PSO - Sáng ngày 04/6/2024, tại Hội trường A Trường Chính Trị (P. Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một), Ủy ban Nhân dân và Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc các tôn giáo và đại diện cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2024.
Về phía Phật giáo có: HT. Thích Thường Quang - Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương; TT. Thích Chơn Phát - Uỷ viên HĐTS, Phó BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Vũ – Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh; TT. Thích Minh Lực – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh; ĐĐ. Thích Thiện Hưng - Phó ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông PG tỉnh; Ni trưởng Thích nữ Pháp Như – Phó ban Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh; TT. Thích Huệ Tín – Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Huệ Nghiêm – Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; cùng chư Tôn đức thành viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, BTS Phật giáo 09 huyện, thị, thành phố và trụ trì 210 cơ sở tự viện trong toàn tỉnh đồng về tham dự.
Đại diện chính quyền có: Tiến sĩ Nguyễn Thị Định – Chuyên viên Cao cấp, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Nguyễn Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương; ông Trần Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh; cùng các chức sắc, chức việc các tôn giáo đang sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương đồng tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: Bình Dương thuộc miền Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích 2.694,42km2, dân số 2.678.220 người (trong đó 52% là dân từ các tỉnh đến làm ăn sinh sống) phân bố ở 91 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố. Bên cạnh sự năng động về kinh tế, Bình Dương còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đậm chất Nam bộ, đồng thời là tỉnh có nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phong phú với số lượng tín đồ, người có tín ngưỡng đông đảo.
Những năm qua, Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế khá ấn tượng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thu nộp ngân sách thuộc tốp 5 tỉnh thành đứng đầu cả nước. Tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xuất khẩu đều tăng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. UBND tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công để góp phần kích thích nền kinh tế. Trong 5 tháng qua, các khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương đã hút 525 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 75% so với cùng kỳ 2023. Nâng tổng vốn FDI vào các KCN trên địa bàn lên 29,7 tỷ USD. Đặc biệt, Bình Dương đã cấp mới 58 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 270 triệu USD cho các doanh nghiệp FDI, 210 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 250 triệu USD. Trong đó nổi bật là KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 3) quy mô 1.000 ha, có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.
Những thành quả đạt được nêu trên, nhờ sự đồng sức, đồng lòng của Nhân dân tỉnh nhà, trong đó đặc biệt có sự đóng góp của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo, đồng bào có tín ngưỡng. Quý vị đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện xuất sắc các chương trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, giữ vững an sinh xã hội tại địa phương.
Tại Hội nghị, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ đã được nghe Tiến sĩ Nguyễn Thị Định phổ biến chức sắc chức việc Tôn giáo, những điểm mới của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP so với Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Các điều khoản bổ sung mới bao gồm: Quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, Tôn giáo cho người bị quản ký, giam giữ; Thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung từ địa bàn xã này sang địa bàn xã khác; Thay đổi người đại diện của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; Thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; Bổ sung các quy định về đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quy định về đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo; Phục hồi hoạt động cho các tổ chức; Việc xác định công trình phụ trợ được miễn giấy phép xây dựng; hoạt động quyên góp; tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; hình thức tổ chức hoạt động Tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ; tiếp nhận hồ sơ; phân cấp, ủy quyền… Các điểm mới này góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, Tôn giáo cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, Tôn giáo thời gian tới.
Dịp này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Định cũng lắng nghe và trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo tỉnh đã dành thời gian để trao đổi thỏa đáng các ý kiến được chư Tăng, Ni đặt ra.
Thông qua hội nghị tập huấn giúp chư Tôn đức Tăng, Ni thành viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và 09 huyện, thị, thành phố cũng như trụ trì (quản tự) các cơ sở, tự viện trên địa bàn tỉnh, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo nâng cao nhận thức về pháp luật và thực hiện các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; cán bộ, công chức cấp xã sẽ vận dụng kiến thức tiếp thu được vào thực tiễn tại địa phương, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo trong toàn tỉnh Bình Dương.
Ban TT-TT PG Bình Dương