PSO - Sáng 31/3/2025 (3/3/Ất Tỵ), Trưởng lão HT.Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng VNCPHVN, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng ban Tổ chức Phân đàn truyền giới, đã dành lời sách tấn đến các Giới tử thọ giới tại Phân đàn tịnh xá Ngọc Thịnh (86 Cách Mạng Tháng 8, P.Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) thuộc Đại Giới đàn Trí Tấn PL.2569 – DL.2025.
Trong sự cung đón trang nghiêm của các Giới tử, Trưởng lão Hòa thượng đã chia sẻ về ý nghĩa của Đại Giới đàn lần này. Theo đó, Đại Giới đàn Trí Tấn PL.2569 – DL.2025 là Giới đàn đầu tiên ở cấp khu vực với sự chứng minh của Đức Pháp Chủ và chư tôn đức Giáo phẩm Trung ương, tổ chức tại tỉnh Bình Dương, có sự tham gia của năm tỉnh lân cận, gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hòa thượng nhấn mạnh, đây cũng là nhân duyên để Phật giáo Khất sĩ tổ chức Phân đàn truyền giới riêng cho chư Tăng tại tịnh xá Ngọc Thịnh và chư Ni tại tịnh xá Ngọc Tân (Bình Dương).
“Đại Giới đàn được khai mở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Giới tử được thọ giới chánh pháp từ chư tôn đức, tức được truyền tam quy thập giới đối với Sa-di (mười giới cho người mới xuất gia) và tam quy cụ túc giới đối với Tỳ-kheo (giới cụ túc cho Tỳ-kheo). Mục đích của việc truyền giới này là để thành tựu viên mãn giới pháp, giúp người thọ giới tránh cái xấu, cái quấy, cái ác và tu tập theo giáo pháp của Đức Phật. Thông qua việc thọ giới, các tân tu sĩ, đặc biệt là trong Phật giáo Khất Sĩ, sẽ nối chí chân nhân và chuyển độ tinh thần, hướng đến việc học đạo hiền, giúp các Giới tử được an lạc, tinh tấn trên con đường tu tập và từng bước viên thành quả vị”, Hòa thượng khẳng định.
Sơ lược lại về lịch sử hơn 2000 năm của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ cực thịnh dưới triều Lý Trần và giai đoạn chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ XX, HT.Thích Giác Toàn đã nhắc đến Tổ sư Minh Quang (sinh năm 1923). Qua đó, Hòa thượng chỉ rõ cho Giới tử thấu hiểu về quá trình từ ngày Đức Tổ sư thị hiện nơi cõi đời, trải qua hành trình tu học, tìm hiểu Phật giáo Nam tông Nguyên thủy ở Campuchia, cho đến giai đoạn Ngài chứng ngộ và khai mở đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, rồi thọ nạn và vắng bóng. Từ đó, điểm lại nét lịch sử vàng son của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam với phương châm “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”.
Trong khuôn khổ Đại giới đàn, Hòa thượng đã giảng giải về ý nghĩa của việc công quả và nhấn mạnh về thiểu dục tri túc trong đời sống tu hành. Hòa thượng cho rằng, khi thực hiện các công việc như quét dọn chánh điện, nhà giảng, nhà khách, nhà thờ cửu quyền, nhà bếp và đặc biệt là nhà vệ sinh, người tu không chỉ làm cho tịnh xá sạch sẽ về mặt vật chất, mà còn vừa nương cái cảnh lau dọn cho nó sạch cái dơ, vừa cùng lúc để mình ngó lại lòng mình.
“Việc lau dọn nhà vệ sinh, dù là công việc mà nhiều người thế tục e ngại, trong đạo lại là một bài học quan trọng của Sa-di. Khi tập trung chăm chú lau dọn cho sạch sẽ, người tu cũng suy nghiệm để lau sạch cái tâm phàm tục của mình, bao gồm tâm sợ khổ và sợ dơ. Quá trình tập sự Sa-di kéo dài từ 1 – 5 năm tùy tuổi, bao gồm việc lau dọn nhà vệ sinh mỗi ngày, cho đến khi không còn mùi hôi và không còn thấy dơ. Sự siêng năng công quả giúp người tu nhìn lại và dọn dẹp những tánh xấu nhiều đời trong tâm tánh”, HT.Thích Giác Toàn chỉ dạy.
Về thiểu dục tri túc trong đời sống tu hành, Hòa thượng giảng giải: “Người xuất gia phải buông bỏ hết chuyện đời, gia đình, sự nghiệp. Đời sống của người tu là ‘thiểu dục tri túc’ - sống ít mà biết đủ. Điều này khác biệt với người đời, những người luôn cố gắng tạo thêm tài sản và của cải. Khi đã lìa gia đình và xin đi tu, người tu phải nhận thức rằng mình không còn gì hết”.
Hòa thượng kể lại, trong thời gian tập sự Sa-di, khi di chuyển chỗ ở, các Sư phải tự gói ghém đồ đạc, bao gồm mùng, bỏ gọn trong bát và mang đi, sống đời sống như vậy trở thành quen, thể hiện sự thiểu dục tri túc. Người tu không còn ham muốn sự sang trọng, mà mặc Y áo đơn giản, đi dép, không trang sức. Mục đích là thu gọn đợi đến không có gì hết, vì đã lìa bỏ mọi thứ khi xuất gia, chấp nhận cuộc sống giản dị, chỉ hướng đến sự đủ đầy về mặt tinh thần.
Nhắc lại về quá khứ, Hòa thượng cũng chia sẻ những hồi ức về các hành động vô ý gây tổn hại cho chúng sinh khi còn nhỏ, qua đó nhấn mạnh, tất cả đều là nghiệp và người tu phải vui vẻ trả nghiệp cũ, đồng thời không tạo thêm nghiệp mới, như lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy. Đặc biệt, người đi tu không được phép sát sanh và trộm cắp. Đây cũng được xem là điều tiên quyết khi bước chân vào cánh cửa đạo pháp.
Theo đó, Hòa thượng giảng về tầm quan trọng của việc thọ giới Sa-di và Tỳ-kheo, đó là sự thay đổi sâu sắc trong tâm thức, hướng đến việc tránh mọi điều xấu ác. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải buông bỏ mọi cảm xúc tiêu cực như vui, buồn, giận, thương, ghét và không ham vui. Việc cạo đầu nửa tháng một lần cũng được giải thích là để loại bỏ những niệm xấu ác.
Trích lời dạy của Đức Tổ sư về “giữ thân trong sạch là xứ Phật, giữ miệng trong sạch là pháp Phật, giữ ý trong sạch là con Phật, giữ tâm trong sạch là Đức Phật”, Hòa thượng chỉ dạy:
- Đối với thân của người tu, khi được giữ gìn trong sạch sẽ trở thành nơi nương tựa của Phật pháp. Khi một người quyết tâm đi tu, họ phải từ bỏ những hành động ác của thân. Trước khi biết tu, tay chân có thể tạo nhiều nghiệp xấu, nhưng khi đã bước vào con đường tu hành, người đó phải ý thức và chấm dứt những hành vi này. Việc thọ giới, đặc biệt là mười giới Sa-di, là một bước quan trọng để giữ thân trong sạch. Dù chưa chính thức thọ giới Cụ túc, nhưng việc tập giữ mười giới cơ bản đã giúp người tu tránh xa những hành động sai trái của thân. Dù thân vẫn còn là thân phàm, nhưng khi đã khoác lên mình y pháp của ba đời chư Phật, người tu cần trân trọng và giữ gìn sự thanh tịnh cho thân. Mỗi ngày, người tu cần tự vấn lương tâm, xem xét những hành động của mình là hiền thiện hay xấu ác, và quyết tâm giữ gìn những điều tốt đẹp, loại bỏ những điều xấu quấy. Thậm chí những việc ác nhỏ cũng cần phải buông bỏ.
- Đối với khẩu, lời nói của người tu phải phản ánh giáo pháp của Đức Phật. Người xuất gia phải giữ miệng trong sạch bằng cách tịnh khẩu hoặc chỉ nói lời hiền hòa, không nói lời vô ích, xấu ác. Từ sáng đến tối, người tu nên thực hành tịnh khẩu nghiệp chân ngôn (giữ im lặng) khi không cần thiết phải nói. Ông bà ta cũng dạy “nói là bạc, nín là vàng”, điều này tương đồng với việc giữ miệng trong sạch trong tu hành. Nếu cần thiết phải nói, người tu phải nói lời hiền lành, tránh tuyệt đối những lời dữ dội, sâu cay, gây tổn thương cho người khác. Miệng của người tu nên được dành để nói pháp, truyền bá những lời dạy của Đức Phật, chứ không phải để nói chuyện chơi, đùa giỡn vô nghĩa, nói xấu, nói quấy, nói ác hay thêm bớt. Nếu còn những tánh cũ thì cần phải tự giác nhận ra và chấn chỉnh, quyết tâm không tái phạm vào ngày hôm sau. Việc giữ miệng trong sạch giúp người tu có được sức định, sự an định trong tâm hồn và lời nói.
- Đối với ý, những suy nghĩ trong tâm trí của người tu phải hướng đến những điều thiện lành, phù hợp với giáo pháp. Người tu phải luôn nuôi dưỡng ý niệm trong sạch, loại bỏ những ý nghĩ xấu ác, tham sân si.
- Đối với tâm, khi tâm hoàn toàn trong sạch, không còn vướng bận bởi những phiền não, đó chính là trạng thái gần với Phật. Người tu cần soi sáng tâm mình mỗi ngày, như soi gương để nhận diện và loại bỏ những ô nhiễm. Việc cạo đầu nửa tháng một lần theo lời Phật dạy cũng có ý nghĩa là để những niệm xấu quấy vừa nảy sinh phải được buông bỏ, không để chúng ẩn náu và phát triển. Khi đã thọ giới, bất cứ niệm xấu quấy nào trong tâm cũng phải được loại bỏ. Người tu không được ham vui theo kiểu thế tục, cũng không nên buồn giận hay oán trách ai, mà phải nhớ đến những nghiệp xấu mình đã gây ra trong vô lượng kiếp. Mọi cảm xúc tiêu cực như vui buồn, mừng giận, thương ghét, muốn gì đều cần phải buông bỏ.
Một số hình ảnh được ghi nhận:
Ban Truyền thông Hệ phái Khất sĩ