tp. Pleyku, tỉnh Gia Lai.
– Năm Quí Tỵ (2013), Chứng minh Đại giới đàn Kế Châu, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn, Bình Định và Đại giới đàn Bồ Tát Quảng Đức, chùa Long Sơn, Tp. Nha Trang, Khánh Hòa.
- Về công tác xã hội:
Trong những năm 1965- 1977, Ngài mở trường Tiểu học Tư thục Bồ Đề Pháp Vân trong khuôn viên chùa, hơn mười năm tổ chức dạy miễn phí, vừa để giúp con em học sinh trong vùng không có điều kiện đi học xa, góp phần xóa nạn mù chữ, vừa để có phương tiện tiếp Tăng độ chúng.
Suốt cuộc đời hành đạo, Ngài tích cực tham gia, tổ chức nhiều hoạt động với mục đích an sinh xã hội nên vào năm 2006, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam quyết định trao tặng Ngài Kỷ niệm chương vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào nhân đạo xã hội.
Nhiều năm liền, Ngài là thành viên UBMTTQVN các cấp.
- Về công đức trùng tu xây dựng:
– Năm Đinh Dậu (1957), Ngài trùng tu Đại Hùng Bảo Điện chùa Thiên Phước.
– Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài khai sơn chùa Phổ Đà Quan Âm, thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cùng năm này, Ngày trùng kiến chùa Tịnh Quang, thôn Thái An, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và đổi tên thành chùa Giác Viên như hiện nay.
– Năm Nhâm Dần (1962), Ngài xây cất nhà Hậu Tổ, nhà Đông, nhà Tây, nhà chúng và nhà trù.
– Năm Quí Dậu (1993), Ngài tái lập chùa Phổ Đà Quan Âm và đổi tên thành chùaVạn Đức.
– Năm Mậu Dần (1998), Ngài xây dựng tường thành xung quanh chùa và tôn dựng Quan Âm Các.
– Từ năm 2000 đến nay, mọi công việc tu bổ, xây dựng ngôi phạm vũ Thiên Phước đều do Hòa thượng đương kim trú trì Thích Quảng Xả đảm nhiệm.
Đệ tử xuất gia từ năm 1975 về trước có hơn 40 vị, sau năm 1975 tất cả đã hoàn tục. Hiện còn 2 vị nhập môn từ 1980 về sau này.
- Viên Tịch:
Trải qua bao gian nan khổ nhục, suốt cuộc đời Hòa Thượng vẫn giữ chí nguyện trên cầu Phật đạo, dưới vì chúng sanh hóa độ. Trước muôn vàn thay đổi thăng trầm, trọn một kiếp Ngài vẫn gìn nếp sống giản dị thanh cao: thiểu dục tri túc, khắc kỷ vị tha, bao dung từ tốn. Những năm cuối đời, biết trước rằng cơn vô thường sẽ đến không xa, Ngài lui về tịnh thất, miên mật tu trì chẳng nệ vì tuổi cao sức yếu. Những cơn bệnh dù nặng dù nhẹ đến, Ngài vẫn an nhiên tự tại, chưa bao giờ Ngài nói một tiếng đau.
Buông xả tất cả, chỉ giữ lại tiếng niệm Phật trên môi, để rồi Ngài an nhiên thị tịch trong tư thế cát tường vào lúc 05h55’ ngày 18 tháng 01 năm 2014 (nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Quí Tỵ), mặc dù đã được Môn đồ, Pháp quyến và các y bác sĩ tỉnh nhà tận tình chăm sóc khi Ngài lâm cơn bệnh cuối cùng.
Trụ thế 101 năm, 72 hạ lạp, cuộc đời tinh khiết như sen, Ngài là bóng mát, là bến bờ cho biết bao người con Phật quay về nương náu, là những bài học về thân giáo cho Tăng Ni hậu học và hàng Phật tử tín đồ nhớ nghĩ noi theo.
Hôm nay, đàn hậu học và đồng bào Phật tử thật bơ vơ, lạc lõng khi không còn được nhìn thấy ánh mắt đại từ đại bi, không còn nghe những lời dạy dỗ mộc mạc chân tình của Ngài nữa. Ngài đã về với thể tánh chân như, nhưng tấm gương Ngài vẫn ngàn đời soi sáng mãi cho hậu thế.
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Ngũ Thế, Thiên Phước Đường Thượng húy thượng Quảng hạ Động, tự Chủng Quả, hiệu Phước Thành, Trưởng Lão Hòa Thượng Bổn sư Giác linh.
Môn đồ phụng soạn
The post Bình Định: Lễ Tưởng niệm Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Thành appeared first on Phật sự Online Miền Trung.